Afghanistan - Hoài nghi từ thỏa thuận chính trị lịch sử

Thứ sáu, 26/09/2014 09:43

(Cadn.com.vn) - Mối nguy từ thỏa thuận chính trị lịch sử ở Afghanistan là chính phủ đoàn kết mới của Afghanistan có thể làm suy yếu thể chế dân chủ của nước này.

Lần đầu tiên trong lịch sử, đất nước bị chiến tranh tàn phá sẽ chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai chính phủ mà không có đổ máu. Với việc ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa hai ứng viên Tổng thống là Ashraf Ghani và Abdullah Abdullah, Afghanistan tránh được đổ máu và mở ra một chương mới trong lịch sử.

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực do Mỹ làm trung gian là thử nghiệm mới về cách lãnh đạo ở Afghanistan, cho phép ông Ashraf Ghani trở thành tổng thống mới trong khi ứng cử viên bị đánh bại, Abdullah Abdullah, sẽ được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng. Thỏa thuận là “cứu tinh” đối với người dân Afghanistan, vốn đã quá thất vọng với bất ổn chính trị kéo dài của đất nước, nhưng cũng có nguy cơ làm lung lay nền dân chủ nước này.

Thỏa thuận giữa hai ứng cử viên Ashraf Ghani và Abdullah Abdullah có thể ảnh hưởng xấu đến nền dân chủ Afghanistan. Ảnh: Diplomat

“Tại sao phải tổ chức bầu cử?”

“Nếu họ muốn thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, tại sao phải mất đến 6 tháng? Tại sao mọi người phải đi bỏ phiếu? Ý nghĩa bầu cử trong cả nước là gì?”, Agha Noor, một nhà quản lý kinh doanh ở Kabul thắc mắc. Thỏa thuận này sẽ khiến người ta đặt câu hỏi về dân chủ ở Afghanistan. Liệu mọi người sẽ tin tưởng vào tiến trình dân chủ sau 5 năm nữa khi nước này tổ chức bầu cử tổng thống tiếp theo?

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 4, người dân cảm thấy hạnh phúc và quyết tâm thay đổi số phận dân tộc thông qua các lá phiếu. Họ bất chấp những đe dọa của Taliban và đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, việc giải quyết một cách chậm chạp cuộc khủng hoảng sau bầu cử khiến họ cảm thấy sự nhiệt tình của mình là công cốc. Tuy nhiên, không phải tất cả người Afghanistan đều thất vọng. “Chính phủ mới sẽ được hình thành. Điều này dù sao cũng tốt hơn so với tình trạng bất ổn liên tục”, Amir Akbari, một nhà báo tại Kabul, cho biết.

Nguy cơ từ Taliban

Thỏa thuận chính trị mới khiến Taliban trở thành phe đối lập duy nhất ở Afghanistan.

Taliban sẽ sử dụng thỏa thuận thống nhất giữa hai ứng cử viên tổng thống của Afghanistan để lật đổ chính phủ một lần nữa. Taliban có thể lập luận, chính phủ đoàn kết ở Afghanistan được hình thành thông qua đàm phán của Mỹ, và do đó không đại diện cho lợi ích của người dân. Sự thành công của cuộc bầu cử làm xói mòn uy tín của Taliban nhưng bất kỳ sự thất bại của chính phủ mới sẽ khiến nhóm khủng bố này có thêm sức mạnh.

Chính phủ mới của Afghanistan có vẻ như không hoàn toàn khả thi. Làm thế nào các nhân vật đối thủ chia sẻ quyền lực và hòa giải tham vọng để qua đó quyết định tương lai đất nước. Hai ông Ghani và Abdullah dường như lạnh lùng với nhau trong lễ ký kết thỏa thuận, thể hiện sự “bằng mặt không bằng lòng” trong liên minh. Hiện không rõ cách thức hai ứng cử viên sẽ chia sẻ quyền lực. Điều này chắc chắn sẽ rất rắc rối. Nếu chính phủ thống nhất không thành công, nó sẽ phá hoại nghiêm trọng nền dân chủ Afghanistan, vốn bị xói mòn.

Vậy tại sao Mỹ lại thúc đẩy một chính phủ thống nhất để tiến hành quá trình chuyển đổi dân chủ ở Afghanistan? Có lẽ Washington tin rằng, nhanh chóng thành lập chính phủ ổn định sẽ ngăn chặn Taliban lợi dụng tình hình. Tuy nhiên, sự sắp xếp chính trị mới ở Kabul đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp. Mỹ đáng ra phải sử dụng ảnh hưởng của mình để mang lại sự minh bạch hơn trong quá trình kiểm phiếu. 

Afghanistan rõ ràng đang đứng trên bờ vực của cả hy vọng và thảm họa.

An Bình

(Theo Diplomat)