Âm vang La Ngà

Thứ hai, 28/12/2020 21:26

Đứng trên đỉnh đồi 100, nơi tượng đài Chiến thắng La Ngà nhìn về hướng đông là dòng La Ngà đêm ngày êm ả trôi về phía hồ Trị An. Dưới mặt sông, từng dãy nhà chòi lắc lư trên những bè cá ba sa san sát trong ráng chiều đầy gió càng thấy nơi đây thật yên ắng, thanh bình. Hơn 72 năm trước ngay trên quả đồi này đã truyền đi mệnh lệnh tấn công đoàn xe quân viễn chinh Pháp, gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.

Tác giả bên tượng đài chiến thắng La Ngà.

Tin mật từ Quân báo Sài Gòn-Gia Định

Cuối tháng 2-1948 Chi quân báo Sài Gòn-Gia Định cho biết đầu tháng 3 thực dân Pháp sẽ tổ chức một cuộc họp hết sức quan trọng tại Đà Lạt để triển khai các cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Nam bộ. Cuộc họp này sẽ có các quan chức cấp cao của địch từ Sài Gòn lên và chúng sẽ đi bằng đường bộ. Để đảm bảo an toàn cho các quan thầy cũng như phục vụ hội họp tại Đà Lạt, ngoài các xe quân sự chở lính đầy đủ vũ khí bảo vệ trên đường đi còn hàng chục xe làm nhiệm vụ hậu cần vận chuyển nhiều loại nhu yếu phẩm. Bộ Tư lệnh Nam bộ khẩn cấp giao nhiệm vụ cho Chi đội 10 (tương đương cấp trung đoàn) và tăng cường Liên quân 17 (tương đương tiểu đoàn) cùng một số phân đội trinh sát, công binh, trợ chiến, du kích của các địa phương vùng đông nam bộ với gần 1.100 cán bộ chiến sĩ để chặn đánh cuộc hành quân.

Nguồn tin cuối cùng của Chi quân báo cho biết chính thức đoàn xe của địch gồm 69 chiếc sẽ rời Sài Gòn vào sáng sớm ngày 1-3-1948 rồi theo quốc lộ 20 (QL) để lên Đà Lạt và đi đầu có 3 xe thiết giáp mở đường. Qua khảo sát địa hình chiến đấu, các ông Huỳnh Văn Nghệ, Chi đội trưởng và Nguyễn Văn Lung, Chi đội phó Chi đội 10 quyết định chọn đoạn QL20 từ cầu La Ngà đến gần thị trấn Định Quán, tỉnh Đồng Nai để phục kích. Đây là chặng đường dài chừng hơn 8 km uốn lượn quanh co theo các cánh rừng âm u, rậm rạp, rất thuận lợi cho công tác mật phục để tấn công bất ngờ.

Các Tiểu đoàn trưởng Tân Uyên, Châu Thành, Xuân Lộc, Long Thành (Chi đội 10) và Liên trưởng 17 được triệu tập triển khai phương án tác chiến và nhận nhiệm vụ cụ thể. Do đoạn đường rừng khá dài nên chỉ huy trận đánh phải chia lực lượng mai phục ra 3 khu vực. Tiểu đoàn Tân Uyên bố trí hai bên cánh rừng từ km 105 đến km108, có nhiệm vụ đánh khóa đuôi đoàn xe của địch; Liên quân 17 rải từ đoạn km 108 đến km 111, chịu trách nhiệm diệt đoàn xe vận tải; Tiểu đoàn Xuân Lộc mai phục đoạn từ km111 đến km 113 sẽ tấn công đoàn xe thiết giáp và lực lượng hộ tống; các đơn vị còn lại cùng với Đại đội 5 (Tiểu đoàn Xuân Lộc) phối hợp với du kích triển khai ở các tuyến xa hơn tại Hồ Hải, Trảng Bom, Bàu Cá... để nổ súng lẻ tẻ nhằm làm chậm trễ cuộc di chuyển của địch.

Việc thực hiện chiến thuật "du kích lẻ tẻ" bởi vì thông thường buổi sáng xe chạy từ Sài Gòn đến đoạn La Ngà-Định Quán lúc 12 giờ trưa. Lúc này tại địa điểm mật phục trời quang đãng, sáng sủa nhưng đến 15 giờ chiều thì mây là đà, giăng mờ khắp cánh rừng nên địch khó phát hiện ra các dấu vết của ta trong quá trình diễn ra cuộc mật phục. Khi bị tấn công thì sự phản kháng của chúng sẽ gặp nhiều hạn chế về định hướng mục tiêu. Mệnh lệnh hành quân từ Chi đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ  phát ra và ngoài các tiểu đoàn trưởng trở lên thì không cán bộ chiến sĩ nào được biết địa điểm cũng như mục tiêu tấn công để đảm bảo yếu tố bí mật...

Xuất kích bên những cánh rừng

 Đêm 26-2, các cánh quân di chuyển về hướng QL20 rồi ẩn nấp ở các vạt rừng và đến chiều 29-2 mới phổ biến công khai địa điểm phục kích đến từng cán bộ chiến sĩ tham gia trận đánh. Sở chỉ huy mặt trận đóng trên đồi 100, gần km 107 QL20 để quan sát được dễ dàng và phát lệnh qua máy thông tin. Sáng ngày 1-3 địch cho máy bay trinh sát bay khá thấp với mặt đường để tìm kiếm những hiện tượng nghi vấn sau đó đoàn xe bắt đầu lầm lũi theo. Khi đến địa phận Trảng Bom, Bàu Cá, chúng nghe những tiếng tiểu liên của du kích từ các bìa rừng nổ thưa thớt thì chúng biết đó là những tiếng nổ của du kích, không có khả năng tấn công nên chúng cũng đáp trả bằng những loạt đạn vu vơ, loạn xạ vào các lùm cây ven đường. Khi chúng nổ súng thì du kích không được đánh mạnh hơn để chúng phải dừng cuộc hành quân, đây là phương án được quán triệt từ trước.

Như dự kiến, chiếc xe thiết giáp đầu tiên trườn tới đoạn mật phục đúng 15 giờ và đợi cho cả đoàn xe địch lọt hết vào cung đoạn của tầm ngắm thì trên đồi cao, Chi đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ phát lệnh tấn công. Những quả địa lôi gài sẵn trên đường được bấm nổ để tiêu diệt các xe thiết giáp, hàng chục xe của chúng hoảng loạn chạy tông va vào nhau nằm ngổn ngang giữa đường, quân ta từ các cánh rừng hoang dã ồ ạt xông lên nổ súng, tung thủ pháo dồn dập vào các xe chở lính. Nhiều xe bốc cháy ngùn ngụt, quân địch ngập ngụa trong đám khói lửa ngút trời. Một số tên nổ súng cầm cự trong giây lát rồi lủi vào rừng, các tên khác giơ tay đầu hàng vô điều kiện...

Cuộc chiến đấu chỉ diễn ra trong 45 phút nhưng ta đã tiêu diệt hơn 150 tên địch với 25 sĩ quan, trong đó có đại tá Pa truite, Tổng tham mưu phó đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương; đại tá De serigne, Chỉ huy bán Lữ đoàn lính lê dương thứ 13, bắt sống gần 300 tù binh, phá hủy hoàn toàn 59 xe quân sự, thu giữ nhiều chiến lợi phẩm... Quân địch bị thiệt hại quá nặng nề trong khi ta chỉ hy sinh 2 chiến sĩ nên sau đó nhiều nghị sĩ của hạ viện Pháp đã chất vấn gay gắt chính phủ và Bộ trưởng quốc phòng Pháp về sự thất bại đắng cay này. Riêng đại tá Thales, Chỉ huy trưởng khu vực Đồng Nai Thượng bị cách chức nên đã tự sát.

Đây là trận đánh đặc biệt xuất sắc của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ lúc bấy giờ. Âm vọng của chiến công không chỉ làm cho đội quân xâm lược ở Đông Dương hoảng hốt mà còn làm cho không ít đại biểu quốc hội Pháp bức xúc, lo ngại về sự thất bại thảm hại này. Cuộc chiến diễn ra dọc tuyến QL20 trên địa bàn một số xã nhưng tượng đài Chiến thắng La Ngà sừng sững trên ngọn đồi 100 tại xã Phú Ngọc, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai, nơi đặt Sở chỉ huy trận đánh đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

THÁI MỸ