Anh "nóng" với cuộc đua vào ghế Thủ tướng

Thứ hai, 27/05/2019 09:56

Cuộc đua giành chiếc ghế thủ tướng tiếp theo của nước Anh càng nóng lên vào ngày 26-5 khi Bộ trưởng Môi trường Michael Gove tuyên bố sẽ tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền. Cạnh tranh để trở thành thủ tướng Anh tiếp theo thậm chí đã bắt đầu ngay cả trước khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố từ chức hôm 24-5. Các ứng viên muốn tham gia cuộc đua tướng trước hết cần được hai thành viên Quốc hội đề cử. Các nghị sĩ sau đó sẽ bỏ phiếu để chọn ra hai gương mặt tiêu biểu nhất. Cuối cùng, 120.000 thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ chọn ra lãnh đạo đảng mới. Quá trình đề cử ứng viên diễn ra từ ngày 10-6, sau khi bà May chính thức từ chức, và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7.

Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson được cho là ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế Thủ tướng Anh hiện nay.            Ảnh: Reuters

Boris Johnson - ứng viên sáng giá

Cái tên được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson. Ông Johnson, Thị trưởng London từ năm 2008 đến 2016, là một trong những người đi đầu trong chiến dịch vận động Anh rời Liên minh Châu Âu (EU). Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, ông luôn thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình này và muốn Anh tách hoàn toàn khỏi EU. Tuy nhiên, ông là người chỉ trích thẳng thắn nhất các kế hoạch Brexit của Thủ tướng May, thường xuyên chặn nỗ lực của bà May nhằm thuyết phục Quốc hội thông qua kế hoạch Brexit. Trong khi bà May muốn hướng tới một thỏa thuận có thể giúp Anh duy trì mối quan hệ tương đối gần gũi với Châu Âu thì ông Johnson ủng hộ Brexit theo đường lối cứng rắn. Ông giữ chức Ngoại trưởng trong nội các của Thủ tướng May nhưng nộp đơn xin từ chức hồi năm ngoái để phản đối kế hoạch Brexit do bà đề xuất.

"Một nhà lãnh đạo mới sẽ có cơ hội làm những điều khác biệt và có động lực của một chính quyền mới", ông Johnson cho biết. Chúng tôi sẽ rời EU vào ngày 31-10, dù đạt thỏa thuận hay không thỏa thuận. Cách để có được một thỏa thuận tốt là chuẩn bị cho việc không đạt thỏa thuận", ông khẳng định. Cách tiếp cận này có thể tạo ra tranh chấp tại Quốc hội, vốn đã nhất trí rằng không bao giờ nên có một Brexit không thỏa thuận. Nhưng nếu ông Johnson hoặc bất cứ ai trở thành Thủ tướng mới quyết tâm rời khỏi EU dù không có thỏa thuận, không rõ liệu Quốc hội có quyền ngăn chặn động thái này hay không. Ông Johnson vấp phải nhiều chỉ trích, nhưng ông cũng được coi là ứng cử viên có khả năng nhất có thể kết nối với cử tri và có khả năng san bằng vấn đề Brexit, vốn đã bóp nghẹt đời sống chính trị Anh kể năm 2016.

Ông Johnson được giới phân tích Anh đánh giá có trên 30% khả năng sẽ là chủ nhân mới của ngôi nhà số 10 phố Downning. Tuy nhiên, cơ hội cũng để ngỏ cho 17 gương mặt tên tuổi khác trong đảng Bảo thủ, trong đó phải kể đến cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, cựu lãnh đạo Hạ viện Andrea Leadson, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, Ngoại trưởng Jeremy Hunt hay cựu Bộ trưởng Nội vụ Amber.

Thách thức trước mắt

Bất kỳ ai thay thế bà May cũng sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đạt được đồng thuận trong vấn đề Brexit.

Người thay thế sẽ phải sắp xếp để thực hiện Brexit theo một cách thức có trật tự nào đó, hoặc có nguy cơ sụp đổ với Brexit "không thỏa thuận". Quốc hội Anh đã bỏ phiếu chống lại Brexit "không thỏa thuận" nhiều lần, nhưng vẫn trông chờ những gì sẽ xảy ra vào ngày 31-10 tới. Khi EU gia hạn 6 tháng cho Điều 50 hồi tháng 3, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã nói, các chính trị gia Anh "xin đừng lãng phí thời gian này". Vì vậy, chỉ còn 5 tháng là đến thời điểm quyết định Brexit, đảng Bảo thủ cầm quyền phải nhanh chóng tổ chức bầu lãnh đạo mới. Trên thực tế, một trong những công việc đầu tiên của nhà lãnh đạo mới là yêu cầu EU gia hạn thêm thời gian cho Điều 50.

AN BÌNH