ASEAN cần có tiếng nói kiên quyết đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông

Thứ sáu, 02/08/2019 08:53

Bộ trưởng Mike Pompeo tiếp tục khẳng định, Washington luôn là bạn và là đối tác tin cậy của ASEAN, ủng hộ các nỗ lực của tổ chức đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có tiếng nói kiên quyết, không lảng tránh những vấn đề phức tạp.

Các Bộ trưởng dự Hội nghị ASEAN-Mỹ vào ngày 1-8. Ảnh: AP

Ngày 1-8, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN bắt đầu các cuộc họp quan trọng với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Trong đó, vấn đề Biển Đông tiếp tục là chủ đề trọng tâm được các nước ASEAN và đối tác tập trung bàn luận.

Tại hội nghị ASEAN - Mỹ, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Một mặt ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC), các nước cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Mỹ luôn là bạn, đối tác tin cậy của ASEAN

Khi bắt đầu cuộc họp với các đối tác Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng, Mỹ không bao giờ đề nghị các nước trong khu vực chọn đứng về phe nào, mặc dù ông đã đề cập đến cam kết về chủ quyền quốc gia, luật pháp, những điểm nhạy cảm với Trung Quốc.

Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ nêu rõ: “Nhìn xem, chúng tôi chưa từng đề nghị bất kỳ quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nào phải chọn giữa các nước. Nhiều thập kỷ qua, thuật ngoại giao của Mỹ với ASEAN luôn được dẫn dắt bởi mong muốn cho đối tác của chúng tôi, sự tôn trọng của chúng tôi với chủ quyền của mỗi quốc gia và cam kết chung của chúng tôi với những quy định cơ bản của luật pháp, nhân quyền và tăng trưởng kinh tế bền vững”. Ông Pompeo tiếp tục khẳng định, Washington luôn là bạn và là đối tác tin cậy của ASEAN, ủng hộ các nỗ lực của tổ chức đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có tiếng nói kiên quyết, không lảng tránh những vấn đề phức tạp.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ; khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai bên thực chất, nhất là đẩy mạnh trao đổi thương mại - đầu tư... Tại cuộc họp với phía Nhật Bản, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh tiếng nói xây dựng, tích cực của Tokyo về các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; mong muốn Tokyo tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, cùng xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển.

Trước đó, vào cuối ngày 31-7, hội nghị AMM-52 đã ra thông cáo chung, đề cập nhiều nội dung, bao gồm: Xây dựng Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, các quan hệ đối ngoại của ASEAN, các vấn đề quốc tế, khu vực và việc tổ chức Hội nghị AMM-53 cùng các hội nghị liên quan tại Việt Nam vào năm 2020 - thời điểm Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN và vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, thông cáo chung nêu rõ: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và công nhận những lợi ích của việc Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách trọn vẹn”.

 Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) trong cuộc trò chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bên lề hội nghị AMM-52 tại Bangkok, Thái Lan hôm 1-8. Ảnh: AP

Mỹ - Trung nói gì tại AMM-52?

Theo giới phân tích, sự đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc tại các cuộc họp lần này cũng được thể hiện trong những tuyên bố về vấn đề biển Đông, và việc khẳng định vị thế trong khu vực. Trên thực tế, những từ ngữ khó nghe mà các quan chức Trung Quốc dành cho ông Pompeo gần đây, những căng thẳng giữa hai nước trên nhiều mặt trận, từ cuộc chiến tranh thương mại đến các lệnh trừng phạt của Washington đối với người khổng lồ viễn thông Huawei cho đến vấn đề Đài Loan và Biển Đông, đang khiến mối quan hệ hai nước căng thẳng tột độ.

Trong ngày 1-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên, trong đó chủ yếu thảo luận về các cách để thúc đẩy mối quan hệ song phương bất chấp “những xáo trộn gần đây”. “Có thể có nhiều vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng cho dù có bao nhiêu vấn đề, điều quan trọng là cả hai bên cần phải ngồi lại cùng nhau và thảo luận trực tiếp”, ông Vương Nghị nói sau cuộc họp. Sau cuộc gặp, ông Pompeo nói trên Twitter rằng, ông đã có một cuộc trao đổi sâu sắc về quan điểm với người đồng cấp Vương Nghị về quan hệ Mỹ - Trung, vấn đề Triều Tiên và các chủ đề khác. Trong đó, ông Pompeo chỉ trích hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông Vương Nghị, phía Mỹ đã nói rõ Washington không nhằm ngăn chặn sự phát triển của Bắc Kinh và tái khẳng định cam kết đối với chính sách một Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan. Ông nói rằng, Bắc Kinh hoan nghênh Washington sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để giúp bắt đầu lại cuộc đàm phán. Các nhà phân tích cho rằng, giọng điệu hòa giải rõ ràng tại cuộc họp có thể nhằm tránh xung đột với Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Họ không muốn ông Pompeo báo cáo lại với Tổng thống Trump rằng Trung Quốc đang sử dụng vấn đề Biển Đông như một công cụ thương lượng trong trò chơi lớn hơn giữa hai nước”, chuyên gia Eduardo Araral tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

KHẢ ANH