42 năm bây giờ mới kể

Thứ tư, 06/04/2016 09:13

(Cadn.com.vn) - Nhớ lại ngày xảy ra lần chạm trán với địch, khi tổ 3 người chúng tôi đi tắm suối dưới chân điểm cao 101 - khu vực Động Ông Do, tỉnh Quảng Trị (tháng 4-1973). Khi tôi bắn hạ địch, có một tên từ trên cây nhảy xuống và cầm AR15 giương nòng về tôi, tôi cũng giương nòng súng AK vào nó nhưng cả hai không bóp cò. Sự việc đã đi qua 42 năm, tình cờ trong chuyến đi tác nghiệp viết bài tại Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Tây Nguyên tôi đã gặp lại anh ta... 

 

…Trận đánh vào điểm cao 101, nơi thiếu úy Ty, chỉ huy đơn vị lính dù (quân đội VNCH) đóng dưới chân Động Ông Do là trận đánh của quân ta trừng trị quân địch vi phạm Lệnh ngừng bắn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau Hiệp định Paris đã được ký kết). Bao quanh chân điểm cao 101 được quân địch phòng thủ kiên cố với nhiều tuyến hàng rào kẽm gai, có gắn lựu đạn, mìn vướng nổ với ụ súng, lô cốt chất đầy bao cát chống đạn. Vì thế, tên thiếu úy này thường dùng loa cầm tay nói oang oảng khiêu khích thách đố, kể cả gọi pháo bắn vào các trận địa của quân ta trên các điểm cao gần đó.

Khi tôi và anh Hiền (quê Hải Phòng) đang làm nhiệm vụ ngoài công sự, được gọi về gặp Ban chỉ huy, tại đây Trung úy Lê Ngọc Viễn (quê Vĩnh Linh), Đại đội trưởng đại đội 9 (D6, E95, F325) nói, đơn vị được lệnh tiêu diệt điểm cao 101. Đồng chí Mùi được giao nhiệm vụ đánh quả bộc phá thứ 2 sau khi quả thứ nhất của đồng chí Hiền nổ phá hàng rào thứ nhất. Tiếp đó, chúng tôi cùng các chỉ huy đi thực địa và thống nhất điểm đặt các quả bộc phá đánh phá cửa mở tiến công. Trong thời gian chờ lệnh cấp trên quyết định thời gian trận đánh, Tổ 3 người chúng tôi (Mùi, Lực, Tịnh) đến lượt luân phiên đi tắm suối theo lịch sắp xếp của đơn vị.

Ba anh em luồn rừng xuống dốc khoảng 600 đến 800 mét thì đến suối. Tôi trèo lên tảng đá canh gác để 2 đồng đội xuống tắm trước. Cùng lúc đó, tôi phát hiện dưới một gốc cây cách khoảng 12m có tên địch mặc áo quần rằn ri đang giương súng về anh Lực. Tôi liền điểm xạ 2 loạt AK khiến tên địch đổ gục và bắn thêm mấy loạt đuổi theo thằng bỏ chạy. Tôi nhảy xuống tảng đá định đuổi theo tên địch  thì bất ngờ một tên lính trên cây nhảy xuống và lao đến vớ khẩu súng AR15 của tên lính vừa chết giương nòng về phía tôi- còn tôi ở tư thế quỳ bắn nhưng cả hai chúng tôi đều không bóp cò. Nghe tiếng súng nổ, anh Lực dưới suối chạy lên hỏi: "Địch à, nó đâu?". Anh Tịnh phía sau chạy đến nói: "Tao thấy nó đeo súng ngắn, không khéo là tên thiếu úy Ty đấy". Giữ bí mật chuyện này, 3 anh em chúng tôi thống nhất không được kể cho ai biết, nếu không sẽ bị kỷ luật chiến trường... Từ sau hôm đó, không còn nghe tiếng gọi loa thách đố hàng ngày của Ty nữa. Và trận đánh cũng không diễn ra như kế hoạch đã định...

Tháng 3-2015, tôi có chuyến đi về nơi cách đây 40 năm tham gia các trận đánh mở màn vào Buôn Ma Thuột  và trận Cheo Reo - đường 7 trong chiến dịch Tây Nguyên. Hôm đó đang ngồi nhâm nhi cà-phê trong quán nhỏ bên đường, tôi thấy bàn kế bên có một người đàn ông khoảng hơn 70 tuổi sôi nổi kể: "Cách đây 42 năm, lúc đó tao chỉ huy chốt giữ điểm cao 101 dưới chân Động Ông Do. Một buổi sáng nóng bức, tao gọi 2 thằng lính xuống suối tắm và tìm hái ít quả khế về nhậu. Tao bảo 2 thằng lính đứng dưới cảnh giác, còn tao leo lên cây khế hái quả, bỗng nghe tiếng động và thấy một tên Việt Cộng đang tắm dưới suối, tao bảo lính bắn thằng dưới suối. Nó đang loay hoay giương súng thì bị mấy loạt AK hạ gục. Thằng lính đi cùng tháo chạy thoát mạng. Tao trên cây  nhảy xuống thì thấy một thằng Việt Cộng đang quỳ giương nòng súng vào tao. Tao vớ được súng của thằng lính chết và cũng giương nòng về phía hắn nhưng cả hai đều không bóp cò. Thằng Việt Cộng nói: "biến mẹ mày đi". Thế là tao quay gót bỏ chạy luôn". Cả bàn nhao nhao: "Thế trong bao năm ni ông có nhớ đến ông Việt Cộng đó không". "Có chớ, tao coi đó là người đã sinh ra tao lần thứ 2. Nói thật, nhìn thằng cha đó non choẹt à, khoảng tuổi 16, 17 thôi".

Tôi mạnh dạn sang bắt chuyện: "Xin lỗi, anh là Ty ở điểm cao 101 chân Động Ông Do năm 1973. Tôi chính là người mà anh Ty đang kể cách đây 42 năm". Ông Ty trố mắt nhìn sững tôi rồi chợt reo lên: "Đúng rồi, mặt ngăm đen và mắt sáng, đúng là ông ni rồi". Mọi người ồ lên và cùng bắt tay tôi. Ông Ty nói: "Không biết trời xe đất đẩy thế mô mà khiến tui và ông gặp được nhau như ri". Tôi  hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống gia đình, anh Ty tâm sự: "Năm 1972 thất thủ ở Quảng Trị, tui đưa vợ con vào Huế cư ngụ. Sau giải phóng tui đi cải tạo xong về đưa vợ con vào Buôn Ma Thuột. Cuộc sống tạm ổn, con cái có công ăn việc làm cả rồi"... Thế đấy, chiến tranh đi qua nhưng có những cuộc gặp gỡ thật tình cờ mà thú vị giữa những người từng ở hai chiến tuyến như tôi và người lính ngụy ngày ấy, để 42 năm sau tôi mới có chuyện kể với các bạn.

Nguyễn Nhân Mùi