Khai tiệc DIFC 2015
(Cadn.com.vn) - Màn khai tiệc trên Cảng Sông Hàn vào tối 28-4 là sự thăng hoa của tam tấu với 3 phân đoạn “Bầu trời xanh châu Phi” của đội Pyrotecnico (Nam Phi), “Trọn vẹn tình yêu” của Pyrotecnico (Hoa Kỳ) và “Bản giao hưởng sắc màu” của chủ nhà Đà Nẵng – Việt Nam”.
Đồng chí Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tặng kỷ niệm chương |
TỘT ĐỈNH CẢM XÚC!
Ngay trước khi đại tiệc pháo hoa bắt đầu, bên bờ sông Hàn đã vang lên giai điệu quen thuộc bài hát chính thức của World Cup 2010. Còn nhớ năm 2010, ca khúc sôi động này đã cùng chú báo tinh nghịch Zakumi đưa toàn thế giới khám phá hết những nét đặc trưng bản sắc văn hoá và con người của vương quốc kim cương. Lần đầu trình làng DIFC, 6 thành viên của đội Pyrotecnico (Nam Phi) đã mở màn cho bản giao hưởng sắc màu với màn trình diễn “Bầu trời xanh châu Phi” khiến người xem mãn nhãn. Với hơn 20 phút để thể hiện các tuyệt kỹ của mình, Pyrotecnico đã có một cuộc hành trình đưa khán giả vào một chuyến du ngoạn ngắn quay về vài thập kỷ trước của màu sắc và lịch sử đất nước Nam Phi. Nam Phi được biết đến là quốc gia cầu vồng, một vùng đất đầy màu sắc. Chính vì thế 7 sắc cầu vồng đã trở thành những gam màu dệt lên trên bầu trời Đà Nẵng một châu Phi gần gũi, thân thiện và đa dạng về văn hoá.
Với chủ đề “Trọn vẹn tình yêu”, đội Pyrotecnico (Hoa Kỳ) đã đưa du khách lạc vào những bản tình ca được phối trộn một cách cách điêu luyện. Dù được trình diễn trong nền nhạc thuộc nhiều thể loại nhưng với kinh nghiệm chinh chiến ở nhiều đấu trường quốc tế, Pyrotecnico không vồn vã mà đưa người xem đi hết những cung bậc cảm xúc cho đến khi vỡ oà trong cao trào kết thúc ngoạn mục. 22 phút, tất cả được dàn dựng một cách hoàn hảo để luôn làm tươi mới những hình ảnh mang tính biểu trưng bằng pháo, nhạc và các hiệu ứng đặc biệt không thể trộn lẫn trong bản giao hưởng sắc màu. Sau mỗi phân đoạn của bản giao hưởng, đội thi đến từ Cty pháo hoa đã có 80 năm kinh nghiệm chinh phục bầu trời luôn khiến khán giả phải thốt lên kinh ngạc.
Rất nhiều người đã tò mò muốn biết sau nhiều lần đồng hạng Ba, đội pháo hoa Đà Nẵng – Việt Nam sẽ có thể tạo ra cuộc lật đổ nào không khi nắm lợi thế chủ nhà trong cuộc so tài có tới 2 tân binh. Và với chủ đề “Bản giao hưởng sắc màu”, phần trình diễn kéo dài trong thời gian 21 phút 47 giây trên nền những bài hát quen thuộc và kỹ xảo tạo hình gần gũi nhưng mang tính biểu tượng đã làm mãn nhãn người dân và du khách. Một sự sắp đặt đầy ý nghĩa là trong thời điểm mà cả nước đang hướng về thời khắc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cách đây tròn 40 năm thì những giai điệu tự hào, đi cùng năm tháng đã khiến “biển người” không thể không hát theo. Sau những “phân đoạn” hào sảng của những ca khúc “Dòng máu Lạc Hồng”, “Đất nước trọn niềm vui” là tiếng sóng vỗ rì rào của “Nơi đảo xa”. Khi đã đi qua những trang sử của đất nước, trong đoạn kết, những màn pháo rực rỡ lại nhảy múa trên nền nhạc không lời được trích từ bản Sonate số 8 của Beethoven và mang đến thông điệp hoà bình đến bạn bè năm châu qua bài hát nổi tiếng “We are the world”.
Mỗi đội thi đẫ phô trương những tuyệt kỹ, những thế mạnh riêng, đêm đầu tiên của DIFC 2015 đã thực sự làm mãn nhãn sự kỳ vọng của hàng chục nghìn người dân và du khách. Các khán đài bên bờ sông Hàn thực sự dậy sóng.
Một số màn trình diễn trong đêm khai mạc DIFC 2015 |
KẾT NỐI VÒNG TAY BÈ BẠN
Ngoài sự hiện diện của các vị lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, DIFC 2015 ghi nhận sự có mặt của rất nhiều đại biểu, khách mời quốc tế. Cạnh đó, do trùng với mùa du lịch biển, cuộc thi cũng thu hút một lượng lớn khách du lịch đến từ nhiều nước trên thế giới. Ông Christian Howard – một du khách Mỹ hào hứng: “Tôi đã được nghe nói rất nhiều về Đà Nẵng, về DIFC. Thật may mắn là kỳ du lịch của tôi lại trùng hợp với mùa lễ hội được tổ chức cả ở trên rừng và dưới biển. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được xem các đội pháo hoa mang đẳng cấp quốc tế trình diễn trên một dòng sông chảy qua thành phố, trong đó có đội Pyrotecnico của chúng tôi”.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trong phần phát biểu khai mạc DIFC 2015 đã nhấn mạnh rằng, qua 6 năm tổ chức thành công, DIFC đã trở thành “đặc sản” mang thương hiệu riêng có của Đà Nẵng, qua đó đã mời gọi và giữ chân du khách gần xa. Dòng sông Hàn thơ mộng đã trở thành nơi gặp gỡ của các anh tài đến từ khắp năm châu. Đại tiệc màu sắc và âm thanh thực sự ấn tượng được trình diễn bởi các “cường quốc” về pháo hoa. Giờ đây DIFC không chỉ là những màn trình diễn mà còn là lời chào, lời mời gọi, sự kết giao cùa Đà Nẵng, của Việt Nam gửi đến bạn bè khắp thế giới.
|
Màn trình diễn của đội Nam Phi. |
|
Màn trình diễn của đội Mỹ. |
|
Màn trình diễn của đội Việt Nam. |
NHÓM PHÓNG VIÊN
Anh Perry Arehat (du khách Mỹ) Rất tuyệt. Tôi có cảm giác tuyệt vời khi chiêm ngưỡng các vũ điệu pháo hoa ở thành phố các bạn. Sắc màu pháo hoa in dưới sông tạo nên một vũ điệu thật mê hoặc, nó rất khác với những lễ hội pháo hoa khác mà tôi đã từng xem. Các đội trình diễn pháo hoa trong đêm nay đều rất đẹp và tôi rất vui khi biết có đội pháo hoa Mỹ tham gia lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng xem bắn pháo hoa, tôi sẽ chia sẽ thông tin về lễ hội này cho bạn bè của mình và chắc chắn Đà Nẵng sẽ nằm trong lịch trình du lịch, mỗi khi tôi đến Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với lễ hội pháo hoa của các bạn. Ông Ngô Quang Chức (xã Bình Nguyễn, Thăng Bình, Quảng Nam) Năm nào Đà Nẵng tổ chức bắn pháo hoa thì cả gia đình tôi đều đi xem. Năm này, từ mấy ngày trước gia đình tôi đã lên kế hoạch để ra Đà Nẵng xem pháo hoa và mua vé để lên khán đài xem cho sướng. Và màn trình diễn đẹp mắt của các đội khiến công sức của tôi được đền đáp. Tôi ấn tượng với màn trình diễn của đội Nam Phi, đội Đà Nẵng-Việt Nam rất tuyệt. Phải nói pháo hoa quá đẹp, không gì diễn tả bằng lời được. Gia đình tôi dự định xem đêm nay thôi, nhưng đẹp quá nên đêm mai sẽ tiếp tục chạy xe máy ra Đà Nẵng xem tiếp. Phải đi xem để biết đội nào lên ngôi trong lễ hội pháo hoa Đà Nẵng năm nay nữa chứ. H.ANH (ghi) NHÌN PHÁO HOA NHỚ MỘT NGƯỜI Khi màn pháo hoa rực rỡ của đội Nam Phi vẽ lên bầu trời Đà Nẵng, hàng ngàn con tim reo mừng mãn nhãn. Đà Nẵng đã chính thức vào hội. Và, trong niềm hân hoan chung ấy, chợt nhớ đến một người, ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Suốt 6 mùa pháo hoa đã qua, không mùa nào thiếu vắng ông trên khán đài, nhưng mùa này, khán đài trống một chỗ, một khoảng trống sâu thẳm… Trong ký ức của mình, ông Huỳnh Văn Chính- Chủ tịch HĐQT Cty dệt may 29/3 kể rằng, có bữa uống trà cùng ông Thanh, thấy vị cựu bí thư Thành ủy có điều gì phấn khởi, ông liền hỏi và được biết ông Thanh vừa làm việc với một vị đại sứ nhờ giúp đỡ tổ chức Cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Bởi lẽ, du lịch Đà Nẵng lúc ấy còn èo uột quá, thiếu sản phẩm độc đáo, nếu xin Chính phủ đồng ý cho tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách. Lúc đó ông Chính tỏ vẻ mừng rỡ thì ông Thanh nói như mệnh lệnh: “Nhưng tôi yêu cầu, ông tuyệt đối khoan nói vội với ai vì đây mới là ý tưởng. Đà Nẵng xin được các nơi cũng xin được, nhiều địa phương xin sẽ làm khó cho Chính phủ chọn ai, bỏ ai? Và nếu Chính phủ cho nhiều địa phương cùng làm thì còn gì sự độc đáo của lễ hội”.
Từ câu chuyện của ông Chính mới hay, “cha đẻ” của lễ hội pháo hoa Đà Nẵng nổi tiếng ngày nay xuất phát từ ý tưởng khai nghén của vị cố Bí thư Thành ủy. Nhưng, từ ý tưởng tới thực tiễn là khoảng cách khá xa. Năm 2008, khi lễ hội pháo hoa lần đầu được tổ chức còn khá nhiều bỡ ngỡ, đích thân ông Thanh đã chủ trì nhiều cuộc họp các ban, ngành, nghe báo cáo chi tiết, quán xuyến từng việc rất chu đáo, từ đón tiếp khách mời, dựng khán đài, quản lý giá cả dịch vụ... Tại cuộc họp tổng kết sau khi kết thúc lễ hội pháo hoa lần đầu, ông Thanh đã chỉ ra nhiều việc còn hạn chế, cần rút kinh nghiệp. Nhưng có một câu ông nói khiến ai cũng xúc động. Đại khái ông bảo, pháo hoa tỏa sáng trên bầu trời, ai cũng được chiêm ngưỡng, sung sướng, chẳng kể ông là quan chức hay thường dân, người giàu có hay kẻ nghèo hèn, nhân văn là chỗ đó! Kể cả những năm sau đó, khi còn cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cứ mỗi mùa pháo hoa, đích thân ông Thanh lại xắn tay chỉ đạo các cuộc họp rà soát, rồi đích thân ông xuống tận hiện trường kiểm tra mọi việc. Điều đó đủ thấy vai trò của ông Thanh với Cuộc thi pháo hoa này quan trọng thế nào, đồng thời đủ thấy cuộc thi có ý nghĩa thế nào với Đà Nẵng. Sau 6 mùa lễ hội pháo hoa, công tác tổ chức đã chuyên nghiệp hơn nhiều, lượng khách du lịch đổ về Đà Nẵng cũng theo cấp số nhân. Và giờ đây, trong rất nhiều “thương hiệu” của Đà Nẵng, thì “thương hiệu” pháo hoa luôn ấn tượng sâu đậm. Mỗi mùa lễ hội đến, cả Đà Nẵng như tất bật, náo nức, hồi hộp. Ngay cả du khách thập phương, dù ở bất cứ đâu, nghe đến lễ hội pháo hoa Đà Nẵng cũng háo hức muốn tìm về thưởng ngoạn. Và họ được thấy Đà Nẵng sau mỗi mùa lễ hội đã đổi thay rất nhiều, tấm lòng của người dân cũng dang rộng đón chào, ấn tượng về Đà Nẵng cũng sâu đậm hơn. Điều đó, có gì đáng mong đợi hơn đối với những người đã xây dựng, vun đắp cho lễ hội này? Ông Nguyễn Bá Thanh đã để lại nhiều “di sản” cho Đà Nẵng, và Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế là một “di sản” rất đỗi tự hào. Mùa pháo hoa này vắng ông, nhưng trong hàng vạn ánh mắt đang hướng lên bầu trời Đà Nẵng để thưởng ngoạn, hẳn có nhiều tấm lòng vẫn nhớ về ông với lòng biết ơn, ngưỡng mộ. Bầu trời Đà Nẵng đêm qua lung linh, ánh sáng của pháo hoa, của những vì sao, trong đó có một vì sao sáng mãi, ít nhất trong mắt mỗi người dân phố biển. HẢI HẬU |