Án ly hôn tăng cao - thực trạng đáng báo động

Thứ ba, 04/04/2017 09:34

Tình là sợi tơ!

(Cadn.com.vn) - Những năm qua, ngành tòa án liên tục báo động về tình trạng án ly hôn tăng, đặc biệt là đối với những cặp vợ chồng trẻ... Có thời điểm, tỷ lệ  án ly hôn ở một số tòa án cấp quận, huyện chiếm tới 50 - 60% án dân sự. Điều này cho thấy mối quan hệ hôn nhân đang trở nên mong manh và đáng lo ngại là vấn đề hậu ly hôn sẽ để lại nhiều hệ lụy xã hội.

Theo TAND TP Đà Nẵng tổng hợp, năm 2015 thụ lý và giải quyết 2.531 vụ, năm 2016 giải quyết khoảng hơn 2.800 vụ, đặc biệt phần lớn các vụ ly hôn do phụ nữ chủ động đứng đơn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ly hôn tăng cao được xác định là do mâu thuẫn gia đình, kinh tế khó khăn, ngoại tình, bạo hành vợ con và các loại tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, sự thiếu gắn bó giữa các cặp vợ chồng; thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống cũng như ứng xử giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa hai bên nội ngoại... cũng dễ đẩy các cuộc hôn nhân đến bờ vực thẳm.

Thực trạng ly hôn hiện nay ở các địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn đang ngày càng gia tăng trong đó địa bàn Q. Hải Châu chiếm tỷ lệ khá cao. Theo thống kê của TAND Q. Hải Châu (Đà Nẵng), trong 3 tháng đầu năm 2017 đã thụ lý 361 hồ sơ xin ly hôn, tăng 88 vụ so với cùng kỳ năm trước. Số vụ ly hôn trong các gia đình trẻ tăng đáng kể, trên 60% số vụ ly hôn thuộc về các cặp vợ chồng từ 22-30 tuổi, nhiều vụ ly hôn khi mới kết hôn từ 1-5 năm.

Thụ lý đơn xin ly hôn của chị N.T.T. (1992) và anh N.V.M. (1983, cùng trú Q. Hải Châu), những người làm công tác xét xử không khỏi ngỡ ngàng, vì họ vừa mới đăng ký kết hôn. Khi được hỏi tại sao lại muốn ly hôn, chị T. thẳng thắn, quen nhau chưa đầy 3 tháng, vì lỡ có thai nên... phải cưới. Nhưng khi sinh con xong, chồng chị say xỉn tối ngày, cờ bạc, không lo làm ăn, mỗi lần nhậu say về là kiếm cớ chửi bới, đánh đập vợ, không chịu đựng được nữa nên chị làm đơn ly hôn và bế con về nhà cha mẹ đẻ ở.

Khi tìm hiểu về thực trạng trên, P.V từng gặp một cô gái đến nộp đơn ly hôn tại TAND Q. Hải Châu, tôi thắc mắc sao còn trẻ mà vội ly hôn, cô gái trình bày: “Em sinh năm 1996, chồng bằng tuổi luôn, tụi em cưới được 1 năm... mà hết yêu rồi thì ly hôn. Còn trẻ mà chị...”. Đa số lý do dẫn đến ly hôn được trình bày trước tòa, những người liên quan đều cho rằng, trong quá trình chung sống vợ chồng không hòa hợp, luôn bất đồng quan điểm nên phát sinh mâu thuẫn, vợ chồng không còn yêu thương, quý trọng, chăm sóc lẫn nhau vì vậy tình cảm vợ chồng ngày càng rạn nứt trầm trọng hay chồng suốt ngày say xỉn đánh đập vợ con... và rồi “đường ai nấy đi”.

Một phiên tòa ly hôn tại TAND Q. Hải Châu.

Cha mẹ ly hôn, hậu quả con gánh

(Cadn.com.vn) - Đằng sau các vụ ly hôn không chỉ là một gia đình bị đổ vỡ mà còn kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống của những người trong cuộc và con cái họ. Cha mẹ ly hôn đôi khi là mắt xích đầu tiên dẫn tới hàng loạt hệ lụy mà con trẻ phải gánh chịu sau này. Thực tế đã cho thấy, sau khi ly hôn, có những cặp vợ chồng xem nhau như kẻ thù và nhiều người quay ra trút hận lên con cái. Và tình trạng phổ biến nhất thời kỳ hậu ly hôn (nhất là những trường hợp đã “chia” con), cha mẹ trở nên hằn học lẫn nhau để rồi con trẻ bị cha hoặc mẹ cấm đoán gặp người còn lại. Thậm chí nhiều phụ huynh còn gieo rắc vào đầu trẻ những điều xấu về cha hoặc mẹ khiến con trẻ bị tổn thương nặng nề.

Như trường hợp của cháu N.T.A (9 tuổi), bố mẹ ly hôn đã hơn một năm, vì có điều kiện hơn nên bố cháu A. được quyền nuôi con. Từ đó, A. bị bố cấm đoán không cho gặp mẹ. Đứa trẻ hồn nhiên, non nớt nhớ mẹ nhưng không dám đòi hỏi vì... sợ ba.  Hậu quả của ly hôn không chỉ là sự đổ vỡ của một gia đình mà kéo theo sự thiếu quan tâm giáo dục đến con cái, nhiều em hư hỏng, học hành không đến nơi đến chốn và là gánh nặng cho xã hội. “Nạn nhân” của những cuộc hôn nhân này chính là những đứa trẻ vô tội bị tác động tâm lý nặng nề vì thiếu tình thương của cha mẹ.

Người viết có điều kiện tiếp xúc với nhiều thanh thiếu niên vi phạm pháp luật thì phần lớn khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình đều cho biết, do ba mẹ ly dị, không quan tâm... nên chán đời, tụ tập ăn chơi, quậy phá để “trả thù”. Ví dụ như trường hợp của A.T bị bắt quả tang sử dụng ma túy nhưng luôn tỏ ra lì lợm, bất cần và khi được hỏi tại sao chỉ mới ở tuổi vị thành niên mà đã sử dụng ma túy, T. trả lời nhát gừng: “thích thì dùng”. Qua tìm hiểu mới biết do bố mẹ ly hôn, T. sống với mẹ nhưng không được quan tâm đúng cách, mẹ T. cứ nghĩ bù đắp sự thiệt thòi của con bằng tiền nên hậu quả đau lòng là A.T dính ma túy.

Hậu quả của việc ly hôn không chỉ là chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa hai người mà nó còn kéo theo các hệ lụy khác: Hạnh phúc gia đình đổ vỡ, những đứa trẻ bị tổn thương về tình cảm của bố hoặc mẹ, thiếu tự tin trong cuộc sống để rồi việc vướng vào các tệ nạn xã hội... Ly hôn là giải pháp cuối cùng và chẳng đặng đừng nên nếu phải chia tay, người trong cuộc nên bình tĩnh giải quyết vấn đề của người lớn một cách sáng suốt, tránh làm tổn thương lẫn nhau và đặc biệt là con cái.

T.H