ALAN TURING – số phận bi thương của nhà khoa học vĩ đại
(Cadn.com.vn) - Alan Turing được ví là cha đẻ của ngành khoa học máy tính, người tạo ra chiếc máy tính Turing đầu tiên. Tuy nhiên, khi đạt đến đỉnh cao trí tuệ thì ông bất ngờ ra đi. Cái chết của Turing ẩn chứa nhiều bí mật mà đến nay hậu thế vẫn chưa biết thực hư như thế nào. Đã có nhiều lời đồn đoán. Người thì cho rằng ông bị đầu độc, kẻ thì cho là chính sự bất cẩn khi thí nghiệm khoa học đã mang đến tai họa cho nhà khoa học. Nhân sự kiện tròn 100 năm ngày sinh của ông, BBC vừa công bố một số luận cứ mới về cái chết của nhà khoa học vĩ đại này.
CHA ĐẺ KHOA HỌC MÁY TÍNH
Alan Turing, sinh năm 1912, qua đời vào năm 1954 khi ở tuổi 42. Ông sinh ra trong gia đình mang hai quốc tịch, bố nguời Ấn Độ, mẹ người Anh. Trong suốt cuộc đời 42 năm tuổi của mình, Alan Turing được coi là tài năng toán học, logic học và mật mã học nổi tiếng người Anh, cha đẻ của ngành khoa học máy tính.
Một trong số những phát minh lớn nhất của Turing là Turing Test (Phép thử Turing), nhằm tìm ra câu hỏi khi nào thì máy móc đạt tới trí tuệ của con người. Ngoài ra, Turing còn được xem là người tiên phong đi đầu tìm ra khái niệm thuật toán và tính toán với máy tính Turing hay còn gọi là luận đề Church-Turing. Luận đề này cho rằng những gì tính toán được bằng thuật toán học đều có thể tính được bằng máy tính Turing.
Trong số những đề tài của Turing, máy Turing cho đến nay và được xem là nghiên cứu quan trọng trong lý thuyết về máy tính, đặc biệt là cho ra đời máy Bombe năm 1940, giúp cho việc giải mã máy Enigma trong Thế chiến II đánh bại quân phát-xít Đức.
![]() |
|
THIÊN TÀI...
Hồi đó, để chuẩn bị gây chiến tranh thế giới, ngay từ những năm 1920, phát-xít Đức chế tạo ra máy soạn-giải mã có tên Enigma (Bí ẩn). Hitler ca ngợi mã Enigma là “Mật mã số một thế giới, cả đến thần thánh cũng không thể giải nổi”. Thật vậy, những năm đầu chiến tranh, phía Đồng minh chống Đức không thể giải được các mật mã và bị tổn hại nặng nề.
Vì sự sống còn của nước Anh, Thủ tướng Winston Churchill quyết tâm giải bằng được mật mã Enigma. Churchill tập trung khoảng 12.000 người tình nguyện – các nhà toán học, nhà ngôn ngữ học làm việc suốt ngày đêm tại Trung tâm Giải mã tình báo đặt trong công viên Bletchley cách London gần 100km về phía Tây Bắc – có nhiệm vụ thu nhận và giải mã các bức điện vô tuyến của quân đội Đức.
Churchill đích thân mời tiến sĩ toán học Turing phụ trách công tác phá khóa mã. Với tinh thần yêu nước nồng nàn và trí tuệ thiên tài, Turing chỉ đạo thiết kế chế tạo được máy giải mã đặt tên là Bombe. Máy Bombe dò tìm công thức cài đặt của khối quay trong máy Enigma, và nó cần phải có một bộ mã (crib), tức là một dòng chữ chưa mã hóa và một dòng mật mã tương ứng. Máy Bombe lùng tìm và phát hiện mâu thuẫn khi nó xảy ra, loại bỏ công thức cài đặt gây nên sự mâu thuẫn ấy, rồi tiếp tục lùng tìm một công thức khác, hợp lý hơn. Thực chất nó là chiếc máy tính hiện đại đầu tiên của nhân loại.
Chiến tranh kết thúc, ông chuyển sang nghiên cứu về công nghệ điện tử, cho ra đời một cỗ máy di động có tên là Delilah để truyền âm thanh bảo mật, truyền sóng radio đường dài. Nhờ máy này mà Turing có thể mật mã hóa, giải mã toàn bộ bản ghi âm lời nói của Thủ tướng Anh Winston Cherchill hồi đó.
... ĐOẢN MỆNH
Turing là người đồng tính nhưng lại sống vào thời điểm mà đồng tính luyến ái bị coi là phạm pháp.
Năm 1952, người tình lâu năm của ông là một người đàn ông tên là Arnold Murray lén lút giúp một kẻ đột nhập nhà Turing. Cảnh sát đến điều tra và Turing công nhận có quan hệ với
Để tránh bị giam, ông chấp nhận tiêm hormone trong vòng 1 năm, và việc này gây các hiệu ứng phụ như ngực phát triển. Ngoài ra ông còn bị tước bỏ quyền làm việc trong bộ phận bảo mật của chính phủ, không được làm tư vấn cho Trung tâm truyền tin của chính phủ (GCH) trong các vấn đề liên quan đến mật mã. Ngày 8-6-1954, người dọn dẹp bất ngờ nhìn thấy Turing chết ở nhà. Qua khám nghiệm tử thi cho thấy ông bị nhiễm độc cyanide, bên cạnh xác ông là một quả táo đang cắn dở. Rất có khả năng, ông bị chết vì ăn phải táo tẩm độc, nhưng cơ quan điều tra không bao giờ xét nghiệm là có nhiễm độc cyanide hay không. Khả năng ông bị ám hại cũng đã từng được đề cập bởi ông đã từng làm việc cho một cơ quan mật vụ, và do nhận thức cho rằng bản chất đồng tính luyến ái của Turing có thể gây nguy hiểm cho công việc nên đã sát hại để ngừa hậu họa về sau. Trong khi đó, có người còn đồn rằng, ông đã tự sát theo cách giống như trong bộ phim mà Turing yêu thích “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”.
Duy chỉ có mẹ ông lại khăng khăng cho rằng, ông chết vì do bất cẩn trong việc bảo quản các chất hóa học. Hồi năm 2009, trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Anh Gordon Brown thay mặt chính phủ chính thức xin lỗi về cách đối xử với Turing sau chiến tranh. Và một diễn biến mới nhất gần đây, trong một hội nghị diễn ra ở Oxford hồi cuối tháng 6-2012 vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Alan Turing và dựa trên những bằng chứng thu thập được trong nhiều năm, Giáo sư Jack Copeland nhận định, Turing chết vì ngộ độc cyanide. Giáo sư cho biết, Turing luôn dùng phòng riêng cho các thí nghiệm hóa học trong đó có chất cyanide.
Ngoài ra còn có những thí nghiệm mà đích thân ông phải nếm các loại hóa chất mới xác định được và như vậy khả năng Turing vô tình đặt quả táo ăn dở vào môi trường nhiễm độc cyanide hoặc chính ông hít phải hơi cyanide tỏa ra từ dịch lỏng đang sôi là điều khó tránh khỏi.
Khắc Hùng (Theo Net/BBC)