Bắc Cực - tiêu điểm thế giới

Thứ năm, 05/09/2013 11:51

(Cadn.com.vn) - Bắc Cực không chỉ “nóng lên” khi những tảng băng đang tách ra, trôi dạt về các đại dương mà còn đang “hừng hực” lên bởi việc tranh giành chủ quyền của các nước có vùng biên giáp với Bắc Cực. Việc Hội đồng Bắc Cực (AC) vừa đồng ý kết nạp thêm 6 quốc gia quan sát viên là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Italia là nhằm giải quyết mối quan tâm đầy hứa hẹn cũng như những thách thức trong quá trình tiếp cận vùng đất xa nhất ở cực Bắc trái đất này.

Quá trình băng tan ở Bắc Cực cũng làm lộ ra nhiều điều mà xưa nay con người chưa ngờ tới. Đó là cơ hội tiếp cận với nguồn dầu khí thiên nhiên, khoáng sản mà theo giới thạo tin thì rất lớn, rất tiềm ẩn. Bên cạnh đó, nó còn rút ngắn các tuyến đường hàng hải, tạo điều kiện cho việc khai thác thủy sản và xa hơn sẽ là những cuộc cạnh tranh khốc liệt cả kinh tế lẫn chính trị tại vùng đất lạnh lẽo mà người ta quen gọi là Bắc Băng Dương này.

AC và 5 quốc gia Châu Á

Đúng như tên gọi, AC được thành lập năm 1996, hiện có 8 thành viên thường trực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Trong số 6 thành viên mới  được kết nạp, có đến 5 cái tên thuộc Châu Á. Điều này phản ánh hai xu thế.

Thứ nhất, sự quan tâm của chính các quốc gia Châu Á đến những cơ hội thương mại hiện đã và đang được hình thành tại Bắc Cực. Thứ hai, AC cần thiết phải tăng cường vị thế, trở thành một tổ chức tiên phong, ưu việt trong việc thảo luận và giải quyết các vấn đề có liên quan đến vùng đất rộng lớn ở cực Bắc. Tóm lại, sự phát triển năng động của AC cho thấy tương lai của Bắc Cực rất tiềm ẩn và sáng sủa.

Trong đó có sự đóng góp của các quốc gia Châu Á, nơi không hề có đường biên với Bắc Cực nên nó lại càng khách quan và quan trọng. Đặc biệt, sự tham dự của các nước Châu Á còn đóng vai trò rất lớn một khi Bắc Cực mở ra những tuyến đường hàng hải mới như Tuyến Tây Bắc (NWP) và Tuyến Bắc (NSR) do biến đổi khí hậu tạo nên sẽ giúp cho các nước Châu Á vận chuyển hàng hóa tới Châu Âu nhanh, rẻ hơn so với đi qua eo Malacca và Kênh đào Suez. Năm 2011, một chuyến tàu của Nhật chở quặng sắt của Nga từ Kola Peninsula đi Trung Quốc đi lại thành công trên tuyến đường NSR. Hiện nay, Trung Quốc đang có kế hoạch sử dụng tuyến NSR để vận chuyển hàng hóa từ Đại Liên đi Rottergam, Hà Lan (rút ngắn chỉ còn 48 ngày) hạn chế mối nguy hiểm, kể cả cướp biển khi đi qua kênh đào Suez, nhất là nạn cướp biển vùng Sừng Châu Phi.

Mối quan tâm thứ 2 đối với các quốc gia quan sát viên Châu Á chính là nguồn tài nguyên đang nằm sâu dưới những lớp băng dày tại Bắc Cực. Theo số liệu tính toán của Cơ quan Địa chất Mỹ (UGS), Bắc Cực hiện chiếm khoảng 30% trữ lượng khí thiên nhiên, 13% dầu của nhân loại chưa được khai thác, 84% nguồn tài nguyên ở vùng Bắc Cực hiện đang “ngủ yên” dưới lòng đại dương, trong khi đó giá nhiên liệu trên thế giới đang tăng từng ngày.

Nguồn tài nguyên Bắc Cực được nhiều quốc gia quan tâm, nhòm ngó.

Thêm quyền, thêm khách quan

Ngoài ra, việc các quốc gia Châu Á tham gia tư cách quan sát viên của AC còn nhằm 2 mục đích khác.

Một, với tư cách quan sát viên giúp các nước này được công nhận là thành viên nghiên cứu Bắc Cực “danh chính ngôn thuận”. Trước tiên là nghiên cứu những gì liên quan đến biến đổi khí hậu và tác hại của nó đến đời sống kinh tế- xã hội, nhằm giúp các quốc gia này tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là những quốc gia ở vùng đất thấp như Singapore. Thứ hai là AC muốn trao quyền cho các quốc gia Châu Á như Trung-Ấn-Nhật thực hiện những vấn đề nóng bỏng liên quan đến Bắc Cực, kể cả giải quyết những vấn đề về tranh chấp, an ninh phức tạp. Chưa hết, việc tiếp nhận các nước Châu Á làm quan sát viên còn xây dựng sân sau vững chắc cho việc bảo toàn an ninh cho Bắc Cực theo đúng thông lệ quốc tế, giúp 5 quốc gia có đường biên với Bắc Cực bảo vệ chủ quyền dưới sự bảo trợ của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Với tư cách là quan sát viên, 5 quốc gia Châu Á còn tham gia các cuộc họp thường niên xử lý những cạnh tranh tồn tại đến Bắc Cực, tạo đối trọng cân bằng với các thành viên Châu Âu. Tuy còn quá sớm dự báo những gì có thể xảy ra nhưng sự có mặt của 5 quốc gia quan sát viên AC sẽ mang lại những thuận lợi cho việc giải quyết những gì nóng bỏng diễn ra tại khu vực này, tạo sân chơi mang tính quốc tế vì lợi ích chung của nhân loại chứ không của riêng bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào.

Kim Hùng

(Theo Diplomat)