''Hãy chậm lại và kiểm chứng'' để tránh bị lừa đảo

Thứ hai, 24/02/2025 15:02

Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, để ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, một trong những nguyên tắc vàng là "hãy chậm lại và luôn luôn kiểm chứng".

Theo các chuyên gia an ninh mạng, các đối tượng xấu thường tạo ra các kịch bản lừa đảo dựa trên những vấn đề đang được xã hội quan tâm, nhằm dễ dàng dụ dỗ người dân. Người dân cần tỉnh táo, dành thời gian suy nghĩ kĩ trước khi chuyển tiền, hãy dừng lại ngay nếu cảm thấy giao dịch không đáng tin.

Tấn công giả mạo, lừa đảo trực tuyến thường nhắm đến đối tượng là những người không có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về nền tảng số. Chính vì vậy, khi gặp những tình huống người lạ gọi điện thúc giục cài đặt ứng dụng hoặc chuyển tiền, người dân cần bình tĩnh kiểm tra kĩ nguồn gốc thông tin, không truy cập vào đường link, ứng dụng từ tin nhắn gửi đến và tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ.

Theo ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC): "Lừa đảo dựa trên yếu tố phổ biến như các lời mời kích thích mạnh mẽ người dùng như các tin tức hot, giật gân. Thứ hai là lợi dụng sự tham lam của con người. Khi mà bạn nhận diện được lòng tham của mình và sự lôi cuốn mà đối tượng xấu đang tạo ra thì bạn sẽ nhận diện được lừa đảo"

"Người Việt chúng ta dành thời gian quá nhiều trên mạng nên xu hướng tiếp cận nhiều thông tin đến mức không có thời gian để phân biện đó là thật hay giả. Và thứ hai là thông tin cá nhân của chúng ta quá dễ dàng để có thể thu thập được. Đó là thứ để cho kẻ lừa đảo có thể chiếm lòng tin, cũng như tìm thấy chúng ta dễ dàng hơn", ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia Đào tạo An toàn thông tin cho biết.

Hiện cũng có nhiều trang mạng xã hội thuê hoặc mua tích xanh để giả mạo, lừa đảo. Người dùng cần kiểm tra kĩ người sở hữu, số lượt tương tác trên trạng. Tài khoản mạng xã hội cá nhân cũng cần thường xuyên cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư. Không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không cung cấp số thẻ ngân hàng, mã OTP.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho rằng: "Để ngăn chặn tình trạng này thì không có cách nào khác là chúng ta phải nâng cao ý thức cảnh giác của người dân cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, quản lý từ các cơ quan nhà nước. Đặc biệt là chúng ta phải xử phạt thật nghiêm các vụ việc đã được phát hiện và tố cáo".

Trang bị kĩ năng cần thiết, nâng cao ý thức để bảo vệ bản thân và người thân luôn là ''đề kháng'' trước những rủi ro lừa đảo. Vì chỉ một phút mất cảnh giác, hậu quả để lại sẽ rất nặng nề. Bởi mạng Internet là ảo nhưng thiệt hại tài sản và con người luôn là thật.

Việt Linh, Thành Luân

Cảnh giác bẫy lừa đảo tuyển sinh du học

Một số trường đại học liên tục phát cảnh báo sinh viên đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo yêu cầu chuyển khoản dưới dạng trúng tuyển học bổng, yêu cầu đóng khoản phí để được xét duyệt, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin lời tu tập “thành tiên“, 3 người bị lừa đảo 100 tỉ đồng

Hai vợ chồng ông Tuấn đã xây dựng một khu vực rộng lớn, dụ dẫn người dân về tu tập để “đắc đạo“, “thành tiên“ rồi chiếm đoạt gần 100 tỉ đồng.

Cẩn trọng khi tài khoản ngân hàng “bỗng dưng” bị khóa

Hiện nay, nhiều người đăng số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội vô tình đã tạo điều kiện để các đối tượng xấu khai thác thông tin và thực hiện hành vi lừa đảo. Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với chiêu trò lừa đảo tinh vi và rất nguy hiểm này.