IS “vươn vòi” ra ngoài Trung Đông

Thứ sáu, 16/06/2017 15:10

(Cadn.com.vn) - Manchester, Nigeria, Baghdad, Kabul, Cầu London, Tehran, Marawi ở Philippines,... nằm trong số nhiều mục tiêu mới đây nhất của nhóm IS trong chiến lược mở rộng hoạt động ra toàn thế giới.

Trong tháng Hồi giáo Ramadan, IS dường như tăng cường các cuộc tấn công. Điều này chứng minh khả năng tiếp cận toàn cầu của những kẻ theo chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, tham vọng của IS trong việc mở rộng lãnh thổ tự trị đã giảm đi trong 2 năm qua. Hiện, các phần tử IS đang cố bám lấy thành trì cuối cùng tại Mosul ở Iraq, nơi nhóm từng tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo vào tháng 6-2014. Tuần trước, lực lượng người Kurd của Syria phát động cuộc tấn công vào Raqqa, thủ đô tự xưng của IS ở miền bắc Syria.

Có phải IS đang tìm cách thay đổi xu hướng chủ đạo, biến mục tiêu không thành công về một thế giới Hồi giáo không tưởng thành động lực chính cho các cuộc tấn công trên toàn thế giới, với vũ khí đôi khi chỉ là dao? Ông Shiraz Maher, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Cường độ và Bạo lực Chính trị (ICSR) tại trường King’s College London cho rằng “IS đồng thời là chất rắn, chất lỏng, chất khí, và có thể thay đổi giữa các dạng này khi cần. Ý tưởng cho rằng IS sắp đến hồi kết là hoàn toàn không chính xác”.

IS tuyên bố thực hiện vụ tấn công ở London hôm 3-6. Ảnh: Reuters

Tăng cường các vụ tấn công

IS phát động các vụ tấn công từ xa. Tại Manchester, hôm 22-5, một kẻ đánh bom tự sát tại buổi hòa nhạc khiến 22 người thiệt mạng. Và vào ngày 3-6 tại London, 3 kẻ tấn công lao xe vào người đi bộ và dùng dao tấn công khiến 8 người thiệt mạng.

Tại Afghanistan, mối đe dọa IS đối với chính quyền trung ương từ lâu được coi là không đáng kể so với Taliban. Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng tăng của IS được cảm nhận vào ngày 31-5 sau vụ đánh bom xe tải ở trung tâm Kabul, giết chết hơn 150 người. Philippines có khả năng biến thành một thành trì mới của IS. Trong 3 tuần qua, binh sĩ Philippine đã chiến đấu với các phần tử IS đang giam giữ 500-1.000 thường dân ở thành phố Marawi. Theo các nhà phân tích, cuộc chiến ở Philippines cho thấy thách thức mà các đối thủ của IS phải đối mặt trên khắp thế giới, đó là: việc loại bỏ các phần tử cực đoan là không đủ.

Các vụ không kích và tấn công quân sự sẽ không thể nhổ sạch gốc rễ của sự cực đoan. Sidney Jones, giám đốc của Viện Phân tích chính sách xung đột ở Jakarta, Indonesia nhận định. “Các chiến thuật tấn công mạnh mẽ chỉ góp phần tạo thêm nhiều phần tử cực đoan, và các phần tử này mong muốn trả thù”.

Thay đổi chiến dịch tuyên truyền

Một phân tích của ICSR gần đây cho thấy, vào giữa năm 2015, trong các chiến dịch tuyên truyền của IS, việc vẽ ra một cuộc sống thiên đường chiếm đến 53% trong khi đó yếu tố chiến tranh chỉ chiếm 39%. Vào tháng 2 vừa qua- khi lực lượng Iraq bắt đầu cuộc chiến giành lại tây Mosul – yếu tố chiến tranh chiếm 80% trong khi chỉ có 14% miêu tả cuộc sống tuyệt vời của Nhà nước Hồi giáo.

Trong bài phân tích hồi tháng 3, Charlie Winter của ICSR cho biết, dù đẩy mạnh các cuộc tấn công ở nước ngoài, IS đang chịu đựng những thất bại liên tiếp ở quê nhà. IS buộc phải hiệu chỉnh lại các tham số chiến lược trong chiến dịch tuyên truyền. Nhóm khủng bố đang chuẩn bị tâm lý cho những kẻ ủng hộ việc để mất đi lãnh thổ, coi đó là sự biến động lịch sử thông thường. Các ấn bản mới nhất của tạp chí điện tử Rumiyah của IS, cho biết thiệt hại này giúp IS “kích động lại ngọn lửa chiến tranh”, và thề sẽ “lấy lại mọi lãnh thổ”.

Các cuộc chinh phục mới

Nằm trong danh sách các công việc IS phải làm là tấn công Iran, để trả thù cho những nỗ lực mà Tehran đã làm để chống nhóm này ở Iraq và Syria. Hôm 7-6, các phần tử IS giết chết 17 người trong các cuộc tấn công nhằm vào hai biểu tượng chính của nước Cộng hòa Hồi giáo: Quốc hội, và lăng mộ của nhà lãnh đạo cách mạng Iran, Ayatollah Ruhollah Khomeini. 6 kẻ tấn công là công dân Iran được trang bị súng trường, lựu đạn và áo khoác tự sát. Chúng đã từng chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria. IS tuyên bố trách nhiệm ngay cả khi vụ tấn công đang xảy ra, và thậm chí quay phim trong khi cuộc tấn công vẫn tiếp diễn.

An Bình
(Theo CSMonitor)