Kỷ niệm 101 năm ngày sinh Cố Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công 7-8:

Ba lần giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Thứ tư, 07/08/2013 10:40

(Cadn.com.vn) - Sau Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng  lần thứ 15, trở về khu 5 với cương vị Bí thư Khu ủy, bên cạnh trách nhiệm nặng nề là lãnh đạo nhân dân Khu 5 chuyển hướng cách mạng miền Nam theo tinh thần Nghị quyết 15, đồng chí Võ Chí Công còn nhận lãnh một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn và phức tạp khác, đó là lãnh đạo việc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lúc bấy giờ đang bị địch quản thúc tại Phú Yên.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) được thành lập do đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Tổng Thư ký. Chức vụ Chủ tịch Mặt trận vẫn còn trống, đang chờ sự có mặt của Luật sư. Lúc này, nhiệm vụ giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Vì sự nghiệp chung của cách mạng, thực hiện một chiến lược quan trọng của Đảng, trước khi vào nhận nhiệm vụ Phó Bí thư T.Ư Cục miền Nam, đồng chí Võ Chí Công đã  bàn với đồng chí Tư Khiêm, Thường vụ Khu ủy 5 vào làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, bàn kế hoạch giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với 2 phương án: Một là dùng đặc công và đơn vị bộ binh đánh vào Củng Sơn đưa Luật sư Thọ ra. Hai là, bằng hợp pháp nhưng rất bí mật ban đêm giải thoát Luật sư Thọ, đưa ra căn cứ của ta. Phương án như trên, nhưng phải trải qua 3 lần mới giải thoát được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Gia đình Luật sư Nguyễn Hữu Thọ khi ở Tuy Hòa năm 1960. Ảnh Tư liệu

Lần thứ nhất diễn ra vào ngày 10-5-1961. Lúc này luật sư đang điều trị ở nhà thương Tuy Hòa. Vấn đề đặt ra là phải tìm được người đáng tin cậy, đồng thời tìm cái cớ đến nhà thương gặp được luật sư mà được luật sư tin là người của cách mạng. Sau khi bàn và được sự thống nhất của luật sư, ta sẽ cử người đem xe đạp đến nhà thương cho luật sư, sau đó luật sư sẽ đi xe đạp theo xe của cơ sở đến chùa Núi Cam, ở đó sẽ có đặc công, trung đội bảo vệ đưa lên căn cứ của Tỉnh ủy Phú Yên. Tuy nhiên trên đường đưa xe đến nhà thương cho luật sư thì bị phát hiện, cơ sở của ta bị địch bắt, kế hoạch giải thoát thất bại.

Lần thứ hai, nhân lúc vào T.Ư Cục họp, đồng chí Võ Chí Công ghé vào Phú Yên để bàn chỉ đạo và thống nhất phương án giải thoát luật sư. Lúc này Khu ủy chỉ thị cho Tỉnh ủy Phú Yên, bằng mọi giá phải đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra căn cứ. Để giúp Tỉnh ủy Phú Yên, Khu ủy sẽ chi viện một số cán bộ đặc công, quân báo và một số bộ đội, thành lập đơn vị đặc nhiệm để thực hiện kế hoạch, với tên gọi "kế hoạch anh Thọ". Phương án đưa ra là dùng lực lượng quân sự tập kích bất ngờ vào chi khu quân sự Củng Sơn, làm chủ quận lỵ, đưa luật sư ra ngoài. Đêm 19-6-1961, ta tiến công làm chủ quận lỵ, một tổ đặc công theo chân cơ sở đến nơi ở đưa luật sư đi, thì xuất hiện tình huống bất ngờ, vì vào lúc 18 giờ chiều, địch đưa luật sư về Tuy Hòa gặp con từ Sài Gòn ra thăm.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (thứ hai, phải sang) tại cơ quan Tỉnh ủy Phú Yên
sau khi được giải thoát.

Lần thứ ba, vào tối 30-10-1961, lúc này Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang ở Tuy Hòa, theo kế hoạch luật sư sẽ đi xe đạp ra mộ Bà Du Ký, ở đó sẽ có một đơn vị đặc công chờ đón đưa luật sư lên cơ quan Tỉnh ủy Phú Yên. Lần này kế hoạch đơn giản nhưng đạt kết quả, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được giải thoát và đưa về căn cứ an toàn.   Việc giải thoát thành công luật sư Nguyễn Hữu Thọ có ý nghĩa lịch sử, thể hiện sự chỉ đạo quyết đoán, nhạy bén của Khu ủy 5, Tỉnh ủy Phú Yên, trong đó có vai trò của đồng chí Võ Chí Công. Từ đây, Mặt trận có được người lãnh đạo đầy tài năng, đức độ, đủ sức nhận lấy ngọn cờ hiệu triệu nhân dân thực hiện nhiệm vụ chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Lúc này ở T.Ư Cục, mọi công việc chuẩn bị cho Đại hội MTDTGPMN lần thứ nhất đã được đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo thực hiện cơ bản xong như: Báo cáo tình hình và nhiệm vụ của Mặt trận, Chương trình, Điều lệ, dự kiến nhân sự... chỉ còn người chủ trì Đại hội - Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Hữu Thọ. Đúng lúc đó, tháng 2-1962, đồng chí Võ Chí Công vô cùng vui mừng, xúc động khi nhận được điện của Khu ủy 5 báo đã giải thoát được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Như vậy mọi công tác chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận đã hoàn tất.  Từ ngày 16-2  đến ngày 3-3-1962, tại vùng Kà Tum, Tây Ninh, Đại hội MTDTGPMN lần thứ nhất được tổ chức với sự có mặt của đông đảo đại biểu đại diện cho các chính Đảng, đoàn thể, các nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo. Đại hội đã bầu Ủy viên T.Ư MTDTGPMN chính thức gồm 52 vị, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Mặt trận, đồng chí Võ Chí Công là một trong 5 Phó Chủ tịch. Đại hội diễn ra thành công, tốt đẹp có tiếng vang trong cả nước và trên thế giới, là bước ngoặc lịch sử đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ vẻ vang của MTDTGPMN đã tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân miền Nam Việt Nam hăng hái chiến đấu đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước lên bước phát triển mới, làm thất bại các âm mưu chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Lê Năng Đông