40 đặc công hy sinh trên đỉnh Núi Quế: Chuyện bây giờ mới kể

Thứ bảy, 25/07/2015 11:00

* Bài 1:  Trận đánh lịch sử

(Cadn.com.vn) - Đêm 11, rạng sáng 12-5-1969, một đại đội thuộc Tiểu đoàn đặc công 409 (Quân khu 5) nhận nhiệm vụ tấn công Lữ đoàn 196 của quân đội Mỹ đóng tại Núi Quế (xã Quế Phú, H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Hôm ấy, 66 chiến sĩ ra đi chỉ có 26 người trở về. Trong suốt 42 năm sau đó, gia đình của 40 liệt sĩ trên vẫn không biết con em mình hy sinh ở đâu. Cho đến một ngày, người đại đội trưởng năm xưa tìm được cuốn nhật ký công tác. Từ đây, một trong những thân nhân liệt sĩ bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm, tri ân đầy cảm động...

Người thân các liệt sĩ tìm về đỉnh Núi Quế - nơi 40 chiến sĩ đặc công hy sinh.

40 người mãi mãi không trở về

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ - ngụy tăng cường càn quét, đánh phá vùng giải phóng của tỉnh Quảng Nam. Ban ngày, máy bay Mỹ trút bom khiến xóm làng xơ xác. Ban đêm, đại bác từ các căn cứ trên núi bắn phá liên tục nhằm thực hiện ý đồ tìm diệt quân giải phóng. Bộ đội chính quy lúc bấy giờ phải rút về căn cứ để chỉnh quân hoặc phân tán nhỏ lẻ hoạt động để bảo toàn lực lượng. Cán bộ, du kích và bộ đội địa phương bám trụ trong các xóm làng không có dân, thường gọi là “vùng trắng” để hoạt động.

Đầu tháng 5-1969, Đại đội 1, Tiểu đoàn đặc công 409 (Quân khu 5) nhận nhiệm vụ tập kích Lữ đoàn 196 của Mỹ tại Núi Quế. Ngày đó, Núi Quế là căn cứ quân sự quan trọng của quân đội Mỹ. Cứ điểm này gồm có 9 đồi nhỏ nối liền nhau, cao 63-68m, dài 1.000m, rộng 800m. Địch đóng ở trên điểm cao nên có ưu thế về quân sự, chúng lợi dụng các hang đá làm công sự vững chắc. Quân số Lữ đoàn 196 lúc bấy giờ trên 1.000 tên lính Mỹ với nhiều vũ khí tối tân, hiện đại.

Theo kế hoạch, 16 giờ ngày 11-5-1969, Đại đội tổ chức lễ xuất quân. 18 giờ 30, Đại đội xuất phát. Đến 22 giờ, các chiến sĩ di chuyển đến Phú Hương. Tại đây, các anh được du kích địa phương đón và dẫn đường vào chân Núi Quế. 23 giờ, Đại đội tổ chức ăn cơm vắt để tăng sức chiến đấu trước khi vào trận đánh. Ăn uống xong, các anh lần lượt cởi bỏ quần áo, chỉ mặc độc một chiếc quần lót trên mình và bôi lên người chất hỗn hợp được trộn từ lá khoai lang giã nhuyễn với nhọ nồi. Chỉ mấy phút sau, ai nấy đều đen nhẻm và hòa lẫn vào màn đêm, cây cỏ.

66 chiến sĩ tham gia trận tập kích được chia làm 6 mũi tấn công. Mũi 1 tấn công vào khu chỉ huy Lữ đoàn; mũi 2 và 3 đánh vào khu Đông Bắc Núi Quế và khu vực ra-đa; mũi 4 và mũi 5 đánh vào khu chỉ huy tiểu đoàn bộ binh và chặn đường xe của địch. Riêng mũi 6 nhận nhiệm vụ tiêu diệt Hòn Một và đài quan sát tiền tiêu của cứ điểm này.

Khi các mũi tiến công đã lọt vào trong cứ điểm nhưng chưa đến được mục tiêu đã định thì có tiếng súng nổ từ phía Bắc trận địa. Ngay lập tức địch báo động, bắn pháo sáng liên tục. Ở các hướng khác, các mũi tiến công vẫn tiếp tục tiếp cận đến mục tiêu. Đến 0 giờ 30 phút ngày 12-5-1969, từ trên công sự, địch bắn ra hướng mũi 2 và 3. Các mũi đồng loạt nổ súng. Ngay tức khắc, địch tập trung hỏa lực mạnh bắn áp đảo khắp nơi. Ánh sáng của đạn pháo và đèn pha soi rõ từng bụi cây. Địch bắn phá chặn đường tiến của các chiến sĩ và dùng hỏa lực khống chế cửa mở. Tuy không đạt được ý đồ chiến thuật là luồn sâu lót sát nhưng các chiến sĩ vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng. Trận đánh ấy các anh đã loại khỏi vòng chiến đấu 295 tên Mỹ, phá sập 50 nhà, 43 lô cốt, hầm ngầm của địch và nhiều vũ khí, khí tài. Tuy nhiên, 66 chiến sĩ ra trận chỉ có 26 người trở về...

Ông Khuất Quang Cừ, em trai liệt sĩ Khuất Quang Phiệt.

Hành trình tìm kiếm

40 chiến sĩ hy sinh đêm ấy ở tuổi chỉ chừng mười tám đôi mươi và quê quán ở nhiều địa phương như Cao Bằng, Sơn La, Thái Bình, Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... Do chiến tranh loạn lạc nên tất cả các giấy báo tử đều ghi: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam”. Thế nên, thân nhân các liệt sĩ không biết con em mình hy sinh ở đâu để có thể đi tìm phần mộ về hương khói. Nhiều gia đình đã nhờ các phương tiện thông tin đại chúng và cả các nhà ngoại cảm để tìm nhưng kết quả vẫn trong vô vọng.

Cũng như bao thân nhân liệt sĩ khác, Đại tá Khuất Quang Cừ, nguyên Trưởng phòng 2, Văn phòng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật Bộ CA luôn đau đáu ước mơ tìm được phần mộ cho anh trai mình là liệt sĩ Khuất Quang Phiệt. Bắt đầu từ năm 1993, ông đã đi khắp “Mặt trận phía Nam”, kể cả việc nhờ nhà ngoại cảm nổi tiếng nhưng vẫn không tìm được phần mộ của liệt sĩ Khuất Quang Phiệt. Không bỏ cuộc, ông tiếp tục đến các cơ quan quân sự để hỏi thăm về danh tính những người chỉ huy Đại đội 1, tiểu đoàn đặc công 409 năm xưa. Ròng rã một thời gian dài như thế, cuối cùng ngày 23-10-2008, ông Cừ đã gặp được ông Phan Đình Long, nguyên Đại đội trưởng đại đội 1, là một trong những người trực tiếp chỉ huy trận đánh Núi Quế đêm 11-5-1969.

Trong những ngày bom đạn ấy, Đại đội trưởng Phan Đình Long vẫn giữ thói quen ghi nhật ký công việc, diễn biến các trận đánh của đơn vị mình. Trước khi ra trận, bao giờ ông cũng ghi tên tuổi, quê quán của từng đồng đội tham gia trận đánh. Ông nghĩ, lính đặc công khi hy sinh không một mảnh vải, kỷ vật trên người, tất cả đều đen nhẻm nên khó phân biệt từng người một. Những cái tên ông ghi lại cũng phần nào giúp việc nhận ra thi thể của đồng đội sau mỗi trận đánh. Khi đọc cuốn nhật ký này, ông Cừ đã vỡ òa hạnh phúc khi thấy tên anh trai mình và 39 liệt sĩ khác kèm theo sơ đồ trận đánh tại Núi Quế đêm 11-5-1969.

Khi đã có cuốn nhật ký của Đại đội trưởng Phan Đình Long, ông Cừ liên hệ với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đề nghị phía Mỹ xác minh lại số liệt sĩ hy sinh tại Núi Quế đêm 11, rạng sáng 12-5-1969. Theo báo cáo ngày 12-5-1969 của quân đội Mỹ (được giải mật ngày 17-3-2011), vào lúc 1 giờ 40 phút ngày 12-5-1969, Núi Quế bị tấn công, đến 8 giờ 10 phút mới hết tiếng súng. 20 giờ 30 phút Mỹ thu được 39 thi hài (các chiến sĩ đặc công hy sinh-PV). Đồng thời, tài liệu cũng xác nhận đến 20 giờ 35 phút ngày 12-5-1969 vẫn còn các chiến sĩ giải phóng quân trên Núi Quế, do không kịp rút ra ngoài trước khi trời sáng phải ẩn náu lại chờ đến đêm sau tìm cách thoát ra.

Từ những thông tin có được về quê quán của các liệt sĩ, ông Khuất Quang Cừ bắt đầu hành trình liên lạc với các gia đình liệt sĩ. Đầu tiên, ông gọi điện thoại đến Chủ tịch UBND các xã có liệt sĩ hy sinh tại Núi Quế. Ông đề nghị chính quyền liên lạc và cung cấp cho ông số điện thoại của từng gia đình. Cứ thế, ông đã nối vòng tay giữa các gia đình liệt sĩ với nhau, ông hun đúc lòng tri ân của những người sống với người đã mất. Cũng từ đấy, các gia đình mới biết được trận đánh đêm 11-5-1969 diễn ra như thế nào, con em mình hy sinh anh dũng ra sao. Và họ tìm về Núi Quế, nơi những người lính đặc công năm xưa đã ngã xuống...

B.Bình - N.Phương
(Còn nữa)