Ân tình Hoài Châu

Thứ tư, 02/08/2017 12:43

Chúng tôi về xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) khi vùng đất này liên tục đón các đoàn CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng về tri ân. Trong kháng chiến, lòng dân với Sư đoàn chan chứa ân tình thì bây giờ những chuyến đi của Sư đoàn cũng trọn vẹn thủy chung... Bình Định, chiếc nôi trưởng thành của Sư đoàn 3. Xã Hoài Châu (sau này tách làm hai xã là Hoài Châu và Hoài Châu Bắc) là một trong những chiến trường khốc liệt của đơn vị. Hiện nay chỉ riêng ở nghĩa trang xã Hoài Châu Bắc có 642 liệt sĩ Sư đoàn. Đây cũng là nơi trong đạn lửa lan truyền câu thơ: "Em ra trận giữa chừng bị đạn. Mẹ chưa về sữa chị nuôi em". "Sữa chị nuôi em" chính là chị Võ Thị Đào lúc này có con nhỏ 4 tháng, đã dùng sữa mình cho thương binh Lã Viết Quang (hiện ở tại Nga Thủy, Nga Sơn, Thanh Hóa) uống khi anh bị địch bắn gãy chân, chảy máu đến kiệt sức. Sau 38 năm, hai nhân vật chính đã gặp nhau. Câu chuyện của họ vì thế càng thêm xúc động.

Trung tướng Bế Xuân Trường-Tư lệnh Quân khu 1 (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) tặng quà cho bà Võ Thị Đào tại Bình Định (9-2013). Ảnh: D. S

Người chị 39 tuổi ở thôn Gia An khỏe khoắn năm nào giờ là bà cụ tuổi trên 80, trí nhớ suy giảm, nặng tai khó nghe. Dân trong xóm gọi bà là má Nhương. Mẹ chồng, mẹ ruột bà là Mẹ VNAH, bà cũng là Mẹ VNAH khi có chồng và con là liệt sĩ. Ngày ấy, tầm tháng 8-1972, trong đội hình Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng, ông Quang cùng đồng đội phối hợp với du kích xã đánh địch nống lấn, bảo vệ xã Hoài Châu mới được giải phóng. Bò theo dọc chiến hào kiểm tra các mũi chiến đấu thì ông bị pháo địch bắn vỡ khớp cổ chân trái. Đồng đội ở cả phía trước, không ai phát hiện ra ông bị thương. Đúng lúc đó, có bốn người phụ nữ đi về phía bộ đội. Họ là người dân Hoài Châu đi chợ về bị kẹt giữa trận càn. Người được gọi là chị Bốn (tức  Võ Thị Đào) không ngần ngại xé ngay vạt áo băng bó vết thương cho ông Quang, rồi chị em thay nhau dìu thương binh ra khỏi làn đạn đến căn hầm ở bìa làng. Người ông lúc này lả dần, đôi môi khô bật máu. Chị Bốn lặng lẽ ra miệng hầm, một lát sau quay lại kèm một ly sữa và nói: "Cố mà uống đi, không ngại gì cả, lúc này tính mệnh anh là trên hết!". Ông uống ly sữa của người chị còn ấm nóng và uống cả giọt nước mắt giàn giụa của mình. Tối đó, du kích xã đã chuyển ông lên tuyến trên và sau này ra Bắc điều trị.

Ba lần bị tai biến, mãi đến năm 2010, sức khỏe tạm ổn, ông Quang mới có dịp về lại Hoài Châu gặp ân nhân của mình. Bây giờ thì Hoài Châu không chỉ trở thành địa chỉ thân quen của các thành viên gia đình ông Quang mà của cả Sư đoàn 3 Sao Vàng. Những chuyến về nguồn thăm chiến trường xưa, tặng quà cho các gia đình chính sách, xây dựng các bia di tích những trận đánh tiêu biểu, ghi nhớ công ơn các liệt sĩ đã trở thành hoạt động giáo dục truyền thống thường xuyên của đơn vị. Sư đoàn đóng góp xây dựng nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Châu, tặng lư hương bằng đá Non Nước, trồng cây xanh trong khuôn viên. Tháng 9- 2013, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin của tỉnh Bình Định, đã diễn ra chươnng trình giao lưu "Về chiến trường xưa, Tri ân đồng đội'' giữa lãnh đạo các cơ quan Sư đoàn 3 cùng các CCB với đông đảo cán bộ, nhân dân các địa phương nơi đơn vị từng đứng chân trong kháng chiến. Tại đây, Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã tặng cho má Nhương 30 triệu đồng. 

CCB Nguyễn Hữu Khoa hiện ở Bắc Ninh cho biết: "Từ năm 2014 đến nay tôi đã  4 lần về lại Hoài Châu. Nơi đây như quê hương thứ hai của tôi. Chúng tôi đã từng ở cả tháng với bà con trong thời điểm khốc liệt và được che chở, bảo vệ. Nhớ tháng 10-1973, tôi bị thương nặng, chị Quốc, chị Mỹ đã cáng tôi suốt đêm qua bệnh xá ở huyện An Lão, nhờ đó mà được cứu sống. Ơn nghĩa ấy làm sao quên được". Đồng chí Ngô Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hoài Châu Bắc khẳng định: "Chúng tôi rất xúc động khi các CCB tóc đã điểm bạc từng đoàn về đây, có lúc đến 2 xe với hàng chục người, chia nhau về ở thôn Quy Thuận, đặc biệt là ở những nhà đã từng nuôi giấu Sư đoàn. Các chú thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc người già, đôi lúc còn tham gia đồng áng với bà con, có các hoạt động giao lưu, tọa đàm truyền thống, dọn cỏ nghĩa trang. Hiếm có đơn vị nào như vậy. Các  thế hệ lãnh đạo của xã và các gia đình tiêu biểu cũng nhiều lần được đơn vị đón ra Bắc Giang thăm nơi đóng quân. Riêng má Nhương cũng đi đến 3 lần".

Má Nhương kể rằng, tình nghĩa Sư đoàn lan tỏa đến lớp con cháu. Anh Lã Văn Mậu, con trai ông Lã Viết Quang luôn vào thăm, lễ tết cũng không quên gửi quà cho má, còn tặng tấm trướng lớn, chạm trổ rất đẹp. "Không có bác không có bố con và sẽ không có con. Cậu ấy đã nói như vậy khi bác rầy la vì vất vả nhiều với má. Nghe thương quá phải không con?".

HỒNG VÂN