Ấm áp xuân về ở các nghĩa trang Quảng Trị
(Cadn.com.vn) - Những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách từ khắp nơi đến thắp hương để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh Quảng Trị. Những nén nhang thơm được thắp lên các ngôi mộ, tượng đài chứa đựng vô vàn lòng biết ơn của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này vì độc lập, tự do và sự bình yên của dân tộc.
Ngày xuân viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. |
Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 20.000 người con trên khắp mọi miền Tổ quốc và Thành cổ Quảng Trị được xem là ngôi mộ chung của hàng vạn liệt sỹ đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này. Trong cái lạnh giá và mưa phùn đầu năm, từng dòng người lặng lẽ, chầm chậm xếp hàng vào làm lễ tại các nghĩa trang. Có người mẹ tóc bạc năm nào cũng lặn lội lên các nghĩa trang tìm con, có người vợ mòn mỏi bước chân từ phương xa đến ngắm nhìn từng ngôi mộ mà nước mắt rưng rưng, có người cựu chiến binh lặng lẽ lau nhẹ lên tấm bia trên mộ phần của đồng đội rồi thủ thỉ chuyện trò... Trong không khí linh thiêng, ngồi bên phần mộ của đồng đội, ông Nguyễn Văn Dương, xã Vĩnh Thủy, H. Vĩnh Linh, tâm sự: Là một cựu chiến binh, may mắn hơn nhiều đồng đội khác bởi chiến tranh qua đi, ông còn sống để trở về xây dựng gia đình, quê hương. Thế nhưng, rất nhiều đồng đội của ông đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, ông và gia đình lại đến đây thắp hương để tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc cũng giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho con cháu hiểu rằng các thế hệ cha anh đi trước đã hiến dâng xương máu thế nào cho độc lập, tự do hôm nay.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những giọt nước mắt, những nỗi đau mà nó để lại vẫn dai dẳng. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, một nén nhang do chính mình thắp lên phần mộ của các liệt sỹ cũng chính là tấm lòng tri ân của mỗi người hôm nay dâng lên hương hồn các anh. Những ngày đầu năm, dù thời tiết lạnh giá nhưng ở các phần mộ liệt sỹ lại thấy ấm áp vô cùng khi những nén hương thơm luôn rực cháy như tấm lòng thành kính, biết ơn sự hy sinh của các anh để đất nước được độc lập, tự do, để mỗi người có quyền sống và mưu cầu hạnh phúc. Anh Nguyễn Văn Việt (40 tuổi), xã Hồng Thủy, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Năm nào cũng vậy, những ngày đầu năm mới, anh và anh em trong cơ quan lại đến Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị để thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ. Thế hệ trẻ hôm nay may mắn sống trong hòa bình mà cha, ông đi trước phải đánh đổi bằng xương máu để giành được. Thắp nén hương, anh cầu mong cho linh hồn các anh hùng liệt sỹ được siêu thoát, cầu mong năm mới với nhiều may mắn, sức khỏe và hạnh phúc cho gia đình.
Như thường lệ, viếng nghĩa trang đầu năm đã trở thành thông lệ và nét đẹp đáng quý của người dân Quảng Trị, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta cũng như giáo dục truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng đối với các thế hệ trẻ hôm nay. Ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, cho biết: Trong dịp Tết nguyên đán, người dân đến viếng mộ và thắp hương rất đông. Để hướng dẫn người đến viếng liệt sỹ một cách chu đáo nhất, Ban quản lý bố trí người trực đảm bảo liên tục 24/24 giờ. Mỗi ngày, Nghĩa trang đón từ 5.000 - 6.000 lượt khách đến thăm viếng và thắp hương. Dù những ngày Tết không được ở bên gia đình quây quần nhưng những người làm việc tại đây lại thấy vui, hạnh phúc và vinh dự khi đón Tết bên các anh hùng liệt sỹ.
Giữa chốn linh thiêng nghĩa trang liệt sỹ, nơi không gian và thời gian dường như dừng lại, cho mọi người một khoảng lặng để suy tư về những việc làm của mình sao cho xứng đáng với sự hy sinh vĩ đại của các thế hệ cha ông đi trước. Từ đó, nỗ lực góp phần chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh hơn trong tương lai. Các anh hùng liệt sỹ đã mãi mãi nằm xuống nhưng linh hồn các anh còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và trường tồn cùng dân tộc, như câu thơ của Giáo sư Vũ Khiêu được khắc lên thành chuông ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ. Dạt dào Đông Hải khí anh linh. Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí. Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”.
Thanh Thủy