47 năm ca khúc "Sông Hàn vang tiếng hát"

Trong thời khắc lịch sử giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, ngày 29 tháng 3 năm 1975 người dân Đà Nẵng không thể nào quên những âm thanh trầm bổng của một khúc khải hoàn ca, niềm tự hào lâng lâng khó tả trong lòng mỗi người con Đà Nẵng. Ca khúc "Sông Hàn vang tiếng hát" (thơ Dương Hương Ly, nhạc Huy Du) ngọt ngào với giọng ca của ca sĩ NSUT Kiều Hưng (Đài tiếng nói Việt Nam) và ca sĩ Du Lam, Băng Thanh của Quảng Nam- Đà Nẵng một thời vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay.
Sông Hàn như dải lụa uốn lượn chảy dọc theo phố phường hai bờ đông- tây Đà Nẵng. Hằng ngày, những đoàn thuyền xuôi ngược chở hàng và chở khách thập phương. Cũng đò dọc, đò ngang, cũng bến phà, cũng ngư dân đêm ngày tung lưới, cũng bình dị nên thơ như những dòng sông khác.., mà sao Sông Hàn của Đà Nẵng được nhiều loại hình nghệ thuật ca ngợi đến vậy! Đặc biệt, mảng ca khúc lan tỏa mạnh mẽ với "Sông Hàn mười tám tuổi" (Nhạc Minh Khang, thơ Bùi Công Minh), "Sông Hàn tình yêu của tôi" (An Thuyên), "Dòng sông tha thứ" (Trần Tiến), "Xôn xao sông Hàn" (Nguyễn Cường), "Thành phố bên sông Hàn" (Thế Bảo), "Tình ca Hàn giang" (Tân Huyền), "Sông Hàn yêu thương" (Vũ Đức Sao Biển), "Hát lên hỡi sông Hàn yêu dấu" (Thế Song), "Dịu dàng bóng dáng sông Hàn" (Hoàng Bích), "Tôi khát khao kéo sông Hàn dài mãi" (Đinh Trung Cẩn), "Sông Hàn trong tôi" (Thái Nghĩa), "Bên sông Hàn (Nguyễn Duy Khoái), "Sóng nước sông Hàn" (Hoàng Dũng), "Mênh mông sông Hàn" (Trần Ái Nghĩa), "Huyền diệu sông Hàn" (Nhạc Nguyễn Đình Thậm, thơ Đỗ Quý Doãn), "Rực rỡ sông Hàn" (Phạm Quang Trung), "Sông Hàn bến đợi" (Mai Danh), "Nối trọn niềm vui" (Trịnh Tuấn Khanh) …
Nhạc sĩ Huy Du sinh ngày 1 tháng 12 năm 1926 ở vùng Quan họ cạnh dòng sông Đuống, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Cuộc đời của nhạc sĩ Huy Du từ khi trưởng thành đã gắn chặt với cách mạng và đời sống Quân đội. Ông viết rất nhiều tác phẩm âm nhạc đủ các thể loại, đặc biệt là ca khúc với nhiều bài ca đi cùng năm tháng, trong đó có ca khúc "Sông Hàn vang tiếng hát", phổ thơ của nhà thơ Dương Hương Ly . Từ năm 1979, Nhạc sĩ Huy Du rời Quân đội để đảm nhận trách nhiệm Bí thư Đảng Đoàn Hội nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1983 ông được bầu làm Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, ông còn là đại biểu Quốc hội khóa VII (1981). Ông qua đời vào ngày 17-12-2007.
Trở lại với ca khúc "Sông Hàn vang tiếng hát", ngày Huy Du đến Đà Nẵng, sân bay còn tan hoang, chiếc máy bay cháy dở còn âm ỉ khói. Khu gia binh đồ đạc vứt ngổn ngang. Trong khi bộ đội tiếp tục tiến về Sài Gòn, Huy Du ở lại Đà Nẵng vài ngày cùng các nhà văn, nhà thơ khu Năm như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Bùi Minh Quốc (tức Dương Hương Ly)... Hình ảnh Đà Nẵng giải phóng với bán đảo Sơn Trà trời mây bát ngát, bến Tiên Sa lộng gió cùng các em nữ sinh thướt tha tà áo trắng hát vang đón mừng ngày giải phóng đem đến cho Huy Du xúc cảm âm nhạc dạt dào. Chính lúc ấy, Huy Du bắt gặp bài thơ Đà Nẵng ơi mùa xuân của Bùi Minh Quốc với bút danh Dương Hương Ly. Đọc bài thơ, Huy Du kể lại rằng có cảm giác như mình đang đi trên máy bay bồng bềnh giữa mây xốp, bỗng thấy nắng bừng xung quanh. Máy bay dần hạ cánh, bay vòng quanh. Thấy bán đảo như hình con rùa nhô ra giữa biển xanh thẳm và bãi cát mịn trắng như làn da thiếu nữ thanh tân. Phía trong là những khu phố ngang dọc như bàn cờ. Đà Nẵng- Thành Thái Phiên- Cửa biển Tourrane- mảnh đất đi đầu diệt Mỹ cùng xứ Quảng đã dần hiện ra, Huy Du có cảm giác đã chạm đến phía sau từng con chữ trong thơ Bùi Minh Quốc. Và ngay trong đêm Đà Nẵng ngày đầu giải phóng, Huy Du đã hát lên giai điệu về Đà Nẵng của mình phỏng theo bài thơ này.
Ca khúc được viết ở giọng la thứ (Am) nhịp bốn bốn (4/4), thể hai đoạn đơn có nhắc lại. "Ôi biển xanh biển xanh. Ôi trời mây bát ngát, Đây bến Tiên Sa ta cúi hôn bờ cát... Lời ca vút lên mênh mang tốc độ Andantre (vừa phải) với tâm trạng lâng lâng của người chiến thắng. Ông sử dụng nốt (rê cao quãng tám 1) nốt này có quan hệ "xa" với giọng chủ Am, và những dấu hoá bất thường nhằm tô điểm sắc thái dàn trải mênh mang, sao xuyến lòng người. Kết đoạn 1 ở nốt bậc 3 giọng la thứ. Nốt (mi) bậc 3 này là nốt chưa ổn định, có xu hướng chờ đợi về những nốt ổn định hơn. Đây cũng là một sở trường hay gặp ở nhạc sĩ Huy Du. (ô nhịp số 2, 7).

Ôi trời mây bát ngát...
Sang đoạn 2 tiết điệu được chuyển sang nhịp hai bốn (2/4) với nhịp độ Allgretto (hơi nhanh), nhịp hành khúc. Đi ta đi giữa đất trời giải phóng/Tà áo trắng tung bay như mùa xuân tỏa nắng/Ánh mắt em thơ như ánh sao vàng bay/Tiếng hát câu ca phơi phới trong lòng ta...
Các dấu hóa bất thường (ô nhịp số 2,4) lại được tác giả sử dụng tạo các quãng 2 thứ, ba thứ (q2t, q3t), nhấn nhá niềm tự hào của người chiến thắng thêm chất men say tràn ngập niềm vui. Giai điệu nhịp đi được lặp lại là điểm nhấn cho khung cảnh Đà Nẵng rợp bóng cờ hoa ngày giải phóng.
Câu kết tác giả quay lại nhịp bốn bốn, loại nhịp có 2 phách (mạnh và mạnh vừa), nhẹ nhàng uyển chuyển và sang trọng. "Đà Nẵng ơi, Đà Nẵng ơi, yêu làm sao cuộc sống/ Anh dẫn em đi giữa những ngày tươi nắng, hôn chiếc hôn nồng lên mảnh đất yêu thương/Nghe, nghe sông Hàn vang khúc hát quê hương.
45 năm rồi mà vẫn như tưởng hôm qua, "Đà Nẵng ơi! Đà Nẵng, yêu làm sao cuộc sống" đâu đó vẫn vang lên trong lòng người dân thành phố Đà Nẵng, thành phố tình người. Cảm ơn nhạc sĩ Huy Du, nhà thơ Dương Hương Ly đã để lại cho Đà Nẵng, để cho đời một bản hùng ca đặc sắc .
Nhạc sĩ TRỊNH TUẤN KHANH