Anh quyết định “dứt áo ra đi”

Thứ bảy, 25/06/2016 10:30

(Cadn.com.vn) - Anh trở thành quốc gia đầu tiên quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), động thái mà nhiều chuyên gia cảnh báo là dấu hiệu cho thấy nguy cơ tan rã của liên minh 28 quốc gia này đã bắt đầu.

Vậy là sau 43 năm gắn kết trong một mối quan hệ nhiều sóng gió với EU, người Anh cuối cùng quyết định ra đi trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hôm 23-6.

BBC dẫn kết quả do Ủy ban bầu cử Anh công bố vào trưa 24-6 (giờ Việt Nam) cho thấy, phe ủng hộ rời EU (Brexit) giành chiến thắng với tỷ lệ 51,9% trong khi phe muốn ở lại cũng bám sát nút với 48,1%. Ngay sau khi có kết quả này, thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) - người mạnh mẽ ủng hộ Brexit - gọi hôm nay là “ngày độc lập” của Anh và kêu gọi Thủ tướng David Cameron từ chức. Vị chính trị gia vốn chủ trương chống đối EU này cho rằng, “nước Anh cần phải có một thủ tướng của phe Brexit”.

Thủ tướng Cameron tuyên bố về ý định từ chức trước Nhà số 10 Phố Downing hôm 24-6.
Ảnh: Dailymail

Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ từ chức

Thủ tướng David Cameron là người đã kêu gọi nước Anh bỏ phiếu sau những lùm xùm với EU. Tuy nhiên, bất chấp chiến dịch vận động không mệt mỏi của nhà lãnh đạo này, phe ủng hộ EU đã bị đánh bại.

Trước áp lực từ mọi phía ngay sau thất bại của phe ủng hộ ở lại EU, Thủ tướng Cameron đã tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới. Phát biểu bên ngoài Nhà số 10 Phố Downing, ông nói: “Tôi không nghĩ mình sẽ tiếp tục là người phù hợp trong vai trò “thuyền trưởng”chèo lái đất nước đến đích tiếp theo”. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ cố gắng để “giữ vững con tàu nước Anh” trong vài tuần tới và vài tháng tới trước khi có lãnh đạo mới. “Người dân Anh đã chọn rời khỏi EU và ý kiến của họ phải được tôn trọng... ý kiến của người dân chính là mệnh lệnh phải thực thi”, nhà lãnh đạo này tuyên bố.

Thủ tướng Cameron cho biết, ông đã thông báo cho Nữ hoàng Elizabeth II về quyết định tại nhiệm trong thời gian ngắn và sau đó bàn giao cho một vị thủ tướng mới vào thời điểm diễn ra hội nghị của đảng Bảo thủ trong tháng 10 tới. Và tất nhiên, nhiệm vụ trên vai vị thủ tướng mới lúc đó sẽ rất nặng nề, bao gồm việc khởi động các cuộc đàm phán với EU và bắt đầu tiến trình đàm phán thu hồi Hiệp ước Lisbon, dự kiến kéo dài đến 2 năm.

Người Anh đã chán EU?

Việc người Anh chọn rời khỏi EU cho thấy một sự thay đổi lớn trong cách nhìn nhận mối quan hệ với liên minh này.

Rõ ràng, lựa chọn này cho thấy người Anh lo lắng với cuộc khủng hoảng nhập cư đang phủ bóng Châu Âu cũng như bóng ma khủng bố. Lựa chọn này cũng cho thấy, họ không hài lòng trong việc đàm phán và dàn xếp với các đối tác Châu Âu cũng như mong muốn khẳng định bản sắc và chủ quyền nước Anh. Tất nhiên, sẽ có một nước Anh tự do và tự chủ hơn khi rời khỏi EU. Đó là một nước Anh không bị ràng buộc bởi các quy định của EU, không chịu hậu quả từ những bất ổn ở các quốc gia thành viên EU, và có quyền quyết định mọi việc mà không nhất thiết phải chờ đợi cái gật đầu của 27 quốc gia thành viên khác. Tuy nhiên, nước Anh cũng chịu không ít hậu quả và thiệt thòi khi rời EU. Giới phân tích cho rằng, nước Anh khi tách rời EU sẽ ít an toàn hơn, ít thịnh vượng hơn và đối mặt với một tương lai ảm đạm.

Phe ủng hộ rời EU vui mừng trước chiến thắng lịch sử. Ảnh: THX

Lo sợ hiệu ứng domino khắp EU

Và điều người ta lo ngại hơn cả là hiện tượng Brexit có nguy cơ tạo ra tiền lệ xấu, gây hiệu ứng domino trên bàn cờ EU, từ đó có thể đẩy liên minh tiền tệ duy nhất trên thế giới này đến bờ vực sụp đổ.

Theo giới phân tích, sau Brexit, nhiều nước Châu Âu có thể cũng sẽ tiến hành trưng cầu dân ý để có lợi ích chính trị nội bộ và buộc EU phải thỏa hiệp. Hôm 24-6, tại Pháp, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc cực hữu Marine Le Pen hoan nghênh động thái Brexit, đồng thời kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở Pháp. Trong khi đó, tại Hà Lan, nghị sĩ Geert Wilders cũng kêu gọi nước này tổ chức trưng cầu dân ý tương tự ở Anh.

Trong khi bà Le Pen được đánh giá là một trong những ứng cử viên nổi bật trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2017, ông Wilders cũng là người có khả năng trở thành Thủ tướng Hà Lan trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3 tới. Và một sự thật rõ ràng là, nếu bà Le Pen và ông Wilders lên nắm quyền ở Pháp và Hà Lan, khả năng hai quốc gia này tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU là hiển hiện ngay trước mắt.

Khả Anh

Kinh tế Anh ra sao sau khi rời EU?

Công dân Anh đã chọn rời khỏi EU, một quyết định có thể khiến nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới phải đối mặt với nhiều bất ổn sâu sắc. Kết quả này có nguy cơ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của Anh và đẩy quốc gia này vào tình trạng suy thoái.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chậm hơn khi ở ngoài EU, theo nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Anh, viện nghiên cứu của Anh, các tổ chức quốc tế. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cảnh báo kịch bản Brexit có thể đẩy Anh rơi vào một cuộc suy thoái lâu dài. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo Brexit sẽ làm tổn thương các quốc gia còn lại của Châu Âu và có thể gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở châu lục khác.

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney nhận định, kinh tế nước Anh sẽ tăng trưởng chậm trong khi tỷ lệ lạm phát tăng cao do sự suy yếu của đồng bảng Anh. Lãi suất ngân hàng sẽ bị cắt giảm đáng kể.

VIỆC LÀM

Brexit sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Anh. Theo IMF, vấn đề tiền lương có thể sẽ gánh chịu nặng nề của một cuộc suy thoái kinh tế sau khi Anh rời EU. Theo Viện nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh, mức lương của công dân Anh ước tính sẽ giảm từ 2,2% đến 7% so với hiện tại vào năm 2030. Ngược lại, một số nhà kinh tế cho rằng, Brexit sẽ khiến thị trường lao động Anh năng động hơn khi bãi bỏ các quy định phiền hà của EU và loại bỏ một số mức thuế nhập khẩu cao của EU trên một số mặt hàng thực phẩm. Các nhà lãnh đạo thế giới cảnh báo, rời khỏi EU sẽ làm tổn thương vị thế của Anh như một cường quốc thương mại toàn cầu.

M.Dung