Ân tình của một cựu binh

Thứ năm, 02/05/2019 12:58

Trở về sau chiến tranh là thương binh 2/4, ông Trần Sông Thao (1953), P.Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) luôn tiên phong trong các mô hình làm ăn phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Quê gốc ở Hà Tĩnh, năm 1971, ông lên đường nhập ngũ và biên chế vào Đội 170 Đặc công nước. Năm 1972, đơn vị ông vào tham chiến tại Mặt trận 44 Quảng Đà  và H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Đất nước thống nhất, ông Thao chọn Đà Nẵng lập nghiệp. Lúc này đơn vị giải thể, anh em về quê, còn ông được cử đi học rồi tiếp tục công tác tại Trung đoàn 977 làm kinh tế ở Phú Ninh. Đến năm 1978, Trung đoàn giải thể và thành lập Lữ đoàn 173 - phòng thủ Đà Nẵng, ông về làm Chính trị viên Đại đội D72, lữ 173 tại Sơn Trà (Đà Nẵng). Đến năm 1982, đơn vị tiếp tục tạo điều kiện cho học tập nhưng ông từ chối do sức khỏe yếu vì thương tật và xin được chuyển ngành về Cty Xuất nhập khẩu Quảng Nam-Đà Nẵng, đến năm 1993 thì nghỉ hưu.

Ông Trần Sông Thao trong một lần đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Trong điều kiện cuộc sống khó khăn lúc bấy giờ, ông suy nghĩ phải làm kinh tế mới thoát nghèo. Từ xây dựng cơ sở chế biến thức ăn gia súc tại P.Khuê Trung, lập trang trại trồng rừng tại xã Hòa Phú (H.Hòa Vang), chăn nuôi kết hợp làm hầm Biogas để tạo chất đốt... những mô hình này không chỉ giúp kinh tế gia đình ông phát triển mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên và thời vụ cho khoảng 10 lao động phổ thông. Điều đáng quý là ông Thao luôn nghĩ đến người khác, nhất là người nghèo và đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh. Là gia đình chính sách, bản thân thương binh 2/4, vợ là cháu Mẹ VNAH và con của liệt sĩ nhưng ông không nhận bất kì sự trợ giúp nào của Nhà nước. Ông luôn nhường sự ưu ái đó cho những hoàn cảnh khác với tâm niệm: "Sống được tới giờ này là đã quý lắm rồi! Đồng đội của tôi nhiều người đã không còn cơ hội trở về với gia đình".

Được sống trong thời bình, trở thành nông dân làm kinh tế giỏi nhưng ông chưa bao giờ nguôi nhớ về đồng đội. Ông bảo, đồng đội, anh em của mình nhiều người đang ở đâu đó mà vẫn chưa về được quê. Mình đang sống tại đây, tại mảnh đất chiến trường ngày xưa đã từng chiến đấu, phải có trách nhiệm tìm ra, báo tin về cho gia đình ở quê đỡ mong ngóng. Thế là ông quyết định đi tìm hài cốt liệt sĩ. Ông chia sẻ: "Việc đi tìm hài cốt liệt sĩ tôi âm thầm thực hiện hơn chục năm nay. Tôi đi tìm đồng đội thân thương từ chính cái tâm của mình, không kể ngày đêm mưa nắng. Nhưng việc đi tìm là hết sức khó khăn, bởi vì lúc trước biết rằng các chiến sĩ hi sinh tại khu vực đó, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác, đường sá cũng làm lại cả, địa bàn cũng thay đổi". Và may mắn đã mỉm cười, trải qua nhiều năm tìm kiếm, ông đã tìm được 15 hài cốt liệt sĩ đưa về Nghĩa trang các tỉnh phía Bắc và 3 hài cốt liệt sĩ vào Nghĩa trang ở xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang).

Hơn 10 năm nay, ông Thao đã hỗ trợ, giúp đỡ bà con bị lũ lụt, khó khăn miền núi, vùng sâu vùng xa. Năm 2017, ông được chọn đi tham dự Hội nghị biểu dương người có công cách mạng toàn quốc tại Hà Nội. Hiện ông đang tham gia các hoạt động tại địa phương như: Tổ trưởng Dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Người cao tuổi, Trưởng ban điều hành CLB Thái Phiên P.Khuê Trung và Ban liên lạc Đặc công Hải quân 126 tại TP Đà Nẵng. Ở cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được mọi người quý mến. Sống đầy trách nhiệm và giàu lòng yêu thương, ông Trần Sông Thao đã dang rộng đôi tay của mình giúp đỡ nhiều mảnh đời còn khó khăn, mang "mảnh ghép yêu thương" ghép vào bức tranh gia đình của đồng đội còn dang dở bấy lâu nay để được hoàn chỉnh.

THÙY TRANG-NGUYÊN THẢO