55 năm vượt Sông Tranh giải phóng Lãnh-Ngọc
(Cadn.com.vn) - 55 năm trôi qua, người còn người mất. Những kỷ niệm, ký ức của một thời đấu tranh oanh liệt, tự hào của quân và dân trên vùng đất Lãnh - Ngọc là cầu nối gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai để cán bộ chiến sỹ và nhân dân 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, H. Tiên Phước (Quảng Nam) ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển đi lên.
Ông Phạm Hồng Thái và bà Trịnh Thị Ngọc Lan vui mừng gặp lại |
55 năm từ ngày tham gia chiến dịch vượt sông Tranh giải phóng Lãnh - Ngọc, ông Phạm Hồng Thái, Tiểu đội trưởng Thông tin của Đại đội H21 (Tỉnh đội Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ) mới có dịp gặp gỡ đồng đội, đồng bào tham gia chiến dịch vượt sông Tranh ngay trên mảnh đất Tiên Lãnh, H. Tiên Phước. Niềm vui và xúc động dâng trào khi ông được gặp lại bà Trịnh Thị Ngọc Lan (tên gọi thân quen là cô Ba Sừng, ở xã Tiên Lãnh), cô thiếu nữ 55 năm trước đã tổ chức đội thuyền 5 chiếc cập bờ Tây sông Tranh, giữa đêm tối vượt dòng nước xiết để đưa bộ đội qua sông tấn công đồn địch, giải phóng hoàn toàn Lãnh - Ngọc. Bà Lan xúc động hồi tưởng: "Hồi đó nhận nhiệm vụ thì tôi âm thầm vận động các cơ sở cách mạng, gia đình có người đi tập kết để bí mật chuẩn bị 5 chiếc thuyền chở bộ đội sang sông. Trời tối, nước sông chảy xiết nên bộ đội néo thêm dây bên kia bờ dìu ghe qua. Công việc khẩn trương nhưng tuyệt đối bí mật. Sau 55 năm đưa các anh vượt sông Tranh, hôm nay tôi mới có dịp gặp lại, thật bất ngờ và xúc động".
Ông Thái là người trực tiếp tham gia nên những diễn biến của chiến dịch vượt sông Tranh từ ngày 27 đến 29-10-1961 tái hiện như một cuốn phim tài liệu. Ngày 27-10-1961, Đại đội H21 nhận lệnh xuất phát từ căn cứ Nước Oa (Bắc Trà My) hành quân về vùng Nà Ráy phía Tây sông Tranh để chuẩn bị vượt sông tấn công địch ở vùng Lãnh - Ngọc. Do mưa to, nước sông chảy xiết nên phải ém quân chờ thuyền của cơ sở đưa sang sông. Tối 29-10, sau khi vượt sông Tranh, bộ đội tỉnh phối hợp với các lực lượng địa phương đồng loạt tấn công các đồn địch. Bị tấn công bất ngờ, địch hốt hoảng rút chạy về hội đồng xã cố thủ. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lực lượng tinh gọn và hỏa lực mạnh, các đơn vị bộ đội tấn công tiêu diệt địch tại hội đồng xã Tiên Lãnh, buộc chúng rút chạy về xã Tiên Ngọc. Đại đội H21 tiếp tục phối hợp với Đại đội H30 tạo gọng kìm tấn công địch đồn trú ở Tiên Ngọc. Trong vòng một đêm, vùng Lãnh - Ngọc của Tiên Phước được giải phóng. "Vùng Lãnh - Ngọc trở thành căn cứ và là tuyến hành lang quan trọng của cách mạng nối từ Phước Sơn qua Tiên Phước, lên Trà My trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ căn cứ Lãnh - Ngọc, năm 1962, bộ đội tỉnh phối hợp với bộ đội huyện và các đội công tác tiếp tục mở chiến dịch "Vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà", xây dựng căn cứ cho Tỉnh ủy Quảng Nam làm nơi đặt bản doanh lãnh đạo phong trào cách mạng đến thắng lợi cuối cùng" - ông Thái nói.
Chiến thắng Lãnh Ngọc đã ghi vào lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Phước và Đảng bộ tỉnh Quảng Nam một mốc son chói lọi. Sau ngày quê hương giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây, vùng quê Lãnh - Ngọc đã có nhiều đổi thay, diện mạo cuộc sống mới với những thay da đổi thịt ngày càng rõ nét. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND H. Tiên Phước, cho biết: "Chiến thắng Lãnh - Ngọc trong chiến dịch vượt sông Tranh 55 năm trước luôn được quân và dân Tiên Phước mãi mãi tự hào. Đó là động lực tạo sự đoàn kết toàn dân, chung tay xây dựng và phát triển quê hương, đặc biệt là xây dựng NTM hiện nay". Ông Lê Minh Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Lãnh cho biết: "Các chính sách của Nhà nước và địa phương đã tạo điều kiện cho vùng quê Tiên Lãnh, chiếc nôi cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, ngày càng phát triển. Người dân phấn chấn, chung tay góp sức tận dụng điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi, tăng thu nhập. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát động xây dựng NTM trong năm 2016".
Thạch Hà