Ăn theo DIFC, 2 khoảng sáng-tối

Thứ năm, 30/04/2015 07:45

(Cadn.com.vn) - Nhìn một cách tổng thể, DIFC năm nào cũng vậy, cái được luôn nhiều hơn mất. Song nhìn thẳng vào sự thật, trong mỗi lễ hội DIFC, vẫn còn lời đồn ra tán vào, bởi những "hạt sạn" mà các ngành chức năng chưa "đãi" sạch. Những câu chuyện phóng viên chúng tôi ghi lại từ Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế 2015 này dù không mấy "đao to, búa lớn", nhưng cũng là bài học để mỗi người ngẫm lại mình, đừng vì chút lợi trước mắt mà mất đi hình ảnh của Đà Nẵng vốn đã và đang rất đẹp, rất đáng sống trong lòng du khách muôn phương...

Hàn Giang tối qua (29-4) rồi cũng phải bịn rịn chia tay du khách trong nước, bè bạn quốc tế sau "bữa tiệc" ánh sáng của "Bản giao hưởng sắc màu" của đội Úc và "Đam mê của chúng tôi, cảm xúc của các bạn" mang đến từ đội Ba Lan. Ai cũng nhìn thấy rõ sự luyến tiếc, dùng dằng trong đêm giã bạn ven đôi bờ sông Hàn rực rỡ đèn màu, hoa đăng lấp lánh. Hầu như mọi người ra về trong niềm vui bất tận, song cũng còn không ít du khách ấm ức trong lòng, bởi đã từng phải ăn quả đắng bởi những dịch vụ ăn uống "nóng" ngang ngửa vé vào khán đài xem pháo hoa.

 

Lúc 23 giờ 20 đêm ngày 28-4, tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu Thuận Phước xảy ra. Bản thân tôi là một du khách đến Đà Nẵng và nhiều người dân đang mắc kẹt trên cầu rất cảm động và ghi nhận hình ảnh một vị Đại tá Công an đích thân đứng ngay giữa dòng xe cộ cùng các chiến sĩ điều phối, xử lý tình trạng ùn tắc nói trên... Cũng nhờ có sự can thiệp tích cực này mà đến 23 giờ 45, tình trạng ùn tắc trên cầu đã được giải quyết triệt để.  Sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết đó là Đại tá Lê Văn Tam, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng. Bản thân tôi thay mặt cho bạn bè và du khách một lần đến Đà Nẵng xem pháo hoa xin cảm ơn Đại tá Lê Văn Tam và lực lượng công an TP Đà Nẵng đã nỗ lực bảo vệ ANTT và ATGT cho lễ hội pháo hoa năm nay.

Xin gửi đến Báo Công an TP Đà Nẵng những hình ảnh mà chúng tôi ghi lại được trong đêm pháo hoa đáng nhớ này.

Hoàng Việt Hùng

(Số 62- Ngõ Trúc Lạc, phố Phó Đức Chính, Q.Ba Đình, TP Hà Nội).

Cơ hội "quá trớn"

Với những người dân và du khách yêu "đại tiệc" ánh sáng của DIFC, nếu không sắm được tấm vé vào khán đài thưởng thức những "lời tự tình" của các đội thi đều lên kế hoạch tìm cho mình một nơi hưởng thụ khác, hoặc tìm những ngôi nhà cao tầng, quán nhậu, bãi đất trống ven sông. Có người hài lòng, nhưng cũng không ít người thất vọng vì những dịch vụ ăn theo.

Bên cạnh các "cò" vé chuyên sưu tầm vé mời bán cho khách kiếm chênh lệch, dịch vụ bán kẹo cao su, bóng bay, bánh mỳ, nước uống..., cách kiếm tiền "hót" nhất trong những dịp diễn ra DIFC phải nói tới các quán nhậu, dịch vụ giữ xe tự phát, bán chỗ ngồi tại các khu nhà cao tầng, khu đất trống ven sông.

Năm nào cũng vậy, mọi mét vuông những khu nhà dân ven đôi bờ sông Hàn đều hái ra tiền trong các đêm DIFC diễn ra. DIFC 2015 cũng không khác, họ nhân cơ hội "móc túi" người dân và du khách mỗi đêm tiền triệu, thậm chí có nhà sân, vườn rộng có thể kiếm vài triệu ngon ơ. Đã đành có cầu ắt có cung, nhưng với mức giá "trên trời", người nơi khác tới xem pháo hoa dù chấp nhận, nhưng không thể không ấm ức. Mấy mùa DIFC gần đây, dù quy định giá vé giữ mô-tô chỉ 5.000 đồng/chiếc, nhưng hầu hết các hộ gia đình, cá nhân tham gia giữ xe tự phát đều thu từ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc. Có điểm ra giá bằng miệng tránh các đoàn kiểm tra liên ngành xử phạt, nhưng cũng có điểm công khai trưng biển thu giá. Theo quan sát của chúng tôi, dọc các ngả đường sát chân cầu Thuận Phước, những con đường tiếp giáp với tuyến Trần Hưng Đạo, có tới cả trăm điểm giữ xe tự phát, có nơi họ tận dụng không gian của những khu đất trống chưa xây nhà để giăng dây giữ xe. Với người xem, thôi thì chịu thiệt chút đỉnh để được có cơ hội thưởng thức "bữa tiệc" ánh sáng trên sông.

Biết sẽ có nhiều khách có nhu cầu thuê chỗ ngồi xem pháo hoa các đêm, rất nhiều khách sạn mini, ban công nhà cao tầng đã tận dụng tối đa chiều cao của tòa nhà để bán cho du khách. Hầu hết chỗ ngồi của các khu nhà này, từ tầng 3 tầng 6 giá dao động từ 150-300.000 đồng/chỗ. Vào vai khách chiều tối 29-4, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn "mua" chỗ ngồi cho 15 người tại tầng 4 tòa nhà gần khán đài B2, một chủ nhà cho hay: "Nếu đúng 15 người thì 150.000 đồng/chỗ, còn dưới 10 người thì 200.000 đồng/chỗ". Chủ nhà này cho hay, nếu giờ không quyết định, cũng chẳng ai có vé mà bán cho xem, mà có cũng tốn năm bảy trăm ngàn/vé. Mà vào trong, cũng chỉ xem rõ hơn chút ít pháo hoa dưới mặt nước mà thôi.

Quán T. "đè" khách  20.000 đồng/lon bia cùng mồi nhậu giá "trên trời".

Ở khu đất trống đầu đường Trần Hưng Đạo (gần cầu Thuận Phước), người dân lại có một cách làm dịch vụ khác. Tận dụng những chiếc ghế nhựa hoặc tấm bạt của gia đình, họ đua nhau gồng gánh ra đặt sát bờ sông để "bán" cho khách mỗi ghế từ 30-40.000 đồng. Cũng tại đây, người cho thuê chỗ ngồi còn kiêm thêm dịch vụ bán nước suối, "đè" người xem có nhu cầu từ 10-15.000 đồng, trong khi đó giá mua tại quán tạp hóa chỉ 5.000 đồng/chai.

Có lẽ, trong tất cả các dịch vụ ăn theo, quán nhậu quanh khu vực diễn ra cuộc trình diễn DIFC vẫn là nóng nhất, nhưng cũng là dịch vụ khiến người xem ấm ức nhiều nhất. Tối 28 và 29-4, tại quán nhậu T. gần khu khán đài, chủ quán sẵn sàng "xin" mỗi lon bia Laru 20.000 đồng, dù ngày thường chỉ 10.000-12.000 đồng/lon. Cũng tại quán này, các loại mồi nhậu cũng tăng tiền theo cấp số nhân. Một du khách phân bua, chỉ một dĩa thịt ba chỉ, ngang chừng hơn 1 lạng cộng thêm đĩa rau nhỏ, nếu mua ở chợ về làm chỉ hết chừng 15 đến 20.000 đồng thì quán nhậu này "chém" 150.000 đồng/dĩa. Đi đông người, lỡ gọi và không hỏi giá nên đành chịu. Có điều bán "cắt cổ" như vậy, chắc cũng lần một coi như xin cáo từ, muôn năm không tới nữa.

Những câu chuyện đẹp

Nói đi cũng nói lại, có những người cơ hội, nhưng không phải đa số. Nhiều cá nhân, hộ gia đình cũng làm dịch vụ, nhưng để lại nhiều ấn tượng cho du khách. Qua 2 đêm diễn ra DIFC 2015, chúng tôi đếm có cả chục quán nhậu ven đường Trần Hưng Đạo (quán đang hoạt động có, quán hộ dân mở ra kinh doanh dịp lễ có), công khai giá bán hàng, bia, nước giải khát chỉ cao hơn so với đại lý 1.000-2.000 đồng/chai, lon; món nhậu cũng với giá bình dân, 30.000 đến 70.000 đồng/dĩa, tùy loại, được nhiều khách ghé vào. Chủ quán số 11... Trần Hưng Đạo nói: "Thà mấy ngày lễ hội, chúng tôi lời ít, nhưng bù lại khách sẽ đông, còn nếu cứ tặc lưỡi hòng kiếm thu nhập kiểu ăn xổi, bắt chẹt khách, mang tiếng lắm". Du khách người Canada, chị Helen cùng những người bạn 2 đêm liền đến xem pháo hoa đều ghé quán này bởi cách kinh doanh bình dân, mến khách. Chị Helen nói: "Mấy ngày du lịch tới Đà Nẵng, có khi tôi uống giải khát vài lon bia tại những nơi khác giá cũng 11.000-12.000 đồng/lon, nhưng tại khu vực xem pháo hoa, chủ quán cũng chỉ bán giá 10.000 đồng/lon, rất hợp lý. Trong khi đó, nhiều nhà dân khẳng định "thương hiệu" của người Đà Nẵng mến khách bằng cách cho nhiều nhóm người mượn không gian tầng nhà cao của mình xem pháo hoa miễn phí, hoàn toàn khác với những người cơ hội, ra giá vài trăm ngàn/chỗ".

Hay câu chuyện của anh Phước Tuấn, trú khu chung cư 3B P. Nại Hiên Đông thường ngày sống bằng nghề xe thồ cũng là một minh chứng cho nét đẹp người Đà Nẵng trong DIFC. Trước và sau mỗi đêm thi, anh thường dùng xe máy trung chuyển người đi bộ đường xa đến khu vực các khán đài với mức giá vừa phải - 10.000 đến 20.000 đồng/người (quãng đường khoảng 2-3km), nhưng về khuya, nhiều người quá mệt mỏi, nhất là người già, anh sẵn sàng vận chuyển miễn phí coi như làm phước cho con cháu. Rồi cô Huyền, bà Loan, anh Hải..., nhà gần khu vực UBND P. Nại Hiên Đông, thấy các đoàn khách từ Quảng Nam, Huế không có chỗ gửi xe sẵn sàng cho để nhờ mà không cần thu đồng tiền nào. Hành động của mọi người khiến du khách tới với DIFC cảm động khôn xiết.

Những câu chuyện dịch vụ trong DIFC 2015 chúng tôi ghi nhận được, tưởng chừng chỉ rất nhỏ, song ngẫm sâu xa là chuyện lớn, bởi ở ranh giới 2 khoảng sáng - tối, người dân và du khách yêu DIFC nghiệm ra một điều, bên cạnh số ít trường hợp cơ hội, có suy nghĩ mấy khi có dịp "chặt chém", "móc túi" khách, còn đó nhiều người Đà Nẵng đáng yêu, có lòng độ lượng, mến khách đáng kính.

Công Hạnh