A Nông đất anh hùng

Thứ sáu, 27/02/2015 10:52

(Cadn.com.vn) - A Nông - xã vùng cao biên giới H. Tây Giang - là một trong những xã miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đồng bào Cơ Tu nơi đây một lòng theo Đảng, theo Ava Hồ (Bác Hồ), trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở miền núi xứ Quảng.

Làng tái định cư Anoonh, xã A Nông, H. Tây Giang.

VÙNG ĐẤT ANH HÙNG

Lịch sử Đảng bộ xã A Nông có rất nhiều sử liệu mà bất cứ ai cũng khâm phục về tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh, một lòng theo Đảng, theo Ava Hồ, quyết tâm đánh thắng giặc của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào Cơ Tu nơi đây. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, du kích A Nông đã bắn rơi 6 máy bay và bắn bị thương 11 máy bay khác, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ - ngụy, thám báo, biệt kích, góp phần cùng bộ đội bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch Đông Trường Sơn.

Một thời gian lao mà anh dũng còn lưu dấu trong lòng đất A Nông giữa đại ngàn Trường Sơn bởi hệ thống địa đạo dài hàng ngàn mét. Địa đạo đào lần đầu từ năm 1965, với nhiều hầm trú ẩn tại khu vực thôn A Sò, là nơi cán bộ, du kích, bà con Cơ Tu xã A Nông trú ẩn tránh những cuộc càn quét của Mỹ- ngụy. Sau khi bộ đội và du kích tiêu diệt được đồn A Tép và căn cứ sân bay A Sò vào năm 1967, đường Trường Sơn Đông được mở, hệ thống địa đạo này tiếp tục được mở rộng, đào sâu để làm nơi trú chân, hội họp, tích trữ lương thực, bệnh viện quân đội, chuyển vũ khí, trang thiết bị và đưa bộ đội mở các chiến dịch đánh về đồng bằng. Đến 1969, tại A Nông đã hình thành hệ thống 5 địa đạo với tổng chiều dài hàng ngàn mét dọc ngang trong lòng núi và rừng rậm, gồm: Tâm Abóc, Chrun, Abuôl, Bhnơm và Lbơơi. Tháng 7-2009, cụm địa đạo A Nông được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Ông Alăng Đàn, cựu chiến binh xã A Nông, người trực tiếp tham gia đào địa đạo, kể: “Binh trạm 143 Bộ đội Trường Sơn cùng cán bộ du kích và nhân dân tham gia đào địa đạo. Nhờ hệ thống địa đạo này mà bộ đội, cán bộ và đồng bào có nơi trú ẩn an toàn trước bom đạn hủy diệt, tàn phá của kẻ thù”.

Từ năm 1962-1975, A Nông đã thành lập được 2 trung đội du kích, làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng và thường xuyên nhận nhiệm vụ giúp bộ đội tiếp nhận vận chuyển lương thực, vũ khí, trang thiết bị từ ngoài Bắc vào, đồng thời gùi lương thực, vũ khí tiếp tế các lực lượng chủ lực mở các trận đánh lớn về khu vực đồng bằng. Lực lượng du kích A Nông là chỗ dựa vững chắc, phối hợp cùng bộ đội chủ lực trong công tác bảo vệ, phá kềm, triệt phá các đồn bốt của Mỹ - ngụy lập trên tuyến đường Trường Sơn từ H. A Lưới (TT- Huế) về vùng núi Quảng Nam.

Trong lòng địa đạo A Nông.

ĐIỂM SÁNG NÔNG THÔN MỚI

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện xã A Nông không ngừng nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Cùng với sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện và sự giúp đỡ của CBCS Đồn Biên phòng 645, đời sống của người Cơ Tu ở A Nông không ngừng có những chuyển biến tích cực. Từ năm 2008, A Nông là xã đầu tiên  trong 10 xã của Tây Giang triển khai thực hiện đề án của huyện “Xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân giai đoạn 2008 - 2013 và tầm nhìn đến năm 2018”. Đề án được đánh giá cao bởi tính khả thi, rất đúng đắn, cách làm rất sáng tạo. Đó là chuyện sắp xếp dân cư để dành ra quỹ đất cho sản xuất, nhất là sản xuất lúa nước để đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, góp phần giải quyết đói nghèo tại địa phương.

Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm đề án này, đã có hai khu tái định cư hoàn chỉnh việc san ủi mặt bằng để bố trí 91 hộ dân các thôn A Cấp, A Noonh đến ở. Xây dựng công trình nước sinh hoạt cho 10 hộ dân của thôn A Cấp, một công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới hai vụ cho 14 ha đất sản xuất. Đồng thời, huyện cũng đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp 3 công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới hai vụ cho 11 ha lúa tại thôn A Xoò, A Noonh, và Tri Dớt. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng ở A Nông cũng được đầu tư phát triển. Tuyến đường Aching- A Nông- Atép được mở rộng và nâng cấp; ô-tô đã đến được trung tâm các thôn trong xã.

Là một trong 50 xã điểm của tỉnh Quảng Nam trong xây dựng nông thôn mới, 4 năm qua, cùng với việc đồng lòng hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc và tự nguyện đóng góp hơn 13 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, người dân A Nông đã đóng góp hơn 5.000 ngày để xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Cả 4/4 thôn trong xã đều có nhà Gươl. Các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu được khôi phục và bảo tồn. Con em trong xã ra lớp đạt 100%. Việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được triển khai đồng bộ giữa các chương trình y tế quốc gia và quân dân y kết hợp. Ông Alăng Bao - Bí thư Đảng ủy xã A Nông, cho biết: Từ năm 2011 đến nay, xã A Nông được đầu tư hơn 75 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 53% năm 2009 xuống còn 5,55% cuối năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt gần 16 triệu đồng. Riêng năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 17,3 triệu đồng. Xã A Nông trở thành xã miền núi đầu tiên của Quảng Nam hoàn thành 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, hai tiêu chí khó nhất là giảm nghèo và tăng thu nhập đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Ông Bling Mia - Chủ tịch UBND H. Tây Giang, khẳng định: “Bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của A Nông là phát huy được tính thống nhất và sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền một cách đồng bộ từ huyện xuống cơ sở. Vận dụng được các tiềm năng, huy động lồng ghép nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp mà đặc biệt là huy động sức dân, lấy dân là vai trò chủ thể, dân là đối tượng thụ hưởng chương trình, cho nên dân phải tham gia xây dựng nông thôn mới”.

Ghi chép: Thạch Hà