Bà mẹ Gò Nổi

Thứ sáu, 13/04/2018 07:05

Bà là Mẹ VNAH Trần Thị Lài (còn gọi là mẹ Tấn) ở xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam năm nay bước qua tuổi 101. Bị địch bắt 53 năm trước đến khi tròn tuổi 100, bà mới được công nhận là tù yêu nước. Nhưng câu chuyện về bà khốc liệt hơn thế khi người chồng là Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, sau đó hai con trai lần lượt hy sinh.

Mẹ Tấn và con trai út hôm nay.

Ngục Chín Hầm vang bóng người cộng sản

Mẹ Tấn ở với con trai út là Nguyễn Đình Bình, trước đây làm ở Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng. Ngôi nhà nhỏ ở số 27-Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng khá cũ và hẹp lại thêm nhiều dụng cụ y tế, xe lăn, giàn đỡ. Hai năm nay, bà không thể tự đi lại được, phải dựa vào con. Trí nhớ cũng không còn liền mạch, nói năng khó nhọc. Anh Bình dành toàn bộ thời gian chăm sóc mẹ và cũng là người “phiên dịch”. Chăm chú nhìn bên tường đầy những phần thưởng cao quý của Nhà nước, danh hiệu Mẹ VNAH của mẹ chồng Lưu Thị Thặng và con dâu Trần Thị Lài (Tấn), các tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, tôi chựng lại khi thấy một cái tên quen thuộc đã gặp nhiều lần, liền hỏi: “Có một con đường mang tên Nguyễn Đình Trân ở Q. Ngũ Hành Sơn chính là ba anh?”. Anh Bình khẽ gật đầu và lấy từ trong tủ ra tập tài liệu mà người bạn tù ngục Chín Hầm đã viết về giây phút cuối của ông Nguyễn Đình Trân. Một cuộc đời oanh liệt vậy mà suýt bị oan ức...

 Ở xã Điện Trung có đình làng Lãnh Đông được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh bởi được xây dựng lâu đời và những năm 1930 – 1945, là nơi hội kín của chi bộ Đảng đầu tiên vùng đất này. Một trong những người lãnh đạo ấy là đồng chí Nguyễn Đình Trân. Làm bí thư Huyện ủy Điện Bàn, rồi Tiên Phước từ năm 1947, đến năm 1954, ông là Phó ban Tổ chức, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Không tập kết ra Bắc, ông được phân công nằm vùng ở Huế nhằm chuẩn bị cho Tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève. Chuyện rằng, nhớ vợ con, ông muốn có tấm ảnh để nhìn cho thỏa. Bà Tấn dẫn 3 đứa con ra Hội An chụp và gửi chồng. Ông chỉ dám giữ một vài ngày rồi đưa cho cơ sở. Sau ngày giải phóng, tấm ảnh được giao lại vợ con ông như một điều kỳ diệu. Năm 1958, ông bị bắt tại Huế và đưa vào trại giam Tòa khâm sứ. Biết ông là cán bộ “gộc”, Ngô Đình Cẩn dùng mọi thủ đoạn lung lạc, lôi kéo, mua chuộc bằng chức vụ, cuộc sống sung sướng để ông chuyển hướng và hợp tác.

Ông cùng các đồng chí cốt cán của ngục lập thành tổ Đảng trong chi bộ nhà tù, bí mật vạch ra đường lối đấu tranh chính trị, tuyên truyền các tù nhân kiên định lập trường, không mắc mưu thâm hiểm của địch. Từ giam lỏng đến “biệt phòng”, vẫn không làm ông nao núng. Biết không thể nào khuất phục, tên bạo chúa Ngô Đình Cẩn đưa ông vào ngục Chín Hầm khét tiếng được ví như cái “mồ” chôn sống tù nhân. Suốt 6 tháng trời nằm trong cái chuồng ẩm ướt, lạnh thấu xương, bị viêm phổi nặng, ho rũ rượi đến kiệt sức, ông vẫn dành từng phút giây hiếm hoi khỏe khoắn để tuyên truyền đấu tranh. Câu thì thào trước lúc lìa cõi đời của ông là: “Chết vì cách mạng, chết để bảo toàn khí tiết là vinh quang. Nay Trân xin vĩnh biệt. Các đồng chí hãy cố sống, trở về với Đảng trong ngày toàn thắng” trở thành tấm gương lưu truyền thời ấy.

Hy sinh vẻ vang năm 1961 có sự chứng kiến của nhiều đồng chí, nhưng sau giải phóng, ông Nguyễn Đình Trân không được công nhận là liệt sĩ bởi bọn địch trước đó tung tin ông được thả ở Sài Gòn. Có người còn nói thấy ông trong đó (?). Vậy là gần 10 năm, anh Nguyễn Đình Bình lặn lội đi tìm dấu vết của cha. May mắn là nhờ một sự tình cờ, anh gặp được Đại tá tình báo quân đội Nguyễn Minh Vân và ông Nguyễn Văn Quý đều ở Hà Nội, người cùng trong tổ Đảng ngục Chín Hầm với ba mình. Nhờ thế mà năm 1984, ông Nguyễn Đình Trân mới được công nhận là liệt sĩ. Sau này hài cốt ông, đồng đội đưa về nghĩa trang Điện Bàn.

 “Trại Bà Tấn” che chở những đứa con

Là vợ một cán bộ lãnh đạo của địa phương nên bà Tấn sớm bước chân vào con đường hoạt động cùng với chồng. Bà là cơ sở nuôi giấu cán bộ Huyện ủy những ngày đầu cách mạng (được tặng huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì). Sau khi chồng hy sinh, năm 1969, người con trai Nguyễn Đình Lâm, chiến sĩ đường dây K600 của tỉnh cũng ngã xuống trong một chuyến đi tải lương thực lúc mới 18 tuổi. Người con trai cả Nguyễn Đình Tân được đưa ra Bắc từ năm 1954, học rất giỏi, đã tu nghiệp kỹ sư tên lửa ở Liên Xô. Về nước, chuẩn bị cưới vợ nhưng nghe tin miền Nam nước sôi lửa bỏng, anh viết đơn bằng máu xin được đi chiến trường. Trong đội hình đường dây 559 anh vào Quảng Bình, rồi bị trúng bom Mỹ, hy sinh năm 1970 để lại bao thương tiếc cho đồng đội. Giấu nước mắt vào trong, bà Tấn lao vào hoạt động cách mạng. Năm 1964, khi đang phục vụ bộ đội địa phương đánh cơ quan ngụy quyền xã, bà bị địch bắt giam ở nhà lao Vĩnh Điện, bỏ lại hai đứa con thơ tuổi lên mười tự chống chọi với trận lụt năm Thìn lịch sử. Ở tù ra, bà hoạt động bất hợp pháp. Các con gửi ra thành phố ở với người trong họ bởi nhà chồng cũng đã hy sinh hết. Được giao làm Hội trưởng hội phụ nữ xã, bà trở thành chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, du kích. Khi Gò Nổi địch phong tỏa, “Trại Bà Tấn” là nơi cung cấp lương thực cho cách mạng. Cán bộ, bộ đội ai đi qua vùng Bàn Lãnh – Lãnh Đông đều ghé nơi này.

Ông Phạm Trường Châu, nguyên Xã đội trưởng xã Điện Trung trong chiến tranh nói về mẹ Tấn đầy khâm phục: “Mẹ Tấn, mẹ Kiệt (mẹ VNAH) là linh hồn của đội du kích chúng tôi. Không có các mẹ, chúng tôi khó bề hoạt động. Mùa lụt, cánh đồng trắng nước, trên là máy bay, dưới ca nô của địch đi rà bắt những ai bám trụ. Những người dân cuối cùng lần lượt đi hết, vậy mà hai mẹ vẫn kiên cường sống chết với cách mạng. Bằng mọi cách tìm nắm gạo, mớ rau cho anh em chiến đấu”. Sau giải phóng, bà Tấn làm Hội phó hội phụ nữ xã Điện Trung rồi xin nghỉ, nhường cho lớp trẻ nhiều chữ hơn công tác. Bà kể: “Hồi đó, nhờ mấy đứa trong xã ghi lý lịch Đảng giúp. Chúng bảo bà là viết vắn tắt thôi chứ kể nhiều, mất công đi chứng minh. Vì thế mà cái đoạn ở tù Vĩnh Điện bị bọn địch đánh dã man không ghi. Sau này thấy những người bị bắt được giấy chứng nhận mà mình thì không, thắc mắc mấy lần nhưng chẳng giải quyết được, bỏ luôn!”. Cuối năm 2016, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đến thăm, bà vui miệng kể chuyện này. Vậy là ngay sau đó, Thành ủy Đà Nẵng đã cấp tốc cho người kiểm tra tàng thư lưu trữ và phối hợp với tỉnh Quảng Nam xác minh để bà được công nhận là tù yêu nước. Kỷ niệm đại thọ 100 tuổi, năm 2017, bà có tên là hội viên tù yêu nước của Q. Thanh Khê. Ai cũng bảo trường hợp này chắc cả nước chỉ có một.

Ngôi nhà của bà Tấn ở thôn Đông Lãnh, Điện Trung, nơi ghi dấu ấn của 2 mẹ VNAH, 5 liệt sĩ trong đó có một Thường vụ Tỉnh ủy, khá đơn sơ, nhỏ bé. Thật ra ngôi nhà “cộng sản” này bị giặc đốt mấy lần, bà Tấn dựng tạm lại sau năm 1975. Ở với con nhưng nhớ quê, bà về thường xuyên, hai năm nay mới thôi vì sức yếu dần. Anh Bình nói rằng cũng muốn xây lại cho khang trang một chút làm nơi lưu niệm, giáo dục truyền thống cho con cháu hay giỗ chạp, tết, lễ về thắp hương liệt sĩ nhưng lực bất tòng tâm...

HỒNG VÂN