Ấm lòng người có công
(Cadn.com.vn) - Pháp lệnh số 04 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng với nhiều chế độ đãi ngộ đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn gia đình chính sách tại Đà Nẵng.
Tết năm nay, gia đình ông Trần Văn Thảo (75 tuổi, ở thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương. H. Hòa Vang) chuẩn bị khá tươm tất. Ông bảo, năm nay là năm đầu tiên được nhận tiền trợ cấp hằng tháng nên rất vui. Những năm qua, lương hưu thấp, ông Thảo và gia đình gặp nhiều khó khăn, vì vậy, khi Nhà nước có chế độ trợ cấp hằng tháng đối với những người bị bắt, bị tù, cả gia đình ông đều vui. Từ tháng 7-2013, ông Thảo bắt đầu được nhận trợ cấp 666.000 đồng/tháng, sau tăng lên 732.000 đồng/tháng và được truy lĩnh từ tháng 7-2013. “Có số tiền này đỡ lắm. Thương tật lại thêm tuổi già nữa nên khó khăn nhiều. Các con cũng nghèo nên chẳng giúp được gì. Đảng và Nhà nước quan tâm khiến chúng tôi rất xúc động”, ông Thảo bày tỏ.
Đến bây giờ, ông Thảo vẫn còn nhớ như in những thủ đoạn tra tấn dã man của Mỹ-ngụy như: đổ nước xà phòng, bỏ vào thùng phuy vừa đánh vừa lăn, nhận đầu xuống nước, đóng đinh vào những nơi nhạy cảm của cơ thể... Hơn 7 năm ròng trong nhà tù Phú Quốc, ông phải nếm trải biết bao cực hình tàn khốc, nhưng vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Đến năm 1973, ông mới được về theo chính sách trao trả tù binh... và mang nhiều thương tật trên người.
Tặng quà cho đối tượng chính sách tại Q. Hải Châu. |
Còn ông Trần Tình (90 tuổi, ở tổ 71, P. Bình Thuận, Q. Hải Châu) thì sau khi nhận thêm tiền hỗ trợ gần 1 triệu đồng mỗi tháng dành cho đối tượng bị địch bắt tù đày, bữa cơm của gia đình dường như tươm tất hơn. “Ổng tiết kiệm lắm. Mà cũng phải tiết kiệm vì tiền đâu có nhiều. Để dành mua thuốc hằng tháng cho ổng cũng không đủ” , bà Đặng Thị Mốt (74 tuổi), vợ ông cho biết. Hơn chục năm nay, sức khỏe của ông Tình yếu đi nhiều do ảnh hưởng của những năm tháng ông bị tra tấn, tù đày. Ông Tình kể, không có hình thức tra tấn nào mà ông không “được” nếm, từ tra điện, đánh vào đầu, nhận đầu xuống nước, đạp vào bụng, đóng đinh vào những chỗ hiểm... Và sau những tháng ngày khủng khiếp ấy khiến sức khỏe ông bị suy kiệt sau khi ra tù. Nhiều năm chữa trị liên tục, sức khỏe ông có đỡ hơn nhưng đôi chân bị yếu, đi nhiều lúc đứng không vững. Ông bảo, tháng 9 vừa qua được nhận tiền trợ cấp thường xuyên mỗi tháng thêm 730.000 đồng, ông bớt đi những lo lắng thường nhật. Bởi cộng thêm tiền người cao tuổi, hỗ trợ cho người ốm đau thường xuyên, tổng cộng ông được khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.
Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH Q. Hải Châu, đến nay, riêng Hải Châu đã lập hồ sơ đề nghị Nhà nước tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH cho 232 mẹ. Bên cạnh đó, đã giải quyết trợ cấp hàng tháng cho khoảng hơn 500 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, đề nghị giải quyết trợ cấp đối với thân nhân thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần, mức trợ cấp 500.000đ/năm cho hơn 1.700 thân nhân liệt sĩ, đề nghị giải quyết trợ cấp hàng tháng với mức 1.110.000đ/tháng cho người phục vụ Bà mẹ VNAH: 30 người...
Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, trước đây, thẻ BHYT chỉ được cấp miễn phí cho thân nhân liệt sĩ, gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1-6 năm nay, con liệt sĩ và một số đối tượng khác như: bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên... cũng được thụ hưởng chính sách này. Đây là điểm mới đáng ghi nhận trong Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tại Đà Nẵng, đã có hơn 3.300 con liệt sĩ có thẻ BHYT để khám chữa bệnh miễn phí. Bên cạnh việc cấp thẻ BHYT cho con liệt sĩ, Pháp lệnh này còn có thêm nhiều điểm đổi mới đáng ghi nhận và nhận như: tăng tiền trợ cấp hằng tháng cho thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh hay thay đổi những tiêu chuẩn mới để công nhận danh hiệu Bà mẹ VNAH... “Chúng tôi xác định đây là một chủ trương lớn và ý nghĩa nên phải triển khai nhanh và chính xác, không bỏ sót đối tượng”, ông Hoàng nói.
Bài, ảnh: Mộc Miên