"Bà đỡ" cho nông dân

Thứ sáu, 01/07/2016 10:56

(Cadn.com.vn) - Trong những năm gần đây, việc liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân đã dần mở ra một hướng sản xuất nông nghiệp mới - chất lượng, an toàn và bền vững trên địa bàn H. Nông Sơn (Quảng Nam). Ông Phạm Tuấn Kiệt (thôn Phước Hội, xã Quế Lâm) đến nay không còn phải chạy vạy mượn tiền mua phân bón để gieo sạ như những năm trước. Ông Kiệt cho biết: "Gia đình tôi có 6 sào đất khô, 3 sào ruộng. Trước đây, đầu mỗi vụ sản xuất, gia đình đều phải lo một khoản tiền lớn để mua phân bón. Có những thời điểm khó khăn, không có tiền mua phân bón, vật tư sản xuất nên bị chậm thời vụ. Vụ đông xuân này, được Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam đứng ra tín chấp với doanh nghiệp cung ứng phân bón, chúng tôi được mua phân bón NPK Đầu Trâu theo phương thức trả chậm, giúp gia đình giảm bớt khó khăn, yên tâm sản xuất".

Được mùa lúa ở huyện Nông Sơn.

Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công ty Phân bón Bình Điền vừa triển khai đề án hỗ trợ nông dân mua phân bón theo phương thức trả chậm trên địa bàn xã Quế Lâm, H. Nông Sơn. Theo ký kết, công ty bán phân bón bán trả chậm 4 tháng cho nông dân theo giá 545 nghìn đồng/bao 50kg (so với giá trả trước là 530 nghìn đồng/bao), 285 nghìn đồng/bao 25kg (so với giá trả trước là 270 nghìn đồng/bao). Mặc dù giá cao hơn so với mua trả trước nhưng người dân vẫn phấn khởi đăng ký mua phân bón trả sau. Vì mỗi đầu mùa vụ, một bộ phận nông dân không đủ khả năng chi trả trực tiếp chi phí làm đất, mua giống, phân, thuốc diệt mầm,... Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho hộ nông dân đầu tư sản xuất, tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, góp phần tăng năng suất cây trồng, đồng thời không phải chạy vạy lo vốn đầu tư khi chưa có điều kiện chi trả.

Tuy mới được triển khai trên địa bàn H. Nông Sơn nhưng đến nay chương trình mua phân bón trả chậm đã thực sự là "bà đỡ" đối với người nông dân. Ông Lưu Ngọc Chung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Lâm cho biết tham gia chương trình này, nông dân sẽ không phải lo lắng giá cả thất thường, phân bón giả, kém chất lượng... Công ty chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và giá cả của các loại phân bón. Ngoài ra, công ty còn tập huấn về quy trình, kỹ thuật sử dụng phân bón, chăm sóc cây trồng cho nông dân để họ áp dụng vào sản xuất một cách hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Thời gian qua, từ chủ trương của H. Nông Sơn, các hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi gần 500ha diện tích đất lúa gặp khó khăn về nước tưới sang trồng bắp, và đến nay đã chuyển đổi được hơn 200ha, nâng tổng diện tích trồng bắp toàn huyện lên 872ha. Thực tế, việc trồng các giống bắp lai trên đất khô hạn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp gặp khó khăn do giá cả đầu ra của bắp thường bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái thu mua ở địa phương, trong khi người nông dân không nắm được giá bán thực ở trên thị trường thế nào. Ông Trần Văn Lưu - Trưởng Trạm Khuyến nông -Khuyến ngư huyện cho biết: "Ngành nông nghiệp huyện đã xúc tiến tìm hiểu, liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ổn định đầu ra cho nông sản để người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng". Những nỗ lực đó bước đầu có kết quả khi Công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam vừa ký  cam kết bao tiêu sản phẩm bắp trên địa bàn 3 thôn Phước Hội, Tứ Trung 1, Tứ Trung 2 (xã Quế Lâm). Phía công ty cung cấp giống bắp, hướng dẫn kỹ thuật và sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá cả thỏa thuận giữa hai bên. Hợp đồng ghi rõ, mức giá sàn ban đầu công ty đưa ra là 5 nghìn đồng/1kg bắp khô. Đến thời điểm thu mua, nếu giá trị trường cao hơn thì công ty sẽ mua theo giá thị trường, nếu giá thị trường thấp hơn 5 nghìn đồng/1kg thì công ty vẫn sẽ mua theo giá đã ký kết. Ông Nguyễn Văn Thanh - đại diện Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam khu vực miền Trung cho biết, hiện nay công ty có một nhà máy chế biến thức ăn gia súc đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định, mỗi năm tiêu thụ 42 nghìn tấn bắp, nhưng nguồn nguyên liệu bắp ở khu vực miền Trung không đáp ứng đủ về số lượng cũng như chất lượng. Chính vì vậy, phía công ty đang đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất trồng bắp khép kín với địa phương để có thể chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ cho nhà máy.

Việc triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cũng như bao tiêu sản phẩm cho nông dân với sự liên kết của các công ty kinh doanh là hướng đi mới đã đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình sản xuất của nông dân ở xã Quế Lâm nói riêng và H. Nông Sơn nói chung. Từ đó, họ yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Đồng thời, nâng cao thu nhập của các hội viên nông dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế gia đình và xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất đầu nguồn sông Thu Bồn của xứ Quảng.

Thảo Nguyên