Tài chính toàn cầu hỗn loạn vì Brexit

Thứ bảy, 25/06/2016 06:00

(Cadn.com.vn) - Thị trường tài chính thế giới biến động lớn sau khi cử tri Anh quyết định rời khỏi EU.

Theo BBC, đồng bảng Anh lao dốc xuống hơn 10% chạm mốc 1,3550 USD/bảng Anh, mức thấp nhất trong 31 năm qua. Mức giảm này thậm chí còn tồi tệ hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và “ngày thứ tư đen tối” năm 1992 – thời điểm đồng bảng Anh bị buộc phải rời khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái Châu Âu (ERM). Chỉ số FTSE Futures giảm gần 9%. Giới quan sát nhận định họ chưa bao giờ thấy chỉ số này sụt giảm thấp đến như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Thị trường chứng khoán Châu Á cũng hứng chịu tác động mạnh từ kết quả bỏ phiếu ở nước Anh. Giá cổ phiếu của ngân hàng Anh giao dịch ở Châu Á cũng lao dốc khi Anh rời EU.

Hơn 100 triệu bảng đã bị xóa sổ khỏi sàn giao dịch FTSE 100 vào sáng 24-6 - sự sụp đổ lớn nhất trong lịch sử Anh - khi người dân quyết định rời EU.

Cùng với đà lao dốc của thị trường chứng khoán, giá dầu thô tại Châu Á cũng sụt giảm hơn 5%. Trưa 24-6 (giờ Việt Nam), giá dầu giảm 5,59%, xuống còn 47,31 USD/thùng. Trong khi đó, giá vàng tăng 8,1% lên mức 1.358,54/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 3-2014. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết đang tiến hành “tất cả những bước đi cần thiết” để đảm bảo ổn định tài chính và tiền tệ. BoE hiện đang tiến hành thiết lập quan hệ đối tác với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới để cung cấp gói hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng chi nhánh.

Trong động thái hiếm thấy, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ xác nhận can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm làm ổn định đồng franc của nước này. Sau cú sốc Brexit, đồng Franc của Thụy Sĩ tăng lên mức cao nhất so với đồng EUR kể từ tháng 8-2015 và ghi nhận sự nhảy vọt mạnh nhất trong một ngày kể từ khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) bỏ quy định neo đồng franc vào đồng EUR từ ngày 15-1-2015.

B.Dương