Sự thật phía sau nhóm khiếu kiện kéo dài khu vực Cồn Dầu

Bài 2: Những kẻ ngược dòng lạc lõng

Thứ sáu, 29/12/2023 06:54
Trong khi đại đa số hộ dân đều chấp hành chủ trương bàn giao mặt bằng xây dựng dự án Khu đô thị sinh thái (ĐTST) Hòa Xuân, vẫn còn một số rất ít hộ dân không chấp hành, liên tục khiếu kiện, đưa ra những yêu cầu vượt mức quy định của pháp luật mà địa phương không thể đáp ứng. Nổi lên trong số ấy là Huỳnh Ngọc Trường (1978, HKTT tổ 21 cũ, P. Hòa Xuân, đang cư trú K158/61 Ông Ích Đường, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ).
Huỳnh Ngọc Trường tiếp xúc với Nguyễn Đình Thắng (giữa, hàng đứng).
Huỳnh Ngọc Trường và một số ít hộ dân Cồn Dầu nhiều lần tụ tập trước trụ sở các cơ quan tại Đà Nẵng và Hà Nội.
Huỳnh Ngọc Trường và một số ít hộ dân Cồn Dầu nhiều lần tụ tập trước trụ sở các cơ quan tại Đà Nẵng và Hà Nội.

Yêu cầu phi lý

Huỳnh Ngọc Trường tham gia khiếu kiện liên quan đến hồ sơ đất của cha mẹ ruột và cha mẹ vợ, đều thuộc diện thu hồi giải tỏa tại dự án Khu ĐTST Hòa Xuân. Trường và các anh chị em đang tranh chấp tài sản thừa kế từ hồ sơ giải tỏa, thu hồi đất của cha mẹ ruột (đều đã chết) với tài sản là số tiền đền bù, hỗ trợ 823 triệu đồng và 6 lô đất. Trong đó, 2 lô đất đường 10,5m khu vực Cồn Dầu, 2 lô đường 10,5m (1 lô 2 mặt tiền) và 2 lô đường 7,5m tại khu E - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Vụ tranh chấp giữa Trường và các anh chị em được TAND Q. Cẩm Lệ thụ lý giải quyết, tổ chức hòa giải lần 1 và lần 2 (30-3-2022 và 31-3-2023), song Trường và các anh chị em không thống nhất nên TAND Q. Cẩm Lệ đang tiếp tục giải quyết. Quan điểm của Trường tài sản trên là chung của cha mẹ, trước khi mẹ Trường mất đã viết di chúc (có xác nhận của UBND P. Hòa Xuân) về việc để lại toàn bộ tài sản cho Trường. Vì vậy, Trường yêu cầu được nhận ½ tổng giá trị tài sản, phần còn lại yêu cầu phân chia đều theo quy định (do Trường là một người con được hưởng thừa kế từ cha). Ngoài ra, Trường không thống nhất với mức đền bù TĐC 6 lô đất nên yêu cầu các anh chị ủy quyền để Trường tiếp tục khiếu kiện. Về quan điểm của các anh chị Trường, trong đó ông Huỳnh Ngọc Trân (anh ruột) có nhà riêng trên đất cha mẹ nên phải được hưởng 1 lô đất đường 10,5m tại khu vực Cồn Dầu. Các tài sản còn lại được chia đều cho các người con trong gia đình do cho rằng di chúc không hợp lệ.

Về hồ sơ giải tỏa đền bù của cha mẹ vợ Trường, hồ sơ Nguyễn Diệp- Phạm Thị Thu Hương có diện tích thu hồi giải tỏa hơn 1.600 m2, diện cưỡng chế hành chính năm 2019. Hiện nay gia đình ông Diệp tham gia khiếu kiện cùng số khiếu kiện ở Cồn Dầu với số lượng đông nhất. Trường là con rể, tích cực tham gia tiếp dân, phát biểu ý kiến khi chính quyền mời gia đình ông Diệp để giải quyết, đồng thời Trường dựa vào hồ sơ này để tham gia khiếu kiện.

Cơ quan An ninh làm việc với Huỳnh Ngọc Trường.

Xuất ngoại "chui" bất thành

Ngày 14-11-2019, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của một số đối tượng cầm đầu của tổ chức BPSOS, Trường tìm cách xuất cảnh tại cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và Lao Bảo (Quảng Trị) để sang Thái Lan nhưng đã bị ngăn chặn. Sau đó, Trường tìm cách vượt biên trái phép, cũng theo sự vẽ đường của các đối tượng cầm đầu BPSOS. Đến ngày 30-11-2019, Trường bị BĐBP Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) tạm giữ về hành vi xuất cảnh trái phép sang Campuchia và ra quyết định xử phạt hành chính. Từ đầu tháng 12-2019, Trường bị cấm xuất cảnh trong thời hạn 3 năm.

Trước đó, từ ngày 2 đến 8-11-2019 Trường đi Thái Lan tham dự cái gọi là "Hội nghị tự do tôn giáo và niềm tin Đông Nam Á" (SEAFORD 5) do tổ chức BPSOS tài trợ. Tại đó, Trường trình bày khoảng 3 phút về vấn đề "khiếu kiện đất đai, chính quyền Đà Nẵng đàn áp giáo dân Cồn Dầu làm người dân mất đất". Ngày 8-11-2019 khi về nước, làm việc cơ quan với Công an, Trường thừa nhận việc được BPSOS thông qua Nguyễn Đình Thắng mời tham dự SEAFORD 5.

Cũng cần nói thêm, BPSOS tức Ủy ban cứu người vượt biển do Nguyễn Đình Thắng (1958, quốc tịch Mỹ) điều hành, là tổ chức phản động lưu vong chống đối quyết liệt ở cả trong và ngoài nước, xâm phạm trực tiếp đến an ninh quốc gia. Thắng triệt để lợi dụng danh nghĩa của một tổ chức hoạt động trên lĩnh vực "cứu trợ thuyền viên", "người tị nạn", "chống buôn người" để xin kinh phí hoạt động. BPSOS tập trung vào các hoạt động tổ chức huấn luyện cho số đối tượng trong nước nhằm móc nối, lôi kéo xây dựng đội ngũ cốt cán, thúc đẩy "phong trào xã hội dân sự" hình thành các "Cộng đồng tôn giáo độc lập tại Việt Nam".

Thượng tá Nguyễn Thành Hưng- Phó trưởng phòng An ninh nội địa Công an TP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2016 dưới vỏ bọc khiếu kiện đòi đất đai, anh em Huỳnh Ngọc Trường đã có sự liện hệ với một số thành viên BPSOS tại Mỹ, được các đối tượng này tư vấn về đường lối hoạt động khiếu kiện, móc nối tài trợ tham gia cái gọi là "Hội nghị tự do tôn giáo" thực chất là khóa huấn luyện trá hình, thu thập tình hình trong nước, tuyên truyền bóp méo sự thật về việc thực hiện chính sách tôn giáo, dân tộc của Việt Nam. Thông qua mối quan hệ này, Trường được biết đến như là "người đứng đầu, dẫn dắt đòi quyền lợi cho người dân", nhưng thực chất là để đánh bóng bản thân, tạo dựng hình ảnh như là "nhà lãnh đạo cho tôn giáo bị đàn áp"; để từ đó với sự giúp sức của BPSOS, Trường xây dựng một "lý lịch" đáp ứng các điều kiện về xin tị nạn, định cư của Hoa Kỳ.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thành Hưng, qua đấu tranh với Huỳnh Ngọc Trường, Công an TP Đà Nẵng đã làm rõ những nội dung đối tượng đã thu thập, biên soạn theo ý đồ có chủ đích, nhằm đưa thông tin bóp méo sự thật, xuyên tạc, vu cáo chính quyền, cơ quan chức năng tại địa phương. Các tổ chức nước ngoài đã sử dụng thông tin do Trường cung cấp để chống phá Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo.

Huỳnh Ngọc Trường tiếp xúc với Nguyễn Đình Thắng (giữa, hàng đứng).

Tạo dư luận để gây sức ép

Từ tháng 6-2019 đến nay, các trang mạng xã hội chống phá đã đăng tải thông tin cho rằng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết chọn ngày 22-8 hàng năm là ngày "Tưởng niệm các nạn nhân bị bạo hành vì lý do tôn giáo hay niềm tin", từ đó kêu gọi "hiệp thông cầu nguyện" trong các cơ sở tôn giáo để ủng hộ cho ngày này, nhằm tạo ra làn sóng phản đối về tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới. Trong đó nổi lên là sự kêu gọi của BPSOS. Để hưởng ứng "hiệp thông cầu nguyện" cho ngày 22-8 hàng năm, Trường cùng một số giáo dân khiếu kiện ở Cồn Dầu đã 3 lần tổ chức thắp nến, trương băng rôn tại nhà thờ, thời gian tụ tập rất ngắn, chủ yếu để chụp ảnh sau đó đăng lên mạng xã hội với danh nghĩa "Giáo xứ Cồn Dầu" để thể hiện giáo dân ở đây cùng hưởng ứng cầu nguyện nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận, sự hỗ trợ, can thiệp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, gây áp lực với chính quyền trong việc giải quyết các chính sách đền bù, giải tỏa đất đai cho nhóm đối tượng này. Đáng chú ý, BPSOS cũng đã sử dụng hình ảnh "hiệp thông cầu nguyện" của một số công dân Cồn Dầu vào các buổi "hội luận trực tuyến về tự do tôn giáo", qua đó xuyên tạc, bóp méo tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Tất nhiên, hầu hết dư luận giáo dân ở Cồn Dầu đều không đồng tinh với việc lấy danh nghĩa "Giáo xứ Cồn Dầu" và lấy địa điểm nhà thờ Cồn Dầu làm nơi tổ chức các hoạt động phục vụ mục đích cá nhân của các đối tượng này.

Những hành vi của Huỳnh Ngọc Trường trong các hoạt động tham gia, lôi kéo một số giáo dân Cồn Dầu tham gia khiếu kiện liên quan đến việc đền bù, giải tỏa đất đai tại Khu ĐTST Hòa Xuân, ảnh hưởng tới ANTT tại địa phương và thành phố, đi ngược lại chủ trương, đường lối, chính sách của chính quyền TP Đà Nẵng trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong diện giải tỏa đất đai, ổn định cuộc sống tại đây và ảnh hưởng đến uy tín giáo xứ, giáo dân Cồn Dầu, gây dư luận xấu, bất bình đối với cộng đồng Công giáo tại địa phương.

Mới đây, tại buổi tiếp đoàn lãnh đạo TP Đà Nẵng và Công an TP Đà Nẵng đến thăm, chúc mừng Lễ Giáng sinh trước thềm Noel 2023, Ngài Tổng Giám mục phó Tổng giáo phận Huế kiêm Giám quản Tông tòa Giáo phận Đà Nẵng Đặng Đức Ngân bày tỏ ý kiến rằng: "Đối với Đà Nẵng là một cái gì đó rất đặc biệt, thân thương. Đà Nẵng là thành phố đáng sống, đáng mến và với tôi là đáng yêu. Đáng sống, đáng mến, đáng yêu như vậy thì mọi người cùng phấn đấu, làm nên những giá trị tốt đẹp". Ngài Đặng Đức Ngân cũng cho biết: "Vừa qua có một vài vấn đề tại Cồn Dầu, tôi hy vọng có những cách gỡ rối để khỏi ảnh hưởng đến nhiều phía. Như lần trước, chúng tôi cũng nói rõ là anh em, bà con giáo dân đòi hỏi quyền lợi về kinh tế. Mặt trái lương tâm theo giá trị của Kitô giáo, nhiều khi người ta muốn đẩy lên một vấn đề gì đó để được trục xuất. Cái đó gây ra rất nhiều sự tế nhị trên nhiều phương diện, rất mong cách giải quyết như thế nào đó mang lại sự nhân văn, sự bình an của thành phố cũng như giá trị tốt đẹp cho người dân trong TP Đà Nẵng".

Nhóm PV