An ninh Quảng Đà, đôi dòng ký ức (Kỳ 4: Chiếc nồi gò từ ống pháo sáng)
Hải, chủ nhân trẻ tuổi của một khu du lịch sinh thái ở xứ dừa Cẩm Thanh (TP Hội An, Quảng Nam) nói với tôi, sẽ biến khu du lịch của anh thành một “Nam Bộ thu nhỏ”. Tôi giật mình nhận ra, Cẩm Thanh hầu như chẳng giống bất cứ vùng cửa sông ở miền Trung, mà lại giống cảnh quan đâu đó ở miền Đông Nam Bộ, nhất là cây dừa nước xứ này. Trung tướng Lê Ngọc Nam, một người con của Cẩm Thanh say mê với cảnh sông nước quê mình, cũng rất tò mò về giống cây tưởng như đã quá thân thuộc với ông.
Trung tướng Lê Ngọc Nam và các cơ sở nuôi giấu lực lượng an ninh tại Hội An bên kỷ vật của anh hùng Phan Ngọc Nhân. |
Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, Trung tướng Lê Ngọc Nam mới mười mấy tuổi, làm liên lạc, hoạt động trong lực lượng an ninh ở xứ dừa Cẩm Thanh, hay còn gọi là rừng dừa Bảy Mẫu. Lúc đó ở Hội An có hai đơn vị, gồm Ban An ninh thị xã Hội An và Đội trinh sát vũ trang An ninh Quảng Đà tại Hội An; một trực thuộc thị ủy Hội An, một trực thuộc Ban An ninh Quảng Đà. Trung tướng Lê Ngọc Nam nhớ lại: Hồi trước xứ này bị pháo kích liên tục suốt ngày đêm. Ban ngày, đạn pháo từ biển bắn vào hủy diệt. Ban đêm, pháo sáng rực trời để truy tìm quân giải phóng. Các hộ dân hầu như phải dạt đi nơi khác, không ai chịu nổi, chỉ còn vài hộ thưa thớt bám trụ. Nhưng rừng dừa vẫn xanh tốt lạ lùng, che chở du kích, bộ đội, an ninh hoạt động, ra quân đánh giặc, có những trận đánh chấn động cả chiến trường.
Trong số những sự kiện gây chấn động Hội An những năm 60 ở Hội An, không thể không kể đến một nhân vật đặc biệt: Phan Ngọc Nhân, quê ở Điện Bàn, Đội trưởng Trinh sát vũ trang An ninh Quảng Đà.
Cựu thành viên Ban An ninh thị xã Hội An thắp hương tại ban thờ ông Súc, người đã giúp Phan Ngọc Nhân tiêu diệt tên Lư. |
Chúng tôi nghe vô số chuyện về Phan Ngọc Nhân nhưng điều đáng tiếc nhất là không tìm được một bức ảnh nào về người anh hùng kiệt xuất này. May thay, tại một xóm nhỏ ở Cẩm Thanh có hai người phụ nữ, vẫn giữ một kỷ vật quý báu: Chiếc nồi gò từ ống pháo sáng, do chính tay Phan Ngọc Nhân làm tặng cho gia đình. Đó là chị em bà Lê Thị Tư và Lê Thị Chớt, những người từng nuôi giấu nhiều cán bộ nằm vùng ở Cẩm Thanh. Bà Lê Thị Tư kể: “Anh Nhân ở trong hầm bí mật trong nhà tui. Cả nhà thay nhau nấu cơm, ngụy trang công sự, mở nắp hầm. Chị em tôi hồi đó cũng tham gia. Hồi đó, chuẩn bị đi hoạt động ở vùng khác, anh Nhân lấy ống pháo sáng, gò thành cái nồi tặng cho gia đình”.
Đó là một chiếc nồi khá nhỏ, nhưng hóa ra lại là hiện vật hiếm hoi còn sót lại của anh hùng Phan Ngọc Nhân, một nhân vật được đặt tên đường ở Hội An.
Trở lại dòng lịch sử, ngày 8-3-1965, quân xâm lược viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, đánh dấu bước leo thang mới trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng thời, biến Quảng Đà thành một trong những chiến trường ác liệt nhất trên toàn miền Nam. Trước sức tấn công hủy diệt của đạn bom và chiến tranh tâm lý, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, kể cả lực lượng vũ trang, bắt đầu biểu hiện tâm lý sợ Mỹ, sợ chiến tranh. Đó cũng là lúc những tên ác ôn khét tiếng xuất hiện, uy hiếp, đe dọa người dân, gây ra không biết bao nhiêu tai ương. Lúc này, ở Hội An xuất hiện tên Lư, Đồn trưởng Đồn Gành, án ngữ Cửa Đại, tức là đường ra biển của ngư dân Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn...
Nhắc đến tên ác ôn này, ông Phan Xuân Bán, quê ở Hội An, cựu chiến sĩ Ban An ninh thị xã Hội An, kể: “Thằng Lư ni quê ở đâu không rõ, tự nhiên xuất hiện ở Hội An, bà con mình rất ghét, nhưng cũng rất sợ hắn. Hắn ở Đồn Gành canh chừng, hễ ai ra biển buổi sáng là hắn đuổi về, không cho đi, bắt phải sau 8 giờ sáng mới được ra biển, mà lúc đó thì đánh bắt gì nữa. Ai liều trái lệnh là bắn chết liền. Cả một vùng dọc sông Thu Bồn, nghe tới tên Lư, ai cũng sợ. Hồi đó, anh Nhân đi xây dựng ông Súc làm cơ sở, tạo điều kiện để anh em giết thằng Lư, ông Súc còn nói rằng, nếu cách mạng có đạn vàng thì ông mới giúp, vì thằng này bắn bằng đạn thường không chết được!”.
Trước sự tác oai tác quái của tên ác ôn, An ninh Quảng Đà ra lệnh tiêu diệt, trừ hại cho dân. Nhiệm vụ này được giao cho Đội trinh sát vũ trang An ninh Quảng Đà tại Hội An, do đội trưởng Phan Ngọc Nhân trực tiếp thực hiện. Đêm 20-5-1965, Phan Ngọc Nhân được cơ sở bố trí ém mình trong đống rác, chờ tên Lư đến là nổ súng. Tuy nhiên, sáng hôm đó, Lư không đến. Phan Ngọc Nhân vẫn mai phục trong đống rác. Bỗng nhiên lũ kiến lửa mò tới, mỗi lúc một đông, bu kín đống rác nơi Phan Ngọc Nhân ẩn nấp. Anh bị kiến cắn phồng rộp hết cơ thể… Liên tục bị kiến lửa tra tấn từ sáng đến chiều, Phan Ngọc Nhân quyết không rời vị trí.
Đến khoảng 3 giờ chiều hôm đó, tên Lư xuất hiện, có thêm một toán lính đi theo bảo vệ. Toán lính này ra sông tắm, còn Lư đi vào một ngôi nhà để ăn uống. Đúng lúc đó, Phan Ngọc Nhân vùng ra khỏi nơi ẩn nấp, bắn một loạt đạn, Lư vùng chạy ra, chỉ được vài mét thì chết ngay gốc dừa. Toán lính đi cùng Lư, nghe tiếng súng nổ, hoảng hồn chạy hết.
Chiếc nồi làm từ ống pháo sáng, kỷ vật của Phan Ngọc Nhân. |
Sau khi tiêu diệt tên Lư, Phan ngọc Nhân bơi qua sông Thu Bồn. Anh được cơ sở chèo thuyền theo đường bí mật về lại rừng dừa Bảy Mẫu. Anh được gia đình bà Tư, bà Chớt chăm sóc vết thương do kiến cắn. Trận đánh của Phan Ngọc Nhân tiêu diệt tên Lư chấn động khắp triền sông Thu Bồn, bà con nghề biển khắp một vùng Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc từ đó có thể ra biển mưu sinh. Trận đánh này đã khẳng định sự có mặt của lực lượng giải phóng ngay trong vùng địch chiếm, góp phần quan trọng xua tan tâm lý sợ chiến tranh trong một bộ phận nhân dân, từ đó đưa phong trào đi lên...
Nhưng với riêng Phan Ngọc Nhân, trận đánh lớn nhất cuộc đời ngắn ngủi của anh vẫn chưa thực sự diễn ra.
4 năm sau ngày tiêu diệt tên Lư, đêm 22-2-1969, An ninh vũ trang Quảng Đà phối hợp với các đơn vị vũ trang tổ chức trận đánh X2, xuân Kỷ Dậu, đánh vào các cơ quan, đồn trú địch tại Hội An. Phan Ngọc Nhân dẫn đầu cánh quân tấn công trung tâm chiêu hồi và cơ quan dân ý vụ (thực chất là cơ quan CIA tại Hội An). Sau gần một giờ tấn công, lực lượng trinh sát vũ trang làm chủ trận địa, chiếm mục tiêu.
9 giờ sáng hôm sau, địch phản kích, điều động 3 đại đội địa phương quân, 1 tiểu đoàn chủ lực thuộc trung đoàn 51, có xe tăng yểm trợ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, hai bên giằng co từng căn nhà, góc phố. Đến 17 giờ ngày 23-2-1969, trước hỏa lực mạnh, quân số áp đảo của Mỹ - ngụy, Phan Ngọc Nhân lệnh cho toàn đơn vị rút lui, một mình anh ở lại cản bước quân thù. Lúc này anh đã bị thương, vẫn dùng một lúc 2 khẩu súng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Sau khi Phan Ngọc Nhân hy sinh, gia đình bà Tư, bà Chớt, cùng nhân dân, đồng đội quá tiếc thương, nhưng đành nuốt nước mắt vào trong. Sau này, gia đình bà Tư, bà Chớt lập một am thờ nhỏ, gọi hồn Phan Ngọc Nhân vào thờ. Nhưng, theo lời kể của gia đình, xin keo lần đầu không được, các bà ra trách, bảo sao sống ở đây mà chết không về đây. Sau đó xin keo lại thì được, những đồng tiền xin keo có đủ hai mặt âm dương...
(còn nữa)
Phóng sự: NGUYỄN LÊ