Ấn Độ và cuộc chiến chống IS

Thứ sáu, 23/06/2017 11:46

(Cadn.com.vn) - Tổ chức Hồi giáo IS đang gia tăng hoạt động tại Ấn Độ. Với việc đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong cuộc chiến chống IS toàn cầu, New Delhi đang nỗ lực ngăn chặn nhóm cực đoan này tiếp cận người dân Hồi giáo và khiến các phần tử cực đoan Bangladesh mở các cuộc tấn công. Chống IS cũng tạo cho Ấn Độ cơ sở vững chắc để tiếp tục hợp tác an ninh với Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ấn Độ đang phải đối mặt với nguy cơ IS tăng cường tuyển dụng trực tuyến, dẫn đến việc nhiều người dân nước này gia nhập IS và chiến đấu tại Iraq và Syria.

Ngoài ra, New Delhi cũng đang gánh chịu mối đe dọa từ bên ngoài với việc số phần tử cực đoan của Bangladesh đang tăng lên và các phần tử cấp tiến từ Bangladesh có thể lập kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công ở Ấn Độ nếu IS phát triển lớn hơn trong khu vực. Việc IS sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến cho phép các cá nhân và các nhóm nhỏ thu hút sự chú ý đáng kể. Biên giới lỏng lẻo giữa Bangladesh và Ấn Độ và căng thẳng gia tăng ở các trại tị nạn liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya cũng ảnh hưởng đến New Delhi.

Mặc dù Bộ Nội vụ Ấn Độ ước tính chỉ có 75 người Ấn Độ gia nhập IS, tổ chức cực đoan này đang phát triển nhanh ở quốc gia Nam Á này. Bắt đầu từ năm 2014, nhiều người trẻ tuổi đang cố gắng gia nhập IS trực tuyến mà không hề gặp kẻ tuyển dụng. Tháng 5-2014, một nhóm 4 sinh viên kỹ thuật Ấn Độ đến Iraq để gia nhập nhóm - 1 người trở về nước, 2 người đã thiệt mạng, và 1 người vẫn đang tham gia chiến đấu cho IS.

Những người biểu tình ở Kashmiri cầm biểu ngữ tương tự cờ của IS trong cuộc biểu tình ở Srinagar.

Tầm ngắm của IS

IS cố gắng "trồng" những hạt giống bất ổn ở Ấn Độ vào tháng 6-2014 bằng cách đưa quốc gia có dân số lớn thứ 2 thế giới vào bản đồ kế hoạch mở rộng lãnh thổ của nhóm. 6 tháng sau, IS chỉ định cựu chỉ huy Taliban Hafiz Saeed Khan làm thủ lĩnh của nhóm tại "Tỉnh Khorasan", bao gồm cả Ấn Độ. Tuy nhiên, chiến dịch tuyên truyền về Khorasan không có được sức hút đáng kể.

Tháng 12-2014, cảnh sát Bangalore bắt giữ Mehdi Masroor Biswas, kẻ điều hành tài khoản Twitter @ShamiWitness, tuyên truyền của IS. Biswas đã đích thân liên lạc với các thành viên nói tiếng Anh của IS và tài khoản của y có sức hút quốc tế, trong đó có một trong những nghi phạm gây ra cuộc tấn công khủng bố hồi tháng 7-2016 tại Dhaka, Bangladesh.

Tháng 5-2016, IS lần đầu tiên phát hành đoạn băng giới thiệu Ấn Độ, trong đó 1 trong những sinh viên Ấn Độ, Fahad Tanvir Sheikh, kêu gọi tất cả người Hồi giáo Ấn Độ tham gia phong trào thánh chiến tại nước này. Cơ quan điều tra quốc gia (NIA) đột kích một sào huyệt IS ở Hyderabad vào tháng 6-2016 sau khi phát hiện sào huyệt này yêu cầu các hóa chất để chế tạo chất nổ. Các báo cáo thẩm vấn chỉ ra rằng, các nhà hoạch định chiến lược của IS sắp xếp để vũ khí được đưa đến Hyderabad.

Hôm 7-3-2017, một quả bom ống phát nổ trên chuyến tàu chở khách gần Kalapipal, Madhya Pradesh. Bằng chứng từ máy tính của 4 nghi phạm cho thấy, chúng bị cực đoan hóa thông qua mạng trực tuyến. Vào cuối tháng 4-2017, Tiểu ban Chống khủng bố bang Uttar Pradesh và Phòng Cảnh sát đặc biệt New Delhi bắt 3 nghi phạm từ căn cứ của IS, được cho là đang tích cực tuyển dụng. Gần một nửa số thành viên của IS bị bắt tại Ấn Độ liên quan đến nhà tuyển dụng trực tuyến duy nhất: Shafi Armar, còn được gọi là Yusuf-al-Hindi.

Vai trò của Ấn Độ trong cuộc chiến toàn cầu

Ấn Độ có thể trở thành mục tiêu lớn trong các cuộc tấn công nếu đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến toàn cầu chống IS. Các biện pháp chống IS tăng lên ở cả Ấn Độ và trên quy mô toàn cầu có thể làm tăng thêm "nhiên liệu" cho các cá nhân cấp tiến.

Ấn Độ cấm IS vào tháng 12-2014, gần 6 tháng sau khi Nghị quyết 2170 của Hội đồng Bảo an LHQ chính thức lên án nhóm này và gọi các quốc gia thành viên đưa ra hành động chống lại chúng. Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, các quan chức chính phủ Ấn Độ tham gia một số hội nghị thượng đỉnh do Washington lãnh đạo về chủ nghĩa cực đoan và IS. Hiện nay, các nỗ lực chống IS là một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump và Mỹ sẵn sàng hợp tác với các nước mà chống IS là một chiến lược ưu tiên. Nam Á rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại IS và Ấn Độ đóng một vai trò lớn trong chiến lược khu vực của Mỹ. Để hợp tác tốt hơn, New Delhi nên xem xét mở các hoạt động chống khủng bố chung hoặc có thể mở rộng mạng lưới chia sẻ thông tin bao gồm danh sách các đối tượng khủng bố với Washington.

AN BÌNH
(Theo Diplomat)