Ẩn họa từ thực phẩm bẩn (3)

Thứ tư, 07/10/2015 10:03

* Kỳ cuối: "Biến" hàng bẩn, kém chất lượng thành… hàng sạch

(Cadn.com.vn) - Bột ngọt, tương ớt, cà pháo... là những mặt hàng được sử dụng hằng ngày trong từng bữa ăn của mỗi gia đình. Thế nhưng, chỉ vì lợi nhuận, không ít cơ sở thực phẩm, hộ tiểu thương đã "chế tạo" ra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP xâm nhập, len lỏi vào thị trường, mâm cơm, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Không chỉ chất lượng, ai dám chắc sản phẩm này đối tượng phạm tội không sử dụng hóa chất, dẫn đến người tiêu dùng sử dụng sẽ mắc nhiều chứng bệnh...

Từ bột ngọt giả…

Với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, trong 8 tháng đầu năm 2015, nhóm đối tượng do Vũ Thị Minh Vân (1966, trú tổ 50 , P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đứng đầu đã sử dụng bột ngọt Trung Quốc giá rẻ rồi "hô biến", "phù phép" thành bột ngọt có thương hiệu tung ra thị trường kiếm lợi bất chính chỉ sau vài công đoạn. Do không thể phân biệt được thật -  giả, không ít người tiêu dùng đã phải lãnh hậu quả: Sử dụng hàng kém chất lượng mà không hề hay biết. Để thực hiện hành vi, Vân đã giao dịch để lấy nguyên liệu bột ngọt Trung Quốc từ kho của Cty TNHH Xuân Thành Tiến (P. Thuận Phước, Q. Hải Châu).

Sau đó nhờ nhân viên của Cty này chở về nhà mình để làm giả thành bột ngọt hiệu A-one. Trung bình mỗi lần "giao dịch", nhân viên Cty chở cho Vân khoảng 1 tấn bột ngọt giả. Có "hàng" trong tay, Vân "chỉ đạo" các đối tượng trong đường dây sử dụng nguyên liệu mì chính Trung Quốc trộn cùng với muối, sau đó dùng dụng cụ sang chiết mì chính vào bao bì giả sản phẩm của bột ngọt hiệu A-one. Khâu cuối cùng, chúng cho cân khối lượng làm sao để tương đối trùng khớp với khối lượng tịnh của sản phẩm thật rồi dùng máy ép mí bao bì trước khi đóng vào thùng cát-tông thật của bột ngọt  A-one tung ra thị trường tiêu thụ.

Ngày 5-8, sau khi nắm rõ phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng, Phòng CS quản lý Kinh tế và Chức vụ - CATP Đà Nẵng đã phục kích số nhà 197 đường Trường Chinh và bắt quả tang các đối tượng: Quang Vũ Khánh Ngọc (1995), Võ Văn Toàn (1996, đều trú Q. Liên Chiểu) và Quang Vinh Đông (1962, trú P. Thanh Khê Tây) đang vận chuyển 24 thùng bột ngọt đi giao cho khách hàng. Khám xét tại hiện trường, lực lượng CA tạm giữ 2.730 gói bột ngọt hiệu Aone loại 100g; hơn 450g cùng 13kg nguyên liệu làm bột ngọt (chưa đóng gói) cùng 4.500 mẫu bao bì giả và nhiều vật chứng khác.

Qua khai thác đấu tranh, cơ quan CA xác định: Vân là đối tượng nhận đơn đặt hàng của Quân với số lượng là 50 thùng bột ngọt loại 453,6g với tổng số tiền trên 60 triệu đồng. Sau khi nhận đơn đặt hàng, Vân "lệnh" cho Ngọc và Toàn tiến hành sản xuất 19 thùng bột ngọt giả. Cùng thời gian, Vân "chỉ đạo" thêm Quang Vũ Khánh Hà (1990) tham gia sản xuất 31 thùng bột ngọt. Do làm chậm, Hà đã gọi Đông trợ giúp để Vân kịp giao hàng cho Quân. Thông thường sản phẩm làm giả chủ yếu là gói bột ngọt có trọng lượng 100g, 400g, 453,6g và 1kg. Bất kể thời gian nào, khi có "đối tác" đặt hàng, lập tức Vân điều người tiến hành sản xuất vào buổi chiều và tối hôm trước để giao hàng vào ngày hôm sau.

Số bột ngọt giả được cơ quan công an thu giữ.

Trước đó không lâu, CAQ Ngũ Hành Sơn tiến hành kiểm tra hành chính tại nhà ông Nguyễn Văn Điềm (1951, trú tổ 59, P. Hòa Quý) và đã phát hiện Nguyễn Văn Long - (1981, trú tổ 59, P. Hòa Quý, con trai ông Điềm) có hành vi làm giả bột ngọt nhãn hiệu A-one. Ngoài ra, lực lượng làm nhiệm vụ còn phát hiện nhiều bao tải màu trắng ghi chữ Trung Quốc bên trong chứa 2.300 kg chất gia vị bột ngọt và 2.031 kg gia vị bột ngọt Trung Quốc đã bỏ vào bao bì in sẵn nhãn hiệu A-one. Theo khai nhận của Nguyễn Văn Long thì số bột ngọt nói trên đối tượng mua tại bến xe Đà Nẵng và chủ yếu hàng xuất xứ từ Trung Quốc sau đó đem về bỏ vào nhãn A-one có gói từ 100 - 450 gam. Sau khi đóng bao, Long cho vào thùng rồi chở đi các nơi như Quảng Nam, Đà Nẵng để tiêu thụ.

Qua đó có thể thấy, một lượng lớn bột ngọt giả đã được tung ra thị trường, và vô số người tiêu dùng từng lãnh hậu quả khi mua sản phẩm về dùng nhưng không hề hay biết thật giả.

...Tương ớt, cà pháo bẩn

Mới đây, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường - CATP Đà Nẵng kiểm tra và phát hiện cơ sở sản xuất tương ớt của bà Đoàn Thị Hồng (1977) tại số 8 đường Mộc Bài 8, Q. Liên Chiểu đang sản xuất, chế biến tương ớt không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, trong nhà bà Hồng có 20 can đường nước (30kg/can), 2 thau chứa tương ớt thành phẩm chưa đóng gói (30kg/thau). Tất cả sản phẩm đều để dưới đất, sàn nhà, không có kệ ngăn theo quy định. Đặc biệt, trên một lô đất trống cạnh nhà có khoảng 5 tấn tương ớt được đóng trong bao và che bạt rất sơ sài. Khi mở ra kiểm tra, các bao chứa tương ớt có mùi hôi thối bốc lên, phía trên có một lớp váng, nhầy nhụa hầu hết các bao bị bục phần phía ngoài, dính đất cát, không có dụng cụ che chắn đủ tiêu chuẩn để ngăn côn trùng.

Trong nhà bà Hồng, lực lượng công an còn phát hiện có 35 bao đường phèn (40kg/bao). Theo lời khai của bà Hồng, sau khi chế biến thành phẩm, các lọ tương ớt sẽ được dán nhãn "cơ sở sản xuất gia đình tương ớt rim" mang tên Thời có địa chỉ tại đường Nguyễn Khuyến, Q.Liên Chiểu. Theo các hộ dân sống trong khu vực cho hay, vào thời điểm cơ sở này hoạt động thì người dân phải hứng chịu mùi hôi, khói bụi. Những lúc thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều hoặc nắng to thì bãi tập kết nguyên liệu, sản phẩm của cơ sở này bốc lên mùi ẩm mốc, hôi thối, xuất hiện nhiều côn trùng như ruồi nhặng. Sản xuất như vậy không biết ăn vào thì sẽ thế nào...

Sản phẩm "bẩn" tại các cơ sở chế biến.

Trước đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - CATP cũng đã tiến hành kiểm tra Cty TNHH Yến Hải Thanh (P. Thanh Bình, Q. Hải Châu) do bà Ngô Thị Ngọc Yến (1941)  chuyên sản xuất các loại mực tẩm, bò tẩm và các loại mắm: tôm, cà, ruốc…. Tại hiện trường, cơ quan công an đã phát hiện hơn 50 kg cà pháo chua đã hỏng, có dòi, bốc mùi hôi thối; 300 kg xác mắm đã hóa dòi, bốc mùi hôi thối; khoảng 100 kg mực tẩm chưa đóng gói để trên sàn nhà cạnh phòng vệ sinh; 11 thùng mắm ruốc để ngoài trời, trên nắp có nhiều phân chuột. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số nguyên liệu chế biến không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Qua những vụ việc trên cho thấy, những sản phẩm bị phát hiện chỉ là con số rất nhỏ so với những gì đã đi vào dạ dày nhiều người. Bởi người tiêu dùng không tự nhận biết được thực phẩm sạch, còn trông chờ vào kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng thì thường "cứ kiểm tra là ra sai phạm". Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2 triệu người tử vong vì các vấn đề liên quan đến việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Hiện nay, tỷ lệ ung thư của Việt Nam được đánh giá là cao nhất thế giới. Báo cáo của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam cũng chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư có thể do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hằng ngày…

T.Dũng