Ấm tình hữu nghị Việt-Lào ở Nam Giang-Đăk Chưng

Thứ hai, 04/01/2016 10:52

(Cadn.com.vn) - Một sáng tháng 10-2012, một sự kiện khá đặc biệt diễn ra tại Trung tâm y tế H. Nam Giang (thị trấn Thành Mỹ, tỉnh Quảng Nam): các y bác sĩ đã mổ đẻ thành công cho một sản phụ người Lào trong một ca song sinh khó. Hơn 3 năm sau, chúng tôi có dịp đến bản Đăk Tà Oọc Nọi, H. Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào, gặp lại đứa trẻ trong ca sinh đặc biệt năm nào đã lớn lên khỏe mạnh và được bố mẹ đặt tên là Thành và Mỹ, như biểu trưng cho tình hữu nghị Việt-Lào giữa hai địa phương ở vùng biên giới này.

Khi vợ tôi sinh con tại Thành Mỹ-Nam Giang, tôi rất vui mừng, hạnh phúc khi nhận được sự tận tâm, chu đáo của các y, bác sĩ Việt Nam. Tôi nghĩ nếu không có các bác sĩ thì vợ tôi khó vượt qua để sinh được hai đứa con mạnh khỏe.  Để thể hiện lòng biết ơn đó, vợ chồng tôi  quyết định đặt tên con trai là Thành, con gái là Mỹ để ghi nhớ vùng đất các con chúng tôi ra đời. Sau này khi chúng lớn lên tôi sẽ cho sang Việt Nam học chữ, học tiếng Việt để về xây dựng quê hương Đăk Chưng"-anh Xen Na Vông Kẹo Khăm Xe (trú bản Đăk Tà Oọc Nọi, H. Đăk Chưng), bố của Thành và Mỹ, chia sẻ...

Cách đây 3 năm, tại Trung tâm y tế huyện, UBND H. Nam Giang đã trích kinh phí 5 tỷ đồng, xây dựng riêng một khu điều trị chuyên biệt dành cho bệnh nhân Lào, với 13 phòng bệnh và 66 giường bệnh. Nhờ đó, Trung tâm đã điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân đến từ nước bạn Lào. Trường hợp của vợ chồng Xen Na Vông là một điển hình. Bởi, đây là trường hợp song sinh rất khó, các bác sĩ tại đây phải quyết định mổ đẻ và đã thành công. Hiện nay, người dân H. Đăk Chưng có thể yên tâm khi gặp những trường hợp đau ốm, hay sinh nở khó khăn và họ sẽ không cần phải sang Việt Nam, hay phải vượt hàng trăm ki-lô-mét để về đến bệnh viện tỉnh Sê Kông như trước nữa bởi đã có Trung tâm y tế H. Đăk Chưng, được tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 100% kinh phí, với hơn 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 20 phòng chức năng, khám chữa bệnh cho nhân dân các bộ tộc Lào. Bà Kim Sa Vẳng Chăn Nọoi, Trưởng Trung tâm y tế Đăk Chưng cho biết: Hiện tại tỉnh Quảng Nam đang xây dựng thêm 10 phòng khám điều trị bệnh cho bệnh nhân. Khi công trình hoàn thành, Quảng Nam sẽ hỗ trợ thêm cơ sở vật chất hiện đại hơn để công tác khám chữa bệnh được tốt hơn.

H. Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và H. Đăk Chưng (Lào) có chung 72km đường biên giới, với 30 cột mốc. H. Nam Giang có 3 dân tộc chính là Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Tương tự như vậy, H. Đăk Chưng có 4 dân tộc chính, trong đó người Tà Riềng chiếm 60%, Cơ Tu khoảng 21%, còn lại là người Ve và một số ít dân tộc khác. Hai địa phương có khá nhiều nét tương đồng về địa lý, dân tộc và bản sắc văn hóa. Đăk Chưng là huyện nằm ở vùng Đông Bắc hẻo lánh thuộc tỉnh Sê Kông. Vùng đất này được xem là một trong những địa phương kém phát triển nhất của nước bạn. Cơ sở hạ tầng nghèo nàn, dân cư thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, sinh kế chủ yếu là nông nghiệp du canh. Người dân Đăk Chưng sinh sống rải rác ở vùng biên thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, thiếu đói triền miên. Mặc dù là địa phương miền núi còn nghèo so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước nói chung, song với tình cảm hữu nghị đặc biệt, từ nhiều năm nay H. Nam Giang đã có nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực để không chỉ trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Lào mà còn hỗ trợ nhiều mặt đời sống xã hội khác.



Bộ đội Việt Nam-Lào cùng tôn tạo cột mốc hữu nghị
tại đường biên giáp ranh tỉnh Quảng Nam-Sê Kông.

5 năm trước, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, bộ đội Việt Nam đã không kể mưa to gió lớn, đứng ra làm cầu cho bà con người Lào qua dự Lễ kết nghĩa Bản - Bản của hai huyện Nam Giang - Đăk Chưng nói riêng và hai tỉnh Quảng Nam-Sê Kông nói chung. Có tổng cộng 8 cặp bản làng nằm dọc biên giới hai nước Việt Nam - Lào đã kết nghĩa với nhau thông qua sự kiện này. Ông Thon Chăn Nháp Đa Hương là người đầu tiên của bản Đăk Tà Oọc Nọi được sang Hà Nội (Việt Nam) nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Ông  chia sẻ: "Ngày 17-8-2013 tôi đến Hà Nội cùng 50 người khác, vinh dự nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Cảm giác rất xúc động, tự hào vì là người đầu tiên và duy nhất của bản Đăk Tà Oọc Nọi được nhận huân chương cao quý này...". Năm 2013 là một năm khá đặc biệt với bản thân ông Thon Chăn Nháp Đa Hương cũng như dân làng. Cùng thời điểm ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, một niềm vui lớn khác đã đến với dân làng, khi bản Đăk Tà Oọc Nọi cũng lần đầu có điện thắp sáng do tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kéo từ Việt Nam sang. Bản Đăk Tà Oọc Nọi còn có nước sạch sử dụng, được bộ đội biên phòng Quảng Nam hướng dẫn trồng lúa nước, cà-phê để phát triển kinh tế... Ông Thon Chăn Nháp Đa Hương còn được mời sang tận tỉnh Gia Lai-Việt Nam để học trồng cà-phê, sắn, chăn nuôi heo, bò, trồng sắn để về hướng dẫn lại cho bà con trong bản phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo...

Bà Pôn Neo Xa Ven Say, người dân bản Đăk Tà Oọc Nọi, cho biết: đến bây giờ thì việc trồng cà-phê đã đem lại kết quả, năng suất cao và hiện nay nhân dân trong bản đã cải thiện đời sống, không còn đói, không còn khổ như trước đây nữa... Hiện nay bản Đăk Tà Oọc Nọi của anh Xen Na Vông đã đổi thay nhiều lắm. Bản Đăk Tà Oọc Nọi chỉ là một trong 8 bản của H. Đăk Chưng kết nghĩa với 8 bản giáp biên của H. Nam Giang từ gần 5 năm nay. Từ chủ trương "Giúp bạn là giúp mình", công tác kết nghĩa "Bản - Bản" được tiến hành khá đồng bộ và mang lại hiệu quả cao. Theo đó, hàng năm Nam Giang đều tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho nhân dân H. Đăk Chưng. Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, mỗi năm huyện Nam Giang đều đặn trích  kinh phí 200 triệu đồng, mua bò tặng cho nhân dân 8 cụm bản của H. Đăk Chưng. Việc này, cùng với nhiều chương trình hỗ trợ thường xuyên khác, đã góp phần rất lớn giúp bạn đẩy nhanh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Vợ chồng anh Xen Na Vông cùng hai cháu Thành và Mỹ. 

Ông ALăng Mai, Chủ tịch UBND H. Nam Giang cho biết: Huyện muốn dành một phần kinh phí để thể hiện trách nhiệm một phần và cũng hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn của nước bạn về đời sống, sản xuất. Thời gian tới H. Nam Giang tiếp tục hỗ trợ mua bò giống, mua gạo, muối, một số giống rau, giống cỏ để cho phát triển chăn nuôi, phát triển sản xuất đời sống của bà con nhân dân khu vực giáp biên của H. Đăk Chưng... Quảng Nam cũng được đánh giá là địa phương hoàn thành tốt nhất công tác tăng dày, tôn tạo cột mốc biên cương của cả nước, với 60 cột mốc đã hoành thành trên chiều dài hơn 142 km đường biên giáp ranh với tỉnh Sê Kông. Trong thành tích chung đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ biên phòng, phải nói đến tinh thần hy sinh, sự sẻ chia của đồng bào các dân tộc sinh sống ở hai bên biên giới Việt Nam - Lào...

Trong chuyến công tác đặc biệt này, chúng tôi may mắn được tham dự Tết Bunphimay tại H. Đăk Chưng. Vinh dự hơn là còn được tham gia trực tiếp vào lễ "Buộc chỉ cổ tay", một nghi lễ cổ truyền độc đáo của nhân dân các bộ tộc Lào thể hiện sự sẵn sàng chia sẻ niềm vui và tinh thần hiếu khách của người dân bản địa...

Tấn Sỹ