Ẩm thực sẽ kéo khách đến Huế?
Tổng thu từ ngành du lịch (DL) của TT-Huế trong năm 2019 đạt 11.300 tỷ đồng cho thấy, ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này đang ngày càng phát triển. Theo các chuyên gia du lịch, để tiếp tục giữ chân du khách thì một trong những việc Huế cần khẩn trương, đó là xây dựng thương hiệu ẩm thực.
Du khách Hàn Quốc tham quan Kinh thành Huế vào sáng 1-1-2020. |
Vẫn còn rào cản
Ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh TT-Huế cho biết, tổng lượt khách đến TT-Huế năm 2019 đạt 4,817 triệu lượt tăng 11,18% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 2,186 triệu lượt, tăng 12,06% so với cùng kỳ; khách lưu trú đạt 2,247 triệu lượt, tăng 7,30%, doanh thu từ cơ sở lưu trú năm 2019 đạt 4.945 tỷ đồng, tăng 10,54% so với năm 2018; tổng thu từ du lịch đạt 11.300 tỷ đồng. Thị trường khách du lịch Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu các thị trường khách quốc tế đến Huế trong năm 2019, chiếm đến 19,9%. Tiếp đến, thị trường khách du lịch Thái Lan quay trở lại và tăng mạnh so với năm 2017, 2018, chiếm 12,9% và đứng vị trí thứ hai. Một số thị trường truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ giữ mức tăng trưởng ổn định, đóng góp ở mức cao về thị phần khách đến Huế như Pháp (7,5%), Anh (5,3%), Mỹ (5,1%), Đức (4,7%)...
Như vậy, liên tiếp trong 3 năm 2017, 2018 và 2019, du khách Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu các thị trường khách quốc tế đến Huế. Nguyên nhân là du khách xứ sở "kim chi" đến Huế do muốn thưởng thức, khám phá những tinh túy của ẩm thực vùng đất cố đô.
Nhiều năm làm hướng dẫn viên (HDV) cho khách Hàn Quốc, chị Nguyễn Thị Anh Thư cho hay, qua tìm hiểu về nhu cầu của khách Hàn Quốc, nhìn chung khách Hàn khá đơn giản và dễ tính trong việc sử dung các dịch vụ. Khách Hàn chủ yếu lựa chọn đi tham quan, mua sắm và nhất là thưởng thức các món Huế. Tuy nhiên, Huế chưa có nhiều nhà hàng, khu vui chơi kết hợp ăn uống nên chi phí thu được từ khách Hàn không nhiều, chủ yếu thu từ dịch vụ lưu trú và phí tham quan. Bên cạnh đó, việc xúc tiến quảng bá của Huế đến thị trường Hàn Quốc vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Những lần tham gia hội chợ ở Hàn Quốc chủ yếu nhằm đưa khách từ các nơi đến với Hàn Quốc. Còn các hội chợ để bán sản phẩm, đưa khách Hàn sang Huế thì Huế lại chưa tham gia. Vì thế, các sản phẩm, nhất là ẩm thực của Huế chưa được nhiều người dân và doanh nghiệp du lịch ở Hàn Quốc biết đến.
Ngoài ra, dù lượng khách Hàn Quốc đến Huế quá lớn, nhưng đội ngũ HDV tiếng Hàn không đáp ứng đủ. Một HDV tiếng Hàn cho biết, mỗi ngày HDV này hướng dẫn trên dưới 10 đoàn khách. Nhiều du khách Hàn Quốc không đi theo đoàn, khi muốn các HDV đưa đến các quán ăn để tìm hiểu về ẩm thực Huế nhưng họ từ chối vì không có thời gian.
Xây dựng "Huế- Kinh đô ẩm thực"
Trung tuần tháng 12-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW đặt ra những mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể trong việc xây dựng và phát triển TT-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng và phát triển tỉnh TT-Huế trở thành TP trực thuộc T.Ư trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn...
Ẩm thực Huế không chỉ ngon miệng mà còn được trang trí công phu. |
Theo các chuyên gia, khi TT-Huế đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì cần phải tìm lợi thế nổi bật nhất để cạnh tranh- mà những địa phương khác không thể bằng Huế- đó chính là ẩm thực. Vì vậy, đầu năm 2019, TT-Huế đã phê duyệt Đề án "Huế - Kinh đô ẩm thực" đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030 và ngay trong năm đã bắt tay thực hiện. Các chuyên gia du lịch đánh giá, ẩm thực chính là lợi thế cạnh tranh nổi bật của vùng đất cố đô. "Khi đi du lịch, ngoài dịch vụ lưu trú, các điểm tham quan thì dịch vụ ăn uống là điều bắt buộc đối với mỗi du khách. Đến Huế, du khách luôn bị thu hút bởi "kho" ẩm thực đồ sộ, khi sở hữu 1.300 món ăn trong tổng số khoảng 1.700 món ăn ở Việt Nam đã được ghi chép lại", một chuyên gia nhận định.
Ông Lê Hữu Minh- Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh TT-Huế chia sẻ, từ kinh đô một thuở nay trở thành cố đô, Huế đang thừa hưởng, lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa quý giá của dân tộc; trong đó có ẩm thực, được xem là di sản phong phú và là nền văn hóa ẩm thực tinh tế bậc nhất Việt Nam. Trước bối cảnh và xu hướng cạnh tranh của các điểm đến, Huế cần nhanh chóng có kế hoạch gìn giữ, phát huy tinh hoa ẩm thực đúng như giá trị vốn có, biến từ thương hiệu văn hóa thành một thương hiệu du lịch có vị thế, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách. Ông Minh phân tích, ẩm thực đang trở thành một lợi thế cạnh tranh và là nhân tố có tính quyết định trong quá trình xây dựng thương hiệu cho du lịch Huế. Nếu bản sắc riêng của ẩm thực Huế được khai thác triệt để sẽ tạo nên sự khác biệt và làm mới hình ảnh cho điểm đến, tạo nên cảm giác mới, lạ, riêng có của Huế. Nhiều năm qua, Huế có những sự kiện, hoạt động để khẳng định lợi thế cạnh tranh của ẩm thực, nhất là trong các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế...
Theo ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Huế, Huế muốn trở thành "Kinh đô ẩm thực" trước tiên phải cho thấy được sự độc đáo và khác biệt mà chưa nơi nào có được. Qua quá trình nghiên cứu, sự khác biệt của ẩm thực Huế là ở ẩm thực cung đình và chay, bởi thể hiện được tinh hoa và tính riêng của vùng đất cố đô... Ngành DL Huế đang tập trung ưu tiên sưu tầm và số hóa tất cả các món ăn của Huế, sau đó biên soạn và in ấn; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền thương hiệu "Huế - Kinh đô ẩm thực"; xây dựng chuỗi các nhà hàng, dịch vụ ẩm thực từ cung đình đến dân gian; xây dựng bảo tàng ẩm thực và đào tạo cho Huế đội ngũ đầu bếp chất lượng, giỏi tay nghề.
HẢI LAN
Sáng 1-1-2020, tại Cảng Hàng không Phú Bài, Sở Du lịch TT-Huế tổ chức lễ đón 203 hành khách trên chuyến bay VN1543 Hà Nội - Huế vào lúc 9 giờ 45 cùng ngày. Ông Khắc Ngọc Ba đến từ Hà Nội và ông Bruno Sutter cùng vợ là bà Isabella Sutter là những vị khách đầu tiên đến Huế bằng đường hàng không vào ngày đầu năm mới... * Sáng cùng ngày, tại Ngọ Môn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ đón 10 vị khách đầu tiên đến thăm khu di sản Huế. |