"Ai đó mất tiền đang lo lắm..."
Chúng tôi đến xã Vĩnh Ô (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), câu chuyện về vợ chồng anh Nguyễn Nhữ Lưỡng (1975) nhận lại được số tiền lớn đánh rơi giữa trùng điệp núi rừng vẫn còn nóng hổi. Vợ chồng anh Lưỡng quê dưới xã Vĩnh Thủy nhưng mới lên vùng cao Vĩnh Ô tạm trú, mưu sinh. Từ việc buôn bán nhỏ, hai vợ chồng dành dụm gần 2 tháng mới có được số tiền 12 triệu đồng đi mua rừng trồng. Chiều 19-12, anh Lưỡng đi đến tận bản 8, xã Vĩnh Ô để tìm người bán rừng trồng song không may rơi ví tiền, bên trong có toàn bộ số tiền dành dụm và giấy tờ cá nhân. Lội ngược lội lui tìm mãi đến tối mịt vẫn không thấy, anh Lưỡng thất vọng quay về thì bất ngờ nhận lại được số tiền đã mất do người phụ nữ trao trả.
Chị Nhất trao lại tiền cho anh Lưỡng. |
Sáng sớm 20-12, góa phụ trẻ Hồ Thị Nhất (1994, dân tộc Vân Kiều ở bản Xà Ninh, xã Vĩnh Ô) bắt đầu công việc nhọc nhằn, gùi hàng thuê từ bản 5 vào đến bản 8 của xã, giáp tận Cù Bai, H.Hướng Lập (H.Hướng Hóa). Đây là quãng đường cũng dài hơn 7km, xe cộ chở hàng hóa chưa thể vào được. Thân hình bé nhỏ nhưng mỗi lần gùi, chị Nhất cũng cố "cõng" được 30 đến 40kg, vượt qua nhiều khúc sông Bến Hải, leo dốc đồi để nhận được số tiền công bình quân 150 ngàn đồng/chuyến. Công việc không đều đặn, nhưng đó là nguồn thu nhập duy nhất của chị Nhất lúc này. Gần trưa cùng ngày, chị Nhất mệt nhọc trở ra sau khi hoàn thành chuyến hàng nặng. Mới đi được một quãng, chị phát hiện gần bụi cây có chiếc ví đen. Cúi xuống nhặt lên, chị mở ra thấy ví căng tiền. Chưa bao giờ cầm trên tay số tiền lớn, người phụ nữ nghèo sợ run người. Trong ví có giấy tờ nhưng chị Nhất không đọc được nên không rõ của ai. Đưa mắt tìm người nhưng vắng vẻ, chị lại ngồi xuống để chờ ai có tìm kịp trao lại. Nhưng đợi mãi không thấy, chị cẩn thận gói chiếc ví vào gùi rồi cố hết sức bước nhanh.
Về tới Xà Ninh, ngang qua bản, nhà gần lối đi, thấy con nhỏ ốm đó nhưng chị không ghé lại. Cơn đói cồn cào không níu nổi bước chân chị. Không có điện thoại, xe máy nên chị Nhất tiếp tục cuốc bộ hướng ra trung tâm xã.
Thấy em gái lật đật, người anh trai là Hồ Văn Khóa từ rẫy về liền hỏi chuyện. Nhất kể ngay nhặt được ví tiền và muốn tìm công an để giao nộp, trả lại người đánh rơi, người anh trai cũng ngay lập tức điều khiển chiếc xe chở em ra xã. Trời đã trưa, cán bộ đã về. Nhưng nhận được tin, Trưởng CAX Hồ Văn Đàn ngay lập tức có mặt. Chị Nhất lúc này vẫn run. "Ai đó mất tiền đang lo lắm, cán bộ tìm họ trả lại giúp với", chị Nhất chỉ cất được vài tiếng. Kiểm tra bên trong ví, CAX phát hiện có 12 triệu đồng cùng giấy tờ cá nhân mang tên Nguyễn Nhữ Lưỡng.
Khẩn trương tiến hành xác minh, CAX đã tổ chức cho chị Nhất trao lại cho anh Lưỡng ngay sau đó. "Không phải là bất ngờ mà là không ngờ luôn. Rơi tiền giữa rừng hoang vắng mà nhận lại được thì thật là hạnh phúc. Tôi thật sự rất biết ơn chị Nhất", chị Lợi - vợ anh Lưỡng nói.
Nhiều người biết được hoàn cảnh của chị Nhất càng cảm phục bội phần. Mấy năm trước, chị Nhất lấy chồng ở xã Hướng Lập (H.Hướng Hóa), cùng là đồng bào Vân Kiều. Nhưng hạnh phúc lứa đôi ngắn ngủi, chỉ vài tháng sau ngày cưới, chồng chị phát hiện bị bệnh ung thư và không qua khỏi bạo bệnh, để lại chị cùng đứa con chưa kịp chào đời. Sau biến cố này, chị xin trở lại Xà Ninh để sống gần bố mẹ, anh em. Sinh con và đặt tên là Hồ Ly Xa, chị mang trong lòng nỗi nhớ chồng khôn nguôi. Thương em gái, bố mẹ và những người anh nghèo khó của chị Nhất dựng ngôi nhà sàn bé nhỏ để mẹ con tá túc. Mái nhà lợp bằng lá tro, bốn vách tạm bợ. Nhà không tivi, không vật dụng gì đáng giá. Xã Vĩnh Ô có 347 hộ thì đến 240 hộ nghèo và nhà chị Nhất là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt. Còn anh Doi - Phó trưởng CAX cho biết chị Nhất mù chữ. Cả quá trình nói chuyện, chị Nhất kiệm lời lại không rành tiếng Kinh nên chúng tôi chủ yếu qua phiên dịch của cán bộ xã. Lãnh đạo xã Vĩnh Ô cho hay, sẽ biểu dương và khen thưởng hành động đẹp của chị Nhất.
Bảo Hà