Trao đổi:

Âm mưu chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch: Vẫn là bình mới rượu cũ

Thứ sáu, 30/10/2015 10:12

(Cadn.com.vn) - Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, trước thềm các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của dân tộc, các thế lực phản động sẽ thực hiện mưu đồ thâm độc hòng kích động, gây bất ổn chính trị, tạo dư luận xấu trong các tầng lớp xã hội, gây chia rẽ nội bộ trong Đảng, sự đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm lòng tin của nhân dân. Ở bài viết này, chỉ xin trao đổi một số vấn đề liên quan đến âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chung quanh việc chống phá Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Còn nhớ, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) diễn ra tại Hà Nội, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, với quan điểm mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa dựa trên 3 nguyên tắc, đó là :

Thứ nhất, nhất thiết phải dựa theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp.

Thứ hai, phải xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của V.I.Lênin vào nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ.

Thứ ba, trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả 3 mặt, đó là: xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VI của Đảng ta được xem là đại hội của sự đổi mới về tư duy lãnh đạo của Đảng trong thời đại mới. Chính quan điểm đổi mới này đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của cách mạng nước ta, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ cả về chính trị và kinh tế xã hội; và đây là cơ sở vững chắc để Đảng và Nhà nước ta đứng vững trước nguy cơ sụp đổ chế độ như một số nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thời bấy giờ. Cũng từ đó các thế lực phản động trong và ngoài nước luôn rắp tâm chống phá cách mạng nước ta cho đến tận bây giờ vẫn chưa từ bỏ dã tâm xấu xa ấy.

Giai đoạn cuối nhiệm kỳ Đại hội VI chúng ta đã chứng kiến một biến cố chính trị của nhân loại, đó là sự thoái trào của cách mạng thế giới, khi Liên Xô và các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lần lượt sụp đổ, các thế lực phản cách mạng tỏ ra vui mừng và hy vọng vào sự sụp đổ hoàn toàn của phe cộng sản trên toàn thế giới. Ngay trong nội bộ Đảng ta, cũng không ít cán bộ, đảng viên tỏ ra hoang mang, lo lắng, thậm chí muốn rời bỏ Đảng. Trước tình hình xã hội phức tạp và tư tưởng rối ren như vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng  đã vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, kể cả hy sinh xương máu để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo đảm cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Uy tín và tài thao lược của Đảng ta đã chứng minh một cách hùng hồn qua 30 năm đổi mới, đã được cả hệ thống chính trị và toàn dân thừa nhận, được thế giới ghi nhận và khâm phục. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động với cái nhìn phiến diện, tiêu cực đã và đang tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc hình ảnh ngày càng tươi đẹp của đất nước ta. Chúng sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhằm chống phá quyết liệt sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn; kể cả dùng chiêu bài bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình" bạo loạn lật đổ mà chúng đã sử dụng thành công tại các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cách đây 25 - 26 năm.

Tình hình hiện nay, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu chiến lược "Diễn biến hòa bình", các thế lực địch còn tranh thủ lợi dụng và kích động, triệt để khai thác vấn đề "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"  trong nội bộ ta, để làm cho tình hình xã hội thêm phức tạp trước thềm Đại hội lần thứ XII của Đảng ta, gây khó khăn nhiều mặt cho quá trình tiến hành tổ chức Đại hội.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là vấn đề thuộc câu chuyện "bình mới rượu cũ" chứ không có gì khác. Cũng chỉ là sự tái diễn thái độ thù hằn "không thể chấp nhận" của các thế lực phản động, bất mãn, cơ hội chính trị trước sự vững vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của chế độ Xã hội chủ nghĩa ưu việt mà cả hệ thống chính trị và nhân dân ta đã thường xuyên giữ thế thượng phong. Khi nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: "Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng do nhiều người cách mạng hợp lại, cho nên dù với sự rèn luyện theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng có nhiều ưu điểm, nhưng cũng  không tránh khỏi khuyết điểm. Khi có khuyết điểm, Đảng hoan nghênh phê bình, thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy, Đảng ngày càng tiến bộ, càng mạnh mẽ" (*).

Lời căn dặn của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta phải hết sức tập trung chăm lo xây dựng Đảng một cách toàn diện; kể cả về phương pháp lãnh đạo đến xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp vừa hồng vừa chuyên, không để xảy ra những sơ hở mà kẻ thù có thể lợi dụng để chống phá, làm mất đoàn kết nội bộ Đảng, làm suy giảm lòng tin của quần chúng (đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, nhất là tại thời điểm nhạy cảm chính trị trước thềm Đại hội lần thứ XII của Đảng ta. Hãy luôn nhớ rằng, dù hoàn cảnh thế nào đi nữa thì vấn đề cảnh giác cách mạng cũng không bao giờ thừa!

Mặc Sinh

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 2002, tập 10, trang 337