Ai làm đổ vỡ thỏa thuận Genève?
(Cadn.com.vn) - Các bên liên quan gồm Nga, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine đang đổ lỗi cho nhau làm đổ vỡ thỏa thuận Genève.
Thỏa thuận Genève là chìa khóa mở ra con đường đối thoại hòa bình cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại miền đông Ukraine. Đó cũng chính là giải pháp giúp giảm căng thẳng cuộc đối đầu Đông-Tây tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nhưng thật không may, nó đã bị “chết ngay từ trong trứng nước”.
Các bên liên quan đang cáo buộc lẫn nhau phá vỡ thỏa thuận này trong bối cảnh chính phủ tạm quyền Ukraine vẫn chưa ngừng chiến dịch quân sự và rút lực lượng thuộc các bộ quốc phòng và nội vụ ở miền đông về căn cứ. Đó là lý do giải thích vì sao lực lượng ly khai ủng hộ Nga vẫn kiên quyết không từ bỏ quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ mà họ chiếm giữ.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp gỡ Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov. Ảnh: Reuters |
Phe ly khai khẳng định, họ sẽ không hạ vũ khí cho đến khi “Right Sector” một nhóm dân tộc chủ nghĩa Ukraine ở phía tây làm như vậy trước. “Ai nên hạ vũ khí trước? Chúng ta hãy xem “Right Sector” đầu hàng. Hãy để họ thực hiện các bước đầu tiên và chúng tôi sẽ làm theo”, Yevgeny Gordik, một thành viên của lực lượng ly khai, nói với Reuters. “Chúng ta cần đối thoại. Đây không phải là đối thoại mà là độc thoại”, ông này nói thêm.
Điện Kremlin cáo buộc các thành viên “Right Sector” đe dọa người nói tiếng Nga và thực hiện vụ nổ súng vào sáng 20-2 khiến ít nhất 3 người thân Nga thiệt mạng. Tổng thống Putin từng tuyên bố, Moscow có quyền can thiệp vào Ukraine để bảo vệ người nói tiếng Nga nhưng hy vọng các bên đừng để ông phải thực hiện quyền này.
Nguy cơ nội chiến Ukraine lại bùng lên khiến các quan chức Mỹ và EU cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt mới nhằm vào Moscow. “Nếu không thực hiện các bước trong những ngày tới, họ (Nga) sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 22-4. Bà Jen Psaki còn cho biết, lệnh trừng phạt có thể nhằm vào Tổng thống Putin song nói rằng, bước đi này sẽ chưa được thực hiện ngay lập tức.
Đặc nhiệm Nga ở Ukraine? CNN ngày 22-4 đăng hàng loạt bức ảnh cho rằng, những người đàn ông mang súng mặc đồng phục màu xanh lá cây là các lực lượng của Nga đang hoạt động ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, CNN không thể xác nhận độc lập các hình ảnh, một số trong đó được công bố lần đầu tiên trên tờ New York Times. Tuần trước, các quan chức an ninh Ukraine nói với CNN rằng, họ bắt giữ một sĩ quan quân đội Nga trong khi một nữ quan chức Ukraine bị cáo buộc là nhân viên tình báo của Moscow. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ tất cả các cáo buộc. |
Mỹ và EU áp đặt lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản nhằm vào một số nhân vật “nằm trong vòng tròn của Tổng thống Vladimir Putin” do việc sáp nhập Crimea vào tháng trước. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này đối với Điện Kremlin như “muối đổ biển”. Cái khó của EU giờ đây là xây dựng đồng thuận nhằm tiến tới các biện pháp cứng rắn hơn chống lại Nga. Bởi lẽ, nhiều quốc gia EU vẫn đang dựa vào nguồn năng lượng của Moscow.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện vẫn đang ở Kiev trong chuyến thăm mang tính biểu tượng quan trọng. Nhà Trắng xác nhận, Tổng thống Obama đồng ý cho ông Biden đến Ukraine trong 2 ngày nhằm vỗ về Ukraine vốn đang hướng về Mỹ. Ngày 22-4, ông Biden gặp Tổng thống tạm quyền Olexander Turchynov và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, trong đó làm hài lòng đồng minh mới với việc công bố gói hỗ trợ kỹ thuật và kinh tế cho Ukraine.
Nhưng động thái này của Mỹ không thể giúp Kiev thoát khỏi bóng ma xung đột ở miền đông. Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 25-5 tới được xem là bước quan trọng để chèo lái Ukraine ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1991. Nhưng liệu cuộc bầu cử, vốn được ươm mầm từ một cuộc đảo chính bất hợp pháp, có thành công hay không?
Dường như người dân Ukraine không quan tâm đến cuộc bầu cử này. Họ chỉ chăm chú cầu nguyện cho hòa bình ở miền đông Ukraine.
Khả Anh