"Anh đã giúp tôi trả được ơn nghĩa"
Câu nói này là của CCB Trần Đình Trọng, nguyên hiệu Trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) với Đại tá Ngô Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng Quản lý hành chính CATP Đà Nẵng trong cuộc hội ngộ đặc biệt. Đó là khi điện ảnh Quân đội mời họ cùng có mặt với tư cách là nhân vật trong phim tài liệu "Chung một mái nhà" được chiếu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX vừa diễn ra tại Đà Nẵng.
CCB Trần Đình Trọng, Đại tá Ngô Thanh Hải (thứ 7 và 8 từ phải sang) cùng đồng đội và đạo diễn phim "Chung một mái nhà" trước buổi công chiếu ở Đà Nẵng. Ảnh: LÊ QUẢNG |
Hòa hợp dân tộc, lâu nay đã được các phương tiện thông tin truyền thông khai thác nhiều. Nhưng trở thành một bộ phim tài liệu hoàn chỉnh, mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc thì đây là lần đầu tiên được bấm máy ở điện ảnh Quân đội. Bộ phim đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc tự hào về con Lạc, cháu Hồng, dù làm gì, ở đâu cũng luôn hướng về nguồn cội. Dựa vào những con người có thật, êkip gồm đội ngũ rất trẻ là biên kịch Nguyễn Huy Hùng, đạo diễn Vũ Anh Nhất đã dày công rong ruổi từ Đà Nẵng vào Sóc Trăng để tìm gặp cả chục nhân vật, mất hai năm để hoàn thành bộ phim tâm huyết. Đó là thầy giáo thương binh 1/4, chân đi khó nhọc, là cựu chiến binh tuổi trên 80, sức khỏe giảm sút, là người lính chế độ cũ còn ít nhiều mặc cảm... Mang theo thông điệp đại đoàn kết dân tộc, tất cả đều sẵn sàng về chiến trường xưa tái hiện lại câu chuyện năm nào. Hai anh em ông Trà Thanh Lợi, Trà Thanh Viên, gốc Quảng Nam từng ở hai chiến tuyến. Người em bị chế độ Sài Gòn bắt đi quân dịch vẫn giữ nếp nhà và truyền thống quê hương, quyết không gây nợ máu. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Phải ở Sóc Trăng có 2 con là liệt sĩ nhưng lại có một người con tham gia chế độ Sài Gòn. Cả ba con đều không ai trở về. Khóc nhiều, mẹ mờ đôi mắt và mất luôn cả trí nhớ...
Chiến tranh làm ly tán bao gia đình nhưng cũng từ trong khói lửa đã nảy sinh những câu chuyện đẹp đầy tình người cao cả. Năm 1972, ông Trần Đình Trọng tham gia đội vũ trang khi mới 19 tuổi. Trong một lần xuống cơ sở ở Quảng Ngãi, ông bị vấp mìn, chân trái nát bươm và được đồng đội khiêng về bệnh xá của tỉnh. Chưa kịp phẫu thuật thì bệnh xá đã bị địch phục kích. Ông lại được cấp tốc khiêng đi di tản. Đến bờ suối thì gặp địch lùng sục. Không cho đồng đội bám trụ vì quá nguy hiểm, ông bình tĩnh đón nhận cái chết. Lúc đó đau quá, ông chỉ nghe mơ màng tiếng chân bọn địch ập đến. Một thằng giở tấm dù lên rồi bảo: "Cho thêm một phát nữa đi". Rồi tiếng ai đó nhỏ hơn: "Thôi để anh ta tự chết". Ông Trọng lịm dần, không biết bọn họ đi lúc nào nữa. Tỉnh dậy thấy trên ngực mình một bi đông nước và dưới võng có hai bịch gạo sấy. Ông đoán là của anh lính đã cản không cho bắn. Chính nhờ gạo và nước đã giúp ông cầm cự sự sống giữa núi rừng âm u cho đến khi đồng đội đến... Được ra Bắc học tập, sau này trở thành hiệu trưởng một trường THPT danh tiếng của Quảng Ngãi, ông Trọng luôn mong tìm lại được ân nhân của mình ngày nào. 45 năm mải miết, cuối cùng ông đã tìm được người cứu mạng tên là Nguyễn Sơ, ở Bình Phước. Hai bên kết nghĩa anh em trong niềm vui lớn. Tiếc là chỉ một năm sau thì vị ân nhân qua đời. Nhưng hành động đẹp của ông Sơ đã là niềm tự hào to lớn của những người con.
Quê Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam, tham gia nghĩa quân được 2 năm nhưng đến tháng 8-1974, ông Đỗ Minh Long mới biết thế nào là chiến tranh khi quận lỵ Thượng Đức bị quân Giải phóng tấn công. Hai bên giao chiến dữ dội. Quân lính chế độ Sài Gòn thất trận, tìm đường thoát thân. Long bị dính B40 toàn thân cháy sém và được du kích xã đưa đến một nhà dân bỏ hoang ven sông, bên khe Mõm Lợn, làng Hà Tân. Lúc này trong nhà có hơn chục lính biệt động, địa phương quân bị thương nằm rên la ầm ĩ. Bỗng họ thấy xuất hiện một người giắt súng K59 bên hông cùng mấy anh du kích trẻ măng và cô y tá chừng 15, 16 tuổi mang khẩu AK dài chấm đất. Tưởng sắp chết đến nơi, họ lạy xin tha mạng. Còn Long lúc đó chỉ biết gọi "Mẹ ơi". Người cán bộ mang súng ngắn ấy chính là ông Ngô Thanh Hải nói: "Các anh là nạn nhân chiến tranh, cầm súng chẳng qua bị bắt buộc. Chúng tôi đưa các anh đến đây là để cứu sống. Du kích sẽ nấu cơm và cô Hải y tá sẽ băng bó vết thương. Khi nào lành lặn, chúng tôi sẽ đưa theo bè về". Quả thật như thế, người bị nặng nhất là Đỗ Minh Long đã lành lặn, nay là cha của 5 người con trai, trong đó có 2 người đi bộ đội. Trở lại Thượng Đức cùng với hai ân nhân tên Hải, ông Long cảm nhận hết niềm hạnh phúc viên mãn khi được sống và được yêu thương, nhất là khi nghe tiếng chuông chùa bình yên trên vùng đất từng một thời đạn bom khốc liệt.
Khi được hỏi vì sao giữa bề bộn cuộc chiến chưa hoàn toàn chấm dứt lại tìm cách cứu mạng người bên kia, Đại tá Ngô Thanh Hải trả lời bằng câu chuyện của mình. Đó là năm 1970, khi làm an ninh Quảng Đà trên đường về lại Hòn Tàu, ông bị biệt kích Mỹ bắn bị thương ở hang đá thuộc Duy Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam). Một bà mẹ Công giáo đi mót củi đã nhìn thấy và cho người thương binh ăn nắm cơm trưa của mình. Từ đó hàng ngày mẹ bí mật đem cơm và thuốc kháng sinh cho đến khi ông Hải hồi phục. Mẹ nói rằng có đứa con đang bị bắt quân dịch, đày đi Quảng Trị, không biết sống chết thế nào, nay mẹ coi giải phóng như con. "Dù ở phía bên nào mẹ cũng đớn đau" chính là ý nghĩ thường trực mà ông Hải luôn mang theo khi vào chiến trường... Từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng xem phim "Chung một mái nhà", ông Trần Đình Trọng không nghĩ rằng mình có thêm những người bạn quý. Các nhân vật trong phim như gần gũi hơn ở ngoài đời. Ông Trọng cứ nhắc đi nhắc lại với vị đại tá Công an: "Chính hành động của anh đã giúp tôi trả được ơn nghĩa với người lính chế độ Sài Gòn năm xưa!".
HỒNG VÂN