Ba mối quan hệ xuyên suốt trong phòng chống bạo lực học đường

Thứ sáu, 07/07/2023 09:12
Trong giáo dục, hình thành kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường cần phải quan tâm đến ba mối quan hệ gia đình là nền tảng, nhà trường là then chốt và xã hội là xuyên suốt, không thể “khoán trắng” hết cho nhà trường.
Học sinh Trường THCS Hồng Sơn chia sẻ về việc đối diện với bạo lực học đường.
Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh.

Thời gian qua, tại Nghệ An, các thông tin về bạo lực học đường xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội với nhiều đối tượng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 200 vụ bạo lực học đường. Trong đó, năm 2021 xảy ra 96 vụ bạo lực học đường (15 vụ bạo lực trong trường học và 81 vụ bạo lực ngoài nhà trường). Năm 2022, số vụ bạo lực học đường qua thống kê có giảm 3 vụ, chỉ còn 93 vụ. Tuy nhiên, số vụ bạo lực học đường trong nhà trường tăng lên 28 vụ và ngoài nhà trường là 65 vụ. 6 tháng đầu năm 2023, thống kê chưa đầy đủ, đã xảy ra 38 vụ bạo lực học đường với 17 vụ trong nhà trường và 21 vụ ở ngoài nhà trường.

Hầu hết các vụ việc là các vụ xô xát, một số vụ việc xảy ra ngoài nhà trường có quay clip gây bức xúc dư luận. Điều đáng buồn, trong các vụ bạo lực học đường xảy ra trong năm học 2022-2023, có vụ việc âm ỉ, kéo dài trong nhiều tháng, có thể là nguyên nhân khiến một nữ sinh lớp 10 tự vẫn và dấy lên hồi chuông cảnh báo trong xã hội.

Thời gian qua, mặc dù Sở GD-ĐT Nghệ An và các cơ sở giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, tuy nhiên tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều hình thức khác nhau. Ngoài bạo lực về thể chất, còn xuất hiện tình trạng bạo lực tinh thần, bắt nạt trực tuyến. Một số trường, lớp xảy ra tình trạng học sinh chia rẽ bè phái, cô lập bạn bè, lập facebook giả để vu khống, nói xấu bạn bè… dẫn đến học sinh bị trầm cảm, tự kỷ.

Ông Trịnh Văn Nhã - Chủ tịch UBND H.Thanh Chương, thành viên Ban Văn Hóa- Xã hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII cho rằng, đây là vấn đề “nóng” được cử tri và nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Qua khảo sát tại một số trường học của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa qua cho thấy, ngành GD-ĐT đã quan tâm giáo dục kỹ năng sống, ngăn ngừa bạo lực học đường cũng như phòng chống đuối nước với một số mô hình sáng tạo ở nhiều trường học, song hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Theo ông Nhã, trong giáo dục, hình thành kỹ năng sống cho học trò, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước cho trẻ cần phải quan tâm đến ba mối quan hệ gia đình là nền tảng, nhà trường là then chốt và xã hội là xuyên suốt. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là gia đình nền tảng, không thể “khoán trắng” cho nhà trường. Tuy nhiên trong khuôn khổ của ngành, Sở GD-ĐT cần chỉ đạo đồng bộ các trường học giống như đề cương giáo dục kỹ năng sống để học sinh có khả năng tự phòng vệ trước tai nạn thương tích, đuối nước cũng như bạo lực học đường. “Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của cha mẹ, người thân được. Những người sát cánh hàng ngày mà không quan tâm, không nắm được diễn biến tâm lý, tư tưởng của con mình thì có phần lỗi. Phụ huynh rất yên tâm khi gửi con em vào trường. Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nhưng thực tế có một số em vô cùng áp lực, ám ảnh khi bị bạo lực học đường. Nhà trường cùng giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, ban chấp hành đoàn trường… phải hình thành tổ tư vấn tâm lý hoặc các hòm thư góp ý để tư vấn” – ông Trịnh Văn Nhã cho hay.

Bà Phan Thị Minh Lý - Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước, trẻ em là tương lai của đất nước và của mỗi gia đình; nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ em gồm ba “trụ cột”; giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và sức khoẻ thể chất, tinh thần. Song thực tiễn lâu nay, chúng ta quan tâm quá nặng đến giáo dục kiến thức, trong khi giáo dục kỹ năng sống và sức khoẻ chưa được quan tâm nhiều, bao gồm cơ sở vật chất trong các nhà trường, khu dân cư và nhân lực thực hiện nhiệm vụ này.

Học sinh Trường THCS Hồng Sơn chia sẻ về việc đối diện với bạo lực học đường.

“Vừa qua, khi đi khảo sát về vấn đề bạo lực học đường, chúng tôi thấy rằng, ngoài vấn đề chăm sóc về thể chất rồi thì còn có những vấn đề về chăm sóc sức khỏe tâm, sinh lý. Qua trao đổi ý kiến, một số Hiệu trưởng của các trường băn khoăn ở chỗ thiếu những giáo viên có trình độ, kiến thức về chăm sóc tâm lý cho học sinh. Đưa đến hệ quả, nhiều em học sinh bị trầm cảm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là tự tử. Ngoài ra, chăm sóc trẻ em chúng ta thường giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục, ngành thương binh xã hội và ngành y tế nhưng việc phối hợp giữa các ngành này trong chăm sóc trẻ em chưa được quan tâm nhiều” – bà Phan Thị Minh Lý chia sẻ thêm.

Trước thực trạng bạo lực học đường đang trở thành vấn đề gây nhức nhối dư luận, tỉnh Nghệ An cần nghiên cứu giải pháp để giải quyết từng bước các vấn đề đặt ra trong thực tiễn; đồng thời tăng cường phối hợp hiệu quả hơn giữa các sở, ngành và các tổ chức trong hệ thống chính trị liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cần nghiên cứu xây dựng và áp dụng các mô hình giáo dục kỹ năng sống phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, vùng miền.

Dương Hóa