Tháo ngòi nổ Ukraine

Thứ sáu, 18/04/2014 12:21

(Cadn.com.vn) - Vẫn còn cơ hội thỏa hiệp cho vấn đề Ukraine khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, Ukraine, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) gặp nhau tại Genève, Thụy Sĩ vào ngày 17-4.

Hội nghị lần này đánh dấu bước mở đầu cho những nỗ lực ngoại giao để xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine đang trượt dốc nhanh chóng.

Theo RIA Novosti, trong bài phát biểu trực tuyến ngày 17-4 trước toàn dân Nga, Tổng thống Vladimir Putin đánh giá cuộc đối thoại 4 bên này là cực kỳ quan trọng. Bởi theo nhà lãnh đạo Nga, đối thoại là con đường duy nhất để khôi phục trật tự tại Ukraine dù chính quyền Kiev không nỗ lực tìm cách đi theo con đường này.

Bàn đàm phán 4 bên về vấn đề Ukraine diễn ra tại Genève hôm 17-4. Ảnh: Reuters

Không có quân Nga ở miền đông Ukraine

Cũng trong bài phát biểu hợp lòng dân này, ông Putin khẳng định không có quân Nga ở miền đông Ukraine. Ông cho rằng, các cáo buộc của phương Tây và Kiev là “vô lý”. “Thật vô lý. Không có đơn vị quân đội nào của Nga ở miền đông Ukraine, không có Lực lượng Đặc biệt, không có người hướng dẫn nào. Đó chỉ là người dân địa phương, và bằng chứng tốt nhất để chứng minh là hãy tháo bỏ mặt nạ đen của họ”, ông Putin nói.

Ông chủ Điện Kremlin đồng thời cho rằng, việc Kiev triển khai lực lượng vũ trang tới miền đông, trấn áp người biểu tình là gây thêm “tội ác nghiêm trọng”. “Thay vì hiểu những sai lầm của mình và tìm kiếm đối thoại, họ (chính quyền Kiev) bắt đầu đe dọa nhiều hơn, bằng cách điều xe tăng và máy bay chống dân thường. Đây là một tội phạm rất nghiêm trọng khác của chính quyền Kiev hiện nay”, Tổng thống Putin bày tỏ lo ngại. Trong bối cảnh quyền của người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine đang bị đe dọa như thế này, ông Putin tỏ rõ quyết tâm “bảo vệ” họ, song ông hy vọng sẽ không phải sử dụng tới “quyền” ra lệnh điều lực lượng quân đội Nga tới quốc gia láng giềng.

Nói về vấn đề Crimea, Tổng thống Putin lần đầu tiên thừa nhận có binh sĩ Nga ở bán đảo này trước và trong quá trình tiến hành trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga hồi tháng 3. Tuy nhiên, ông cho biết, Moscow có lý do phải làm như vậy. “Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo các điều kiện để cuộc trưng cầu diễn ra tự do...; bảo vệ người dân khỏi nguy cơ sử dụng vũ khí nhằm vào các căn cứ quân sự Ukraine”, ông nhấn mạnh đồng thời nói thêm, việc Moscow can dự vào bán đảo Crimea một phần là bị ảnh hưởng bởi sự mở rộng của NATO.

Nhưng Tổng thống Nga khẳng định, Moscow chưa bao giờ lên kế hoạch sáp nhập bán đảo ở vùng biển Đen này. “Chúng tôi không lên kế hoạch trước, ngay sau khi sự việc xảy ra... chúng tôi quyết định và triển khai mọi thứ một cách nhanh chóng và dứt khoát”, ông chủ Điện Kremlin thẳng thắn nói.

Đi tìm giải pháp ngoại giao

Khi Crimea trở về đất mẹ, hiệu ứng dây chuyền đòi sáp nhập Nga lan rộng ở miền đông Ukraine, nơi đa số người nói tiếng Nga sinh sống khi quyền lợi của họ không được bảo đảm. Không may là, thực tế cho thấy, Mỹ và các nước phương Tây đóng góp một phần không nhỏ trong việc đẩy Ukraine vào tình trạng khó khăn hiện nay. Phương Tây gieo hạt giống đối đầu khi kích động sự bất mãn và bất ổn.

Từ góc độ địa chính trị, sự cân bằng quyền lực trong khu vực đã bị gián đoạn sau khi các nước phương Tây làm Nga cảm thấy bất an. Trong bối cảnh tình hình vẫn có thể leo thang trong cuộc đối đầu Đông-Tây tồi tệ nhất hiện nay, đối thoại chính trị là giải pháp duy nhất. Các cường quốc bên ngoài nên làm nhiệm vụ của “nhân viên cứu hỏa” thay vì “đổ thêm dầu vào lửa”. Họ cần phải đóng vai trò xây dựng bằng cách thuyết phục Ukraine bình tĩnh và cùng nhau tìm kiếm một lối thoát.

Cuộc họp 4 bên khai mạc tại Genève hôm 17-4 là kiểu mẫu đầu tiên theo con đường này. Tuy nhiên, bóng đen bao phủ lên bàn đàm phán khi có 3 phần tử ly khai ủng hộ Moscow thiệt mạng trong cuộc tấn công nhằm vào một căn cứ quân sự ở đông nam Ukraine chỉ trước đó vài giờ.    

Khả Anh