40 đặc công hy sinh trên đỉnh Núi Quế: Chuyện bây giờ mới kể (2)

Thứ hai, 27/07/2015 08:51

* Bài cuối: Tri ân

(Cadn.com.vn) - Mặc dù chưa tìm được hài cốt các liệt sĩ, nhưng ông Khuất Quang Cừ rất muốn lập một ngôi mộ chung ghi danh 40 chiến sĩ đặc công hy sinh tại Núi Quế, bởi sự hy sinh ấy cần phải được tưởng nhớ, tri ân và lưu truyền cho các thế hệ sau. Ý định của ông được các gia đình liệt sĩ ủng hộ.

Tri ân các anh hùng

Trao đổi với chúng tôi, ông Khuất Quang Cừ cho biết: "Khi nhận được giấy báo tử của anh Phiệt, mẹ tôi nói với cả nhà "Phiệt nhà mình không chết đâu". Còn bố tôi thì im lặng, suốt 3 tháng sau đó ông không hề mở radio, mặc dù trước đó ngày nào ông cũng nghe đài. Sau khi bố mẹ qua đời, tôi quyết tâm đi tìm anh tôi. Từ năm 1993 đến 2011, tôi đã đi từ Bắc đến Nam, nhờ đến 21 nhà ngoại cảm nhưng vẫn không biết được thi hài của anh tôi ở nơi nào. Khi biết được anh tôi và đồng đội hy sinh tại Núi Quế, dẫu chưa tìm được hài cốt nhưng chúng tôi vẫn muốn xây mộ để linh hồn các anh có chốn đi về...".

Anh Linh Đài - nơi tưởng niệm 40 chiến sĩ đặc công hy sinh.

Để thực hiện tâm nguyện trên, từ năm 2009, ông Cừ cùng các gia đình liệt sĩ lên kế hoạch xây ngôi mộ chung cho 40 liệt sĩ hy sinh tại Núi Quế đêm 11-5-1969. Ngày 7-3-2012, đại diện các gia đình vào Quảng Nam. 10 ngày sau đó, ngày 17-3-2012, Anh Linh Đài - công trình của lòng tri ân được khởi công xây dựng. Trước quyết tâm và nghĩa cử cao đẹp của ông Cừ cùng thân nhân các liệt sĩ, các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đã nhiệt tình ủng hộ. Ngày 11-5-2012, nhà bia tưởng niệm 40 liệt sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409, Quân khu 5 được khánh thành. Nhà bia tưởng niệm tựa lưng vào sườn một ngọn đồi, ngay tại vị trí các liệt sỹ đã hy sinh.

Trong ngày các gia đình liệt sĩ về Núi Quế thắp hương các anh, chúng tôi gặp chị Trần Thu Thủy (1952, trú tỉnh Cao Bằng), em gái của liệt sĩ Trần Đình Thiệu (1943). Chị Thủy kể trong nước mắt, chị nhớ mãi hình ảnh buổi chia tay hôm ấy, anh Thiệu dặn dò chị ở nhà phải chăm sóc ba mẹ, khi nào lập gia đình thì viết thư báo anh xin phép về. Còn chị thì cứ đứng mãi nơi cổng làng gọi với theo "Anh đi nhớ viết thư về nhé...". Chị Thủy cho biết, dù không tìm được hài cốt của anh mình, nhưng có một ngôi mộ gió như thế chị rất vui mừng, hạnh phúc. Bởi từ nay, linh hồn anh chị và đồng đội đã có chỗ đi về...

Các ngành chức năng và đông đảo người thân các liệt sĩ trong ngày khánh thành bia tưởng niệm các liệt sĩ đặc công tại Núi Quế.

Những câu chuyện đẫm nước mắt

Chúng tôi may mắn được gặp cựu chiến binh Phan Quang Thặng (1951, trú P. Tiên Cát, TP Việt Trì, Phú Thọ), ông chính là một trong những chiến sĩ tham gia trận đánh lịch sử ấy còn sống sót. Ông Thặng kể, cuối năm 1968, ông cùng Trần Phong Vận (1951, Ba Vì, Hà Nội) và một số bạn bè xung phong nhập ngũ. Ngày 22-12-1968, từ Ba Vì ông và đồng đội hành quân vào miền Trung. Đến ngày 17-3-1969 thì vào Quảng Nam. Ông, ông Vận và một số chiến sĩ khác được phân về Đại đội 1 của Tiểu đoàn đặc công 409 (Quân khu 5) đóng tại Quế Sơn. Một số anh em khác về Đại đội 2 đóng tại Tam Kỳ. Đó là những ngày tháng gian khổ nhưng vinh quang và đầy kỷ niệm đối với ông. Kể về trận đánh hôm ấy, ông Thặng cho biết, trước khi xuất phát, đại đội làm lễ xuất quân, đó cũng chính là lễ truy điệu sống vì có thể người ra trận sẽ không trở về. Sau khi tuyên bố lý do, Đại đội trưởng Phan Đình Long hô to khẩu hiệu: "Để trả thù cho đồng bào 3 làng An (gồm 3 làng Vân An, An Chuẩn, An Hải thuộc xã Bình Châu, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi đã bị lính Mỹ giết hại hàng trăm dân thường trong một trận càn-PV), Đại đội 1 quyết tâm chiến thắng kẻ thù". Tất cả mọi người đều giơ tay cao và đồng thanh "Quyết tâm". Sau đó, mọi người ăn bánh, uống nước và gửi nhau lời nhắn gửi về gia đình, bạn bè nếu ngày mai mình hy sinh. Hôm đó, ông Vận đã ôm ông và bảo: "Nếu mình mất, cậu nhớ về thăm bố mẹ mình...". Và đó cũng là lần cuối ông được nghe, được nhìn người bạn, người đồng chí thân yêu của mình.

Cựu chiến binh Phan Quang Thặng kể về trận đánh lịch sử đêm 11-5-1969.

"Trận tập kích đêm đó, tôi được phân công vào mũi 6 do Nguyễn Văn Toàn làm mũi trưởng. Ngoài tôi và Toàn, còn có 4 chiến sĩ khác là Danh, Nhuận, Mật và Ngoãn. Chúng tôi nối nhau bò sát đất, nhích người từng tí một tiến đến mục tiêu. Tôi được giao nhiệm vụ cắt rào nên đi trước. Sau khi dùng kìm cắt rào, tôi hỗ trợ từng người một vào bên trong sào huyệt của kẻ thù. Cùng lúc ấy, các mũi khác cũng đang vượt qua cửa mở và tiến về vị trí chiến đấu của mình. Thế nhưng vừa qua được cửa mở, khi chưa đến giờ G thì từ hướng Bắc trận địa có tiếng nổ súng, ngay lập tức địch báo động, bắn pháo sáng liên tục. Toàn hạ lệnh chiến đấu, ngay tức khắc Nhuận lao lên, ném thủ pháo vào hầm ngầm của địch. Danh ném thêm một quả vào mục tiêu Nhuận vừa đánh. Ngoãn, Mật, Toàn cũng thay nhau ném thủ pháo vào sào huyệt địch. Tôi ôm quả bộc phá nặng 5 kg, đặt vào thân khẩu pháo 105 ly kích nổ rồi nhanh chóng lùi ra xa hơn chục mét. Tiếng nổ vang xé trời, mặt đất rung chuyển, cả Núi Quế sáng rực. Từ trong căn cứ địch, đạn bắn ra xối xả. Xe tăng rải kín khắp nơi. Trên trời, máy bay trực thăng địch quần thảo, trút đạn xuống đất như mưa. Một loạt đạn đã trúng ngay Nhuận. Chúng tôi báo cho mũi trưởng Toàn. Toàn chỉ đạo Danh tiến lên để mang xác Nhuận về. Khi Danh ôm được xác Nhuận trên tay thì một loạt đạn từ căn cứ địch làm anh gục ngay tại chỗ. Tình thế quá hiểm nguy, Toàn hạ lệnh vừa bắn trả, vừa rút quân. Vừa lúc đó, tôi cảm thấy cánh tay mình tê buốt, máu chảy ướt đẫm cả người. Rồi tôi ngất lịm đi..."- ông Thặng kể đêm định mệnh trên Núi Quế.

Câu chuyện của cựu chiến binh Phan Quang Thặng khiến mắt chúng tôi cay xè. Ông chỉ tay ra xa và bảo: "Kia là Hòn Da, đây là Hòn Một, trận đánh diễn ra tại nơi này. Thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ nhưng những khuôn mặt của đồng đội tôi đêm ấy thì mãi vẹn nguyên trong ký ức. Nhuận, Danh, Thiệu, Hòa... các anh ấy đã hòa vào đất mẹ...". Chúng tôi gặp vợ chồng ông Trần Trung Hậu và Nguyễn Thị Kim Cúc (trú xã Quế Phú, Quế Sơn) tại nhà riêng của ông bà để nghe kể thêm về lịch sử hào hùng của cha anh. Cô Cúc cho biết, lúc đó cô là y tá của Tiểu đoàn. Đêm ấy, cô và đồng đội ở tuyến ngoài để tiếp tế và cứu thương. Khi nghe tiếng súng nổ, nhìn bầu trời Núi Quế sáng rực mà ruột gan các cô như lửa đốt. Chờ mãi không thấy các anh trở ra, các cô biết rằng họ đã hy sinh và ôm nhau lặng lẽ khóc. Hai ba hôm sau thì nhận được tin địch kéo thi thể các chiến sĩ lên xe và chở đi đâu không rõ. Mỗi lần hồi tưởng, cô lại khóc vì nhớ thương đồng đội. Cô bảo, lính đặc công là vậy, mỗi khi ra trận phải cởi bỏ hết quần áo và hóa trang để lẩn trong màn đêm, cây cỏ nhằm không cho địch phát hiện. Vì thế, khi chết, họ không có được một mảnh vải trên người...

Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Quân ủy T.Ư, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (nguyên Tư lệnh Quân khu 5) nói rằng, việc xây dựng ngôi mộ chung cho 40 liệt sĩ hy sinh tại Núi Quế là một nghĩa cử cao quý và đây cũng là trường hợp đầu tiên mộ liệt sĩ được xây dựng từ chính thân nhân của các liệt sĩ. Điều đó cũng không có gì đặc biệt, bởi tình yêu và sự biết ơn không phân biệt trách nhiệm thuộc về ai...

B.Bình - N.Phương