Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2016):

Bác Tôn-người cộng sản mẫu mực, nhà yêu nước vĩ đại

Thứ bảy, 20/08/2016 11:57

Từ người kéo cờ trên Biển Đen...

(Cadn.com.vn) - Người thanh niên yêu nước Tôn Đức Thắng sinh ra và lớn lên tại Cù Lao Ông Hổ (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), trong lúc thực dân Pháp cơ bản áp đặt ách cai trị xã hội Việt Nam. Phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp và tay sai diễn ra khắp nơi. Đặc biệt ở Nam Bộ, tiêu biểu là các cuộc kháng chiến chống Pháp của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Lê Công Thành... Truyền thống yêu nước của quê hương đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm Tôn Đức Thắng.

Ngay từ năm 18 tuổi, với tư tưởng tự lập, anh thanh niên Tôn Đức Thắng đã quyết chí lên Sài Gòn học việc. Tại Sài Gòn, Tôn Đức Thắng xin vào làm công cho các gara, đề-pô tư nhân. Sau đó xin vào học nghề sửa máy tàu. Chính thức gia nhập vào hàng ngũ giai cấp công nhân Việt Nam. Cũng từ đó hàng loạt các sự kiện gây khó chịu cho nhà cầm quyền Pháp liên tiếp nổ ra như sự ra đời của Hội Ái hữu, Hội Cứu tế, Hội Dạy nghề; cuộc đình công của công nhân xưởng Ba Son, bãi khóa của Trường Bách nghệ đều mang dấu ấn của người thanh niên yêu nước Tôn Đức Thắng. Năm 1916, Tôn Đức Thắng bị động viên vào lực lượng hải quân  Pháp, làm thợ máy trên chiến hạm France. Sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng Tôn Đức Thắng vẫn tích cực tham gia cuộc vận động chính trị trong hàng ngũ thủy thủ Pháp. Năm 1919, hải quân Pháp mở cuộc tiến công vào nước Nga Xô Viết, Tôn Đức Thắng đã cùng anh em binh lính Pháp và thuộc địa làm cuộc phản chiến, không thi hành mệnh lệnh tiến công nước Nga. Chính Tôn Đức Thắng là người đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm của Pháp tại Biển Đen - một hành động vô cùng dũng cảm - với sự kiện này, Tôn Đức Thắng trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia bảo vệ Cách mạng Tháng Mười, trở thành chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm công nhân làm việc tại Nhà máy Ba Son
sau ngày đất nước thống nhất, tháng 11 năm 1975.

...đến sáng lập Công hội đỏ Sài Gòn

Năm 1920, do tham gia cuộc phản chiến trên Biển Đen, Tôn Đức Thắng buộc phải rời Pháp về lại Sài Gòn, tiếp tục hoạt động trong phong trào công nhân và trở thành người tổ chức, lãnh đạo Công hội bí mật, tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Từ đó Tôn Đức Thắng trở thành linh hồn của hàng loạt cuộc đấu tranh của công nhân Sài Gòn, tiêu biểu là thắng lợi của cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son vào tháng 8-1925.

Đầu năm 1927, những học trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm lực lượng để gây dựng cơ sở ở Nam Kỳ, đã gặp được Tôn Đức Thắng và Tôn Đức Thắng nhanh chóng được kết nạp vào Hội Việt Nam TNCM. Từ đây Tôn Đức Thắng và Công hội bí mật thật sự hoạt động dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, đánh dấu sự tham gia của những người công nhân đầu tiên vào tổ chức thanh niên ở nước ta. Khi Kỳ bộ Nam kỳ được thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, trực tiếp làm Bí thư Thành bộ Sài Gòn.

Tháng 7-1929, Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam vào khám lớn Sài Gòn, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai và bị đày ra Côn Đảo vào tháng 7-1930. Tại đây, cùng các chiến sĩ cộng sản, Tôn Đức Thắng đã tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên và là một trong những chi ủy viên đầu tiên. Gần 17 năm trong ngục tù Côn Đảo là 17 năm chiến đấu ngoan cường của người chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng và cũng là giai đoạn khắc nghiệt nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông...

  Ngày 23-9-1945, khi tiếng súng kháng chiến vang lên ở Nam bộ, Tôn Đức Thắng từ Côn Đảo trở về và được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách Ủy ban kháng chiến, chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Ngày 6-1-1946, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I. Tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đón ông ra Hà Nội. Từ đó ông luôn sát cánh bên Hồ Chủ tịch cùng chăm lo việc nước. Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông là người được nhân dân cả nước trìu mến gọi là Bác. Bác Tôn và Bác Hồ là hình ảnh tiêu biểu cho đoàn kết Bắc - Nam, hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Với uy tín lớn lao trong Đảng, trong nhân dân và phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng, Bác Tôn đã giữ nhiều trọng trách: đã từng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ, trong Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận liên hiệp quốc dân Việt Nam, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước... Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bác Tôn được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước. Với cương vị và trọng trách to lớn được Đảng giao phó, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã góp phần xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; tập hợp toàn dân tộc đoàn kết một lòng đưa kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước tiến lên CNXH - con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn - đưa cách mạng Việt Nam hòa trong dòng thác cách mạng thế giới đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc, tiến bộ và nhân văn.

Ngày 30-3-1980, Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng đầy gian lao, nguy hiểm, trong đó có 17 năm ròng bị đày đọa và chịu mọi cực hình trong ngục tù của thực dân Pháp; 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, Bác Tôn đã để lại cho Đảng, Nhà nước nhiều bài học sâu sắc, cho nhân dân ta một tấm gương đạo đức sáng ngời suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Chúng ta nhớ mãi Bác Tôn, một người công nhân ưu tú, một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước vĩ đại, người bạn chí thiết của Bác Hồ.

B.T