Ai châm ngòi cho cuộc chiến 5 ngày Nga - Georgia? (2)

Thứ năm, 15/10/2009 00:00

>> Ai châm ngòi cho cuộc chiến 5 ngày Nga - Georgia?

Bài 2: Đi tìm sự thật

(Cadn.com.vn) - Sau một thời gian dài tiến hành điều tra, khảo sát thực tế và tiếp cận các tư liệu có liên quan, ngày 30 - 9, Phái bộ quốc tế độc lập tìm kiếm sự thật của cuộc xung đột Georgia (IIFFMCG), được EU bảo trợ, đã đưa ra bản báo cáo đang được dư luận và các bên có liên quan mong đợi về cuộc xung đột tháng 8-2008 giữa Nga và  Georgia.

Trong nhiều tháng sau cuộc xung đột, nhìn chung người ta vẫn cho rằng  Georgia khơi mào hành động thù địch vào đêm 7 và 8-8-2008 bằng việc bắn pháo vào Tskhinvali, thủ phủ của Nam Ossetia. Trong vòng 24 giờ, Nga đã đổ lực lượng của mình vào Nam  Ossetia, đẩy lùi quân đội Georgia và sau đó nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ Georgia. Cuộc xung đột cơ bản đã chấm dứt theo thỏa thuận ngừng bắn ngày 12-8 do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy làm trung gian hòa giải.

Những điểm quan tâm chính của bản báo cáo IIFFMCG là tập trung vào các vấn đề tranh cãi kéo dài bao gồm:  việc Georgia khẳng định là họ đáp trả lại việc Nga xâm lược Nam Ossetia; Nga thì khẳng định rằng  Georgia đã thực hiện một hành động diệt chủng đối với người dân ở Nam  Ossetia ,còn  Georgia cho rằng người Georgia bị xua đuổi ở Nam Ossetia; và Nga khẳng định  Georgia hành động với sự ủng hộ của các nước phương Tây... Có thể việc phân xử các vấn đề trên sẽ làm thay đổi quan điểm đã có về cuộc xung đột: rằng Georgia đã hành động một cách vội vàng và vô lý khi khơi mào cuộc xung đột, Nga thì đã đáp trả quá mức và công nhận Nam  Ossetia và  Abkhazia độc lập một cách vô lý.

Thủ lĩnh đảng đối lập “Phong trào Dân chủ - Georgia Thống nhất”, bà Nino Burdjanadze đã làm sáng tỏ thêm vấn đề khi  tuyên bố rằng, ngay từ hôm 7-8-2008 bà đã biết rõ ai là người khơi mào cuộc chiến tại Nam Ossetia. “Tổng thống Mikhail Saakashivili là người có lỗi vì ông ta đã biết trước những gì diễn ra trong quan hệ giữa Nga và Georgia trong thời gian gần đây.

Mikhail Saakashivili  cũng có lỗi vì chính nhà lãnh đạo Vladimir Putin đã trực tiếp cảnh báo với ông ta rằng: "Nếu như ngài nổ súng trước, thì chúng tôi sẽ sử dụng lực lượng quân đội chủ lực”. Và mặc dù vậy, Mikhail Saakashivili vẫn tin vào những lời nói của các đồng minh rằng, Nga chỉ có những chiếc xe tăng han gỉ và chỉ sau một đêm ông ta sẽ giành lại được vùng đất Nam Ossetia”, bà Burdjanadze khẳng định.

Cũng theo lời bà Burdjanadze: “Chính quyền  Georgia phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến này”, bà cũng nhấn mạnh rằng, chính bà là người đã chứng kiến cuộc điện đàm giữa ông Putin và Tổng thống Saakashivili vào tháng 4-2008. Thủ lĩnh đảng đối lập “Phong trào Dân chủ -  Georgia Thống nhất” cũng tin rằng, trong thời khắc Tổng thống Saakashivili ra lệnh tấn công Tskhinvali thì tại Nam Ossetia không hề có binh lính của Nga ngoài lực lượng gìn giữ hòa bình đang làm nhiệm vụ tại khu vực này.  “Chính cuộc chiến này đã hủy diệt Georgia” và rằng chính quyền Georgia đã gây căng thẳng trước buộc Nga phải sử dụng quân đội chủ lực và công nhận độc lập cho hai vùng đất ly khai Abkhazia và Nam Ossetia, bà khẳng định.

Theo lời bà Burdjanadze, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chính quyền  Georgia vẫn tiếp tục âm mưu thuyết phục nhân dân rằng nước mình , chính Nga đã khơi mào cho cuộc chiến tại Nam Ossetia. Hành động ngụy biện này của Tổng thống Saakashvili đã bị một vố đau khi bản báo cáo của IIFFMCG khẳng dịnh không phải như nhà lãnh đạo Georgia rao giảng.

 Người dân Sukhumi ăn mừng khi Abkhazia được công nhận độc lập, tháng 8- 2008.
Ảnh: AFP

Chia phần trách nhiệm 

Về điểm tranh cãi chính, khẳng định của  Georgia rằng họ chỉ đáp trả lại hành động tấn công của Nga, bản báo cáo IIFFMCG nêu rõ: không có hành động tấn công  của quân đội Nga diễn ra trước khi quân đội Georgia bắt đầu chiến dịch của mình. Georgia cũng bị chỉ trích về việc đã sử dụng pháo hạng nặng và các dàn phóng đa tên lửa một cách vô lý và không tương xứng đối với Tskhinvali gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản .

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng  khẳng định rằng Nga đã cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các lực lượng Nam Ossetia trước khi cuộc xung đột nổ ra và có nhiều người tình nguyện và binh lính từ Nga vào Nam Ossetia ngay trước ngày 7 và 8-8-2008. Bản báo cáo cũng lưu ý rằng chính quyền Nam Ossetia đã sơ tán dân thường sang Nga trước khi cuộc xung đột nổ ra. 

IIFFMCG tuyên bố rằng  Georgia không phạm tội diệt chủng, mà theo như bản báo cáo của IIFFMCG giải thích tuyên bố ban đầu rằng có 2.000 dân thường chết cuối cùng đã giảm xuống còn 162 người, nhưng lý do chính dẫn đến việc không buộc tội diệt chủng là việc khó xác định được động cơ của những hành động của Georgia. Song, bản báo cáo của IIFFMCG  khẳng định rằng có hành động xua đuổi người dân tộc Georgia đã diễn ra ở Nam Ossetia trước và sau cuộc xung đột. Bản báo cáo của IIFFMCG quy trách nhiệm cho lực lượng không chính quy của Nam Ossetia mà quân đội Nga không thể hoặc không muốn kiềm chế có liên quan tới các hoạt  động đó. 

Vai trò của Mỹ và phương Tây

Về khía cạnh các nước phương Tây hỗ trợ cho Georgia như: viện trợ của quân đội Mỹ cho  Georgia về thiết bị, huấn luyện và tài chính đã có từ lâu nhưng IIFFMCG cũng lưu ý đến việc  Ukraine, Cộng hòa Czech và  Israel bán vũ khí cho  Georgia. Đây là một trong những nhân tố  để cho chính quyền của Tổng thống Mikhail Saakashivili ảo tưởng rằng mình có đủ sức mạnh và tiềm lực quốc phòng để có thể phát động cuộc chiến tranh chớp nhoáng.

Quan trọng là bản báo cáo IIFFMCG tuyên bố rằng đã có hơn 100 cố vấn quân sự Mỹ ở  Georgia vào ngày 7 và 8-8-2008 trước và sau khi xảy ra cuộc chiến, thậm chí còn có các chuyên gia và cố vấn Mỹ khác đang hoạt động ở các cơ quan quyền lực khác nhau và chính quyền Georgia. Tuy nhiên, bản báo cáo lại không đưa ra số liệu so sánh về số lượng chuyên gia Mỹ ở Georgia trong những năm gần đây, một động thái để cho dư luận lầm tưởng rằng các hoạt động của các cố vấn quân sự và cung cấp vũ khí, khí tài  là thường xuyên chứ không phải tăng dồn dập trước khi xảy ra cuộc chiến tranh.

Nhưng nhìn tổng thể bản báo cáo IIFFMCG có thể thấy đa số các điểm này đều có tính chất ủng hộ cho phía Nga trong cuộc xung đột này. Tuy nhiên, IIFFMCG cũng chỉ trích các hành động của Nga trước, trong và sau cuộc xung đột. Nga đã sai lầm khi can thiệp vào các công việc nội bộ của Georgia qua việc cấp hộ chiếu cho những người dân ở Nam Ossetia và Abkhazia. Vai trò kép trong cuộc xung đột của Nga đã làm giảm đi khả năng đạt được một sự thỏa hiệp mà cả hai bên cùng chấp nhận.

Mặc dù Nga hành động một cách hợp pháp khi đẩy lùi hành động gây hấn phi lý của  Georgia ở Nam Ossetia, nhưng tình thế đã đảo ngược khi Nga đi vượt ra khỏi Nam  Ossetia, đặc biệt là khi Nga tiếp tục các hành động quân sự sau thỏa thuận ngừng bắn 12-8. Hơn nữa, quyết định công nhận Nam Ossetia và  Abkhazia của Nga là một vấn đề  đang gây ra tranh cãi quốc tế phức tạp.

Lê Minh Châu