4 thuyền viên tàu Cheng Cheng Shipping trở về

Thứ tư, 21/08/2013 09:13

(Cadn.com.vn) - Sau nhiều ngày lưu lạc tại xứ người, sáng 20-8, 4 thuyền viên Việt Nam nhảy khỏi tàu cá Đài Loan trên kênh đào Panama đã trở về Nghệ An an toàn trong niềm vui và nước mắt...

NƯỚC MẮT NGÀY VỀ

Sáng 20-8, đến nhà ở thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An, thuyền viên Đào Ngọc Trung (27 tuổi) không khỏi rơi nước mắt khi thấy người vợ ôm đứa con nhỏ chưa đầy 8 tháng tuổi ngồi trước thềm với khuôn mặt hốc hác bởi sau bao ngày nghe tin chồng nhảy xuống biển bị bắt ở xứ người. Thấy chồng, chị Lô Thị Hằng rơm rớm nước mắt xúc động: “Gặp được chồng tôi mới hết lo lắng, giờ thì anh ấy sống về tới thật rồi...”. Chị Hằng tâm sự, từ hôm nhận tin chồng nhảy xuống biển, ngày nào gia đình, bản thân chị cũng hoang mang lo lắng vì không biết chồng sống chết ra sao. Từ nay ở nhà vợ chồng đói khổ có nhau chứ không để anh đi như thế nữa.

Cùng tâm trạng vui mừng khôn xiết khi chồng trở về, chị Trần Thị Năm - vợ thuyền viên Hồ Thanh Tùng (30 tuổi) cho biết: “Anh ấy đi được 7 tháng, tôi ở nhà mới nhận được 4 tháng tiền lương của chồng. Nghe tin anh ấy nhảy xuống biển mà lòng như lửa đốt suốt ngày, giờ đây đã tay sờ vào người anh ấy, được nghe chồng nói với mọi người tôi mới tin chồng mình đang sống. Mấy ngày qua cứ nghe thông tin trên đài, báo mà lòng tôi như lửa đốt, giờ thì an tâm rồi”.

Từ phải sang: các thuyền viên Hồ Thanh Tùng, Đào Ngọc Trung, Trần Văn Dương.

Nhiều người thân, xóm làng của 4 thuyền viên Lê Đức Chính (22 tuổi), Đào Ngọc Trung, Trần Văn Dương (21 tuổi) và Hồ Thanh Tùng không khỏi vui mừng khi nghe tin con em mình nhảy khỏi tàu đánh bắt cá ngoài biển vừa về đến nhà an toàn nên đến hỏi thăm sức khỏe, động viên thuyền viên. Ông Nguyễn Đình Phê (75 tuổi, trú xóm Đại Hải) tâm sự, người dân Quỳnh Lưu nói chung và người dân xã Quỳnh Long sống bằng nghề biển, cuộc sống khó khăn. Nhiều năm trở lại đây thanh niên trong làng tìm cách xuất khẩu lao động nước ngoài hy vọng có đồng vốn nhưng khi sang nước ngoài thì rất bấp bênh. Người tai nạn bỏ mạng ở xứ người, người bị bệnh tật, người bị chủ ngược đãi, đồng lương ít ỏi phải bỏ về…

LIỀU MÌNH NHẢY XUỐNG BIỂN

Thuyền viên Đào Ngọc Trung tâm sự: “Cuộc sống, công việc ở trên tàu Cheng Cheng Shipping quá vất vả, mỗi ngày phải làm việc 17-18 tiếng. Hơn thế nữa ăn uống ở trên tàu cũng quá kham khổ nên khi tàu đi qua kênh đào Panama, chúng tôi đã liều mình nhảy xuống biển rồi chủ động gọi cảnh sát biển Panama để được giải cứu”. Theo anh Trung, do cuộc sống ở quê quá khó khăn, tháng 6-2012 anh cùng với người cháu là Trần Văn Dương làm thủ tục xin đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan qua một người môi giới ở cùng xã. Sau khi sang tới nơi, anh được cử lên làm đầu bếp trên tàu cá Cheng Cheng Shipping, còn Dương làm công nhân đánh cá, với mức lương 6.500.000 đồng/tháng. Sau 1 tháng sửa chữa các trang thiết bị, con tàu bắt đầu vươn khơi đánh bắt cá ngừ đại dương.

Thuyền viên Hồ Thanh Tùng: "Làm việc mệt mỏi, ăn uống kham khổ buộc chúng tôi phải liều mình nhảy xuống kênh đào"

Còn theo thuyền viên Hồ Thanh Tùng cho biết thì anh từng đi biển dài ngày nhưng chưa thấy ở đâu cuộc sống lại kham khổ, vất vả như vậy. Làm việc thời gian quá dài, có những hôm không ăn được cũng phải cố làm. Rồi sau những tháng ngày đằng đẵng lênh đênh trên biển, rạng sáng 15-8, con tàu dự kiến cập vào cảng ở Panama để đưa 1 thuyền viên người Indonesia lên bờ chữa bệnh. Khi con tàu đi qua kênh đào Panama vào lúc 12 giờ đêm (giờ Panama) 4 thuyền viên đã cùng ôm can, phao nhảy thẳng xuống kênh rồi bơi vào bám lấy cọc tiêu phân luồng, chờ tới sáng, thấy thuyền của cảnh sát biển Panama đi qua, các thuyền viên đã chủ động gọi và được giải cứu.

“Khi đó khoảng 12 giờ đêm, tàu qua lạch (kênh đào Panama), chúng tôi quan sát thấy có đồn cảnh sát biển cách đó khoảng 500m và có 1 cọc tiêu phân luồng nên đã chủ động ôm phao và nhảy xuống. Sau khi nhảy khỏi tàu, chúng tôi bơi đến ôm lấy cọc tiêu đợi đến sáng thì thấy cảnh sát biển đi qua và kêu cứu” - anh Tùng cho biết. Sau khi 4 thuyền viên người Việt Nam nhảy xuống biển được cảnh sát biển Panama cứu, sáng 15-8, các thuyền viên được giao cho đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Panama.

Sau khi điều tra làm rõ sự việc các thuyền viên Việt Nam nhảy xuống biển Panama nhằm bỏ trốn, phía chủ sử dụng lao động là Cty Cheng Cheng Shipping Services SA, có trụ sở tại Panama, đã mua vé máy bay cho 4 người về nước. Ngày 20-8, các thuyền viên đã về tới Nghệ An an toàn. Hiện tại sức khỏe của các thuyền viên đã ổn định và họ cũng cho biết rất mong sớm có thể liên hệ với đại diện của Cty đã đưa 4 thuyền viên sang làm việc để có thể trao đổi và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

T. Ba - D. Hóa