Bà mẹ Campuchia của tôi!

Thứ bảy, 20/12/2014 10:07

(Cadn.com.vn) - 10 năm công tác và chiến đấu trên đất nước Chùa Tháp (1979-1989) với tôi có rất nhiều kỷ niệm buồn, vui, vào sinh ra tử. Trong đó có một kỷ niệm khó quên về tình cảm sâu đậm của người dân Campuchia đối với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Khoảng tháng 3-1979, tôi làm chuyên gia ở xã Căn Chàm, H. Tha La, tỉnh Stung Treng, Campuchia, có quen bà mẹ người Campuchia tên là Se Kum Lan.  Bà xem tôi như người ruột thịt trong gia đình. Bà có 2 người con, con trai đầu làm giáo viên Tiểu học, cô con gái thứ 2 tên là Thi Đa Ma Ny, lúc đó chừng 11-12 tuổi. Hằng ngày mẹ làm bánh ram mang bán dạo quanh xóm để sinh sống nên mỗi buổi sáng, bé Ny lại mang một đĩa bánh ram vào phòng làm việc của tôi để bán cho "các chú bộ đội Việt Nam".

Thỉnh thoảng, mẹ lại bảo tôi về ăn cơm cùng gia đình. Có dịp tìm hiểu về hoàn cảnh của mẹ, tôi trao đổi với mẹ nên chuyển nhà về thị xã để dễ buôn bán hơn vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh này và nhận lời hứa sẽ giúp đỡ gia đình mẹ. Sau đó không lâu tôi về thị xã họp và may mắn gặp được một người quen làm Trưởng ty Giáo dục, tôi đặt vấn đề xin một miếng đất cho bà mẹ nuôi ở dưới quê có nguyện vọng muốn chuyển về thị xã sinh sống, người bạn nhận lời và tôi đã xin được miếng đất chừng vài trăm mét cho mẹ chuyển về đó mở quán bán phở. Cuộc sống gia đình mẹ ngày càng khấm khá hơn và cũng từ đó tình cảm giữa tôi với gia đình mẹ càng sâu đậm hơn... 

Cô bé con của em Ny nay đã là một thiếu nữ.

Thời gian sau tôi có chuyến công tác dài ngày ở Lào trở về, tôi ghé thăm mẹ trước khi về cơ quan. Vừa vào đến nhà, mẹ mừng rỡ chạy lại ôm tôi và nói: "Trong thời gian con đi công tác ở nhà có người đến dạm hỏi em gái con nhưng mẹ vẫn chưa quyết định vì chờ ý kiến của con". Tôi trả lời mẹ: "Em Ny là con gái của mẹ thì mẹ quyết định chứ sao mẹ lại hỏi ý kiến của con, hơn nữa con là Bộ đội Việt Nam thì làm sao con có quyền đồng ý hay không", nhưng mẹ vẫn một mực khăng khăng là tôi mới là người quyết định. Tôi thật bất ngờ và xúc động khi mẹ xem tôi như người con trai cả trong gia đình. Tôi hỏi người đến dạm hỏi bé Ny đang làm nghề gì và ở đâu, mẹ cảm động nhìn tôi và trả lời người đó có tên là Mâu hiện đang là nhân viên Bưu điện tỉnh. Tôi chợt nhớ ra đây là cậu thanh niên khá hiền lành đã có lần đi công tác ở cơ sở cùng với tôi nên tôi nói với mẹ đồng ý. Một tuần sau lễ hỏi em Ny diễn ra, tôi vinh dự và tự hào mình là người lính tình nguyện Việt Nam được tham gia cùng gia đình đi họ, họ nhà gái có tất cả 52 người, mỗi người bưng trên tay một đĩa hoa quả theo phong tục của người Campuchia...

Gần 30 năm sau tôi có dịp trở lại Campuchia. Hôm ấy, khi tôi đang đứng bên dòng sông Tôn Lê San nhìn về phía huyện Tha La, nơi một thời tôi đã từng vào sinh ra tử, nơi tôi đã có nhiều kỷ niệm về tình cảm của người dân Campuchia đối với mình..., bỗng một cô bé tuổi chừng đôi mươi chạy đến ôm chầm lấy tôi và gọi "Bác Sáu!". Tôi đang ngỡ ngàng thì cô bé nhanh nhảu: "Con là con của má Ny đây!". Hôm ấy tôi theo cô bé về nhà thăm mẹ nuôi, mới biết mẹ bị bệnh và đã qua đời cách đây không lâu. Trong niềm xúc động dạt dào, tôi thầm cảm ơn mẹ đã dạy bảo, giáo dục cho con cháu trong bao nhiêu năm qua vẫn không quên những người lính tình nguyện Việt Nam đã từng hy sinh xương máu, gian khổ để giúp cho đất nước Chùa Tháp của mẹ được hồi sinh...

Trịnh Thanh Sáu