Bắc miền Trung gồng mình chống bão số 10

Thứ sáu, 15/09/2017 08:01

Ngày 14-9, chính quyền và nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, TT-Huế dốc hết “nhân tài vật lực” để hoàn tất những khâu cuối cùng trong việc ứng phó với cơn bão số 10. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại Hà Tĩnh và Quảng Bình để trực tiếp công tác chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo  công tác phòng chống bão số 10 tại Quảng Bình.

Không được để dân ở vùng nguy hiểm

Chiều 14-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tiến độ thi công tuyến đê Kỳ Ninh, H. Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp sơ tán dân đến nơi an toàn, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Tại cảng Hòn La và Cảng Gianh, H. Bố Trạch, Quảng Bình (một trong những cảng lớn nhất của tỉnh Quảng Bình) nơi có hơn 700 tàu thuyền của địa phương và các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi vào đây tránh trú, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng động viên thăm hỏi các ngư dân cũng như nhắc nhở các ngư dân không được chủ quan và luôn chủ động để ứng phó với bão.

Trước đó, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó trưởng BCH PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã ký lệnh sơ tán gần 11.000 hộ dân với trên 47.400 người tại các huyện ven biển như Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh và Khu Kinh tế Vũng Áng, huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân cư các xã vùng ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn, thời gian sơ tán dân xong trước 17 giờ ngày 14-9. UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh điều động phương tiện, lực lượng và phối hợp với chính quyền các huyện ven biển, ven cửa sông tổ chức di dời dân và đảm bảo ANTT ở khu vực phải di dời đi và đến. Trưởng các đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại các huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện di dời dân đúng thời gian quy định và không được để dân quay lại khi bão chưa tan.

Để tránh thiệt hại cũng như đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Quảng Bình cũng đã lên phương án sẵn sàng di dời 20.290 hộ/76.069 người dân trong trường hợp khẩn cấp với bão cấp 12 – 13 khỏi vùng nguy hiểm.

Cũng trong chiều 14-9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác PCLB Trung ương đã đến tỉnh Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo việc phòng chống bão số 10. Theo đó, tỉnh Quảng Bình cần chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Tại cảng Gianh, H. Bố Trạch, một trong những cảng lớn nhất của tỉnh Quảng Bình, nơi có hơn 700 tàu thuyền của địa phương và các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi vào đây tránh trú, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra tình hình, công tác chuẩn bị đối phó với bão tại đây. Phó Thủ tướng cho rằng đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng động viên thăm hỏi các ngư dân cũng như nhắc nhở các ngư dân không được chủ quan và luôn chủ động để ứng phó với bão.

Người dân ven biển H. Gio Linh (Quảng Trị) cấp tập xúc cát, chằng chống mái nhà.

Ngư dân chằng néo tàu cá tại H. Triệu Phong (Quảng Trị).

Dồn toàn lực ứng phó với bão số 10

Để ứng phó với bão số 10, ngày 14-10, các phương tiện tàu thuyền và ngư dân lần lượt được đưa vào nơi neo đậu an toàn. Trong đó, Nghệ An có 3.682 phương tiện/15.382 lao động đã neo đậu tại bến an toàn, hiện có 297 phương tiện/2.843 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An, 37 phương tiện/316 lao động đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung. Hà Tĩnh có hơn 6.000 tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão số 10 đổ bộ. Riêng tỉnh Quảng Bình còn có 569 tàu/4.641 lao động đang hoạt động trên biển khu vực Vịnh Bắc Bộ, cửa Vịnh Bắc Bộ và vùng ven bờ từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, 11 tàu cá cùng 61 ngư dân đang đánh bắt tại vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Các tàu thuyền ở trên biển đã nhận được thông tin về cơn bão và đang trên đường về bến neo đậu. UBND các tỉnh đã lần lượt ra công điện cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi, kể từ 7 giờ ngày 14-9. Hoàn thành công tác kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu, trú ẩn an toàn trước 17 giờ ngày 14-9.

Tại các huyện, thị xã ven biển như TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò (Nghệ An); Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và Quảng Ninh, TP Đồng Hới, Nhật Lệ (Quảng Bình)... người dân tập trung neo đậu tàu thuyền về cảng, dùng bao cát, dây thừng... chằng chống nhà cửa và các đồ vật của gia đình. Ngư dân Nguyễn Văn Nam trú tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới cho biết: “Ngay khi nhận được thông báo, chúng tôi lập tức cho thuyền vào tránh trú sau đó về chằng chéo nhà cửa, chuẩn bị đón bão”.

Lực lượng  CAH Hương Sơn (Hà Tĩnh)  giúp dân gặt lúa chạy bão.

Sơ tán hàng vạn hộ dân

Chiều 14–9, Quảng Trị cho toàn bộ học sinh trong tỉnh nghỉ học đến khi hết bão số 10. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính yêu cầu đình chỉ các cuộc họp không cần thiết, dồn sức ứng phó với bão, đặc biệt huy động lực lượng triển khai kế hoạch sơ tán dân với khoảng 130 ngàn người đến nơi an toàn trước 20 giờ cùng ngày. “Lực lượng CA, lực lượng biên phòng, quân sự trực sẵn sàng, rà soát lại tất cả phương tiện để khi bão lũ xảy ra sẽ có cứu hộ cứu nạn kịp thời. Cố gắng để không xảy ra thiệt hại về tính mạng của người dân, cũng như giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Ghi nhận của chúng tôi tại khu neo đậu nam Cửa Việt, người dân cẩn thận kiểm tra việc chằng néo tàu thuyền để tránh va chạm vỡ tàu khi có bão. Nhiều hộ cũng cấp tập mua tre luồng về chằng chống cửa, mái nhà. CA tỉnh Quảng Trị cũng cho hay huy động CBCS về bám sát địa bàn, phối hợp với các lực lượng khác thực hiện kế hoạch sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt tại huyện ven biển như Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. CBCS còn giúp dân thu hoạch diện tích lúa vụ hè thu còn lại. Đối với huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa với những điểm nguy cơ lũ ống, lũ quét, CA và BĐBP đã có mặt từng nhà dân, vận động, giúp đỡ đưa đồng bào đến nơi an toàn.

Tại TT-Huế, khoảng 250.000 học sinh từ cấp mầm non đến cấp THPT và các hệ GDTX được nghỉ học từ chiều 14-9 đến hết ngày 15-9. Tùy theo tình hình, nếu bão lớn sẽ có thông báo được nghỉ tiếp. Việc học bù lại sẽ được tiến hành trong học kỳ này. Ngoài ra, một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TT-Huế với khoảng hơn 60.000 sinh viên cũng đang có kế hoạch cho sinh viên nghỉ học từ chiều 14-9 để đảm bảo an toàn khi cơn bão số 10 rất lớn đang chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung.

Ngư dân TT-Huế gia cố tàu thuyền trước khi bão số 10 đổ bộ.

Trong sáng 14-9, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 tại TP Huế đã có mưa vừa, mưa to kèm gió lớn khiến cho một số cây xanh bị đổ gãy. Vào khoảng 11 giờ cùng ngày, tại đầu cầu Vỹ Dạ thuộc P. Xuân Phú do có gió lớn nên 1 cây xanh bất ngờ đổ gãy và đè lên chiếc xe công vụ BKS 75C - 6767 khi tài xế đang lưu thông. Cùng thời điểm này, tại đường Ngô Quyền (TP Huế) một phụ nữ đi xe đạp cũng bị một cành cây gió thổi gãy đè lên người và bị thương nhẹ.

Gió mạnh khiến cây xanh gãy đổ, đè lên xe công vụ ở đầu cầu Vỹ Dạ (TP Huế).

Tối 14-9, ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND H. Phong Điền cho biết, trên địa bàn đã có 1 người chết, đó là ông Ngô Văn Hiển (43 tuổi, trú thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, H. Phong Điền) chết nghi do ngã rồi bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, cháu Nguyễn Viết Sáng (3 tuổi, trú xã Điền Lộc, H. Phong Điền) mất tích nghi do sóng biển cuốn trôi.

Trên địa bàn tỉnh TT-Huế đã triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm với khoảng 26.977 nhân khẩu/106.104 hộ. Tối 14-9, việc sơ tán, di dời các hộ dân ở vùng ven biển, cửa sông và đầm phá đến nơi an toàn đã hoàn thành. Đến chiều 14-9, có hơn 2.000 tàu, thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và vùng đầm phá của tỉnh đã được kêu gọi vào bờ và sắp xếp trú ẩn tại các địa điểm an toàn.

NHÓM P.V BẮC MIỀN TRUNG