Ai sẽ "tháo ngòi nổ" căng thẳng Nga và phương Tây?
Nhìn lại lịch sử những lần đối đầu giữa Nga và phương Tây từ trước tới nay, có thể nói trong số các nước chủ chốt ở châu Âu, Đức vẫn luôn có cách tiếp cận được đánh giá là ôn hòa hơn đối với Nga, một phần do mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai bên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hội đàm trên chiếc bàn ngoại cỡ tại Moscow hôm 15-2. Ảnh: Sputnik
Do đó, giới phân tích nhận định Berlin thích hợp đóng vai trò “sứ giả” nhằm tháo ngòi căng thẳng hiện nay giữa Moskva và phương Tây xoay quanh vấn đề an ninh, trong đó Ukraine là “trường hợp điển hình”. Kết quả chuyến công du của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Moscow và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, phần nào đã chứng minh được điều đó. Những thông điệp "không muốn chiến tranh" và "sẵn sàng tiếp tục đối thoại" đã được cả hai nhà lãnh đạo phát đi trong và sau cuộc hội đàm ngày 15-2.
Tổng thống Putin cũng một lần nữa khẳng định Moscow không muốn chiến tranh, do đó đã đưa ra các đề xuất về đảm bảo an ninh ở châu Âu, đồng thời đảm bảo rằng Moscow sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề an ninh thông qua ngoại giao và sẵn sàng thảo luận về các sáng kiến có trong các phản ứng của Mỹ và NATO đối với đề xuất của Nga. Ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Nga, những động thái được xem là thiện chí từ cả hai bên đều được ghi nhận.
Thủ tướng Đức Scholz, trong các cuộc tiếp xúc với các tổng thống Mỹ, Pháp, Ba Lan hay trong chuyến công du Ukraine, đều nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm hòa bình ở châu Âu thông qua ngoại giao, và nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Nga. Về phần Nga, Moscow luôn bày tỏ hy vọng việc duy trì các kênh đối thoại ít ỏi giữa nước này và phương Tây sẽ có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề Ukraine.
Việc Bộ Quốc phòng Nga ngày 15-2 thông báo rút quân sau khi hoàn thành các hoạt động tập trận được đánh giá là một động thái xuống thang căng thẳng đối với tình hình xung quanh biên giới Nga và Ukraine, mở đường cho tiến trình đàm phán ngoại giao. Trước đó, phương Tây cho rằng việc Nga triển khai quân gần biên giới Ukraine là bước chuẩn bị cho một hành động quân sự nhằm vào chính quyền Kiev, dù Moscow nhiều lần bác bỏ.
Phía Mỹ cũng có phản ứng tích cực trước sự biến chuyển của tình hình. Đáp lại yêu cầu bình luận về tuyên bố của phía Nga sẵn sàng tiếp tục đối thoại, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, chính quyền Mỹ sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Nga về các vấn đề gây tranh cãi, nhấn mạnh “cánh cửa cho các cuộc đàm phán đang mở”.
Tất nhiên, diễn biến tích cực này không phải chỉ nhờ chuyến đi của ông Scholz mà là kết quả từ các nỗ lực đối thoại trước đó giữa Nga và phương Tây, sau các chuyến công du của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các bộ trưởng Anh tới Nga… hay một loạt cuộc điện đàm giữa giới lãnh đạo Nga và các nước. Trở lại với vai trò của Đức, trong cuộc thương thuyết này, Đức là đối tác thương mại số một của Nga ở châu Âu, và là khách hàng tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn nhất của Moscow trong đó dự án cung cấp khí đốt đầy tham vọng Dòng chảy phương Bắc 2 đang trong giai đoạn hoàn thiện. Chính do sự ràng buộc này, Thủ tướng Đức Scholz, người mới lên nắm quyền hơn hai tháng, có những tuyên bố chừng mực hơn trong vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga.
Và điều dư luận quan tâm hiện nay là các cuộc đối thoại sắp tới sẽ diễn ra như thế nào. Nhiều nhà quan sát cho rằng Nga sẽ không “mở rộng” gói các vấn đề thảo luận hoặc loại bỏ các điều khoản trọng tâm trong đề xuất an ninh của mình, đặc biệt là về việc không mở rộng NATO và không triển khai vũ khí ở Đông Âu. Kỳ vọng được đặt ra khi lịch sử đã chứng minh, ngay cả trong thời kỳ đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh hay trong cuộc khủng hoảng quan hệ Nga-phương Tây năm 2014, Berlin vẫn là cầu nối giữa Moscow với phương Tây, đặc biệt thông qua con đường kinh tế.
Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Phía Moscow luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ. Nga cũng cho rằng việc NATO tìm cách mở rộng về phía Đông, trong đó có việc kết nạp Ukraine cũng như đưa vũ khí vào lãnh thổ nước này, đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Moscow.
Nga tiếp tục rút binh sĩ hoàn tất tập trận về căn cứ
Xe tăng Nga thuộc Quân khu miền tây trở về căn cứ, trong video được công bố ngày 15-2. Ảnh: Reuters Ngày 16-2, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận các cuộc tập trận tại bán đảo Crimea đã kết thúc và các binh sĩ đang quay trở lại các đơn vị đồn trú. Thông báo nêu rõ các đơn vị của Quân khu miền Nam đang di chuyển về các điểm đóng quân thường trực sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia các cuộc tập trận chiến thuật định kỳ. Trong khi đó, xe tăng, các phương tiện của bộ binh và pháo binh di chuyển bằng đường sắt. Theo thông báo của Quân khu miền Nam, đoàn xe của đơn vị hỗ trợ hậu cần đã trở về căn cứ. Các thiết bị quân sự sẽ được bảo trì và chuẩn bị cho đợt diễn tập tiếp theo khi được chuyển đến các căn cứ. Đài Truyền hình nhà nước Nga cũng công bố hình ảnh về các đơn vị quân đội đi qua một cây cầu nối với bán đảo Crimea để vào lục địa. |
KHẢ ANH