Bài 2: Những trang nhật ký chạm đến tâm can
Thống thiết tình yêu thương gia đình vô bờ
Lần giở từng trang của cuốn nhật ký, hai mẹ con bà Hoa rưng rưng, xúc động. “Tôi thức gần như xuyên đêm để đọc. Càng đọc càng thương ba nhiều hơn. Cả cuộc đời sống trong gian khổ, vất vả, thiếu thốn đủ bề. Dù trong cảnh chiến tranh gian khổ, ác liệt vẫn luôn hướng về hai mẹ. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, nỗi khắc khoải, niềm thương nhớ luôn thường trực trong suy nghĩ của tôi mỗi đêm. Ba dặn dò tôi đủ điều nhưng đến tận bây giờ khi đã gần 60 tuổi, tôi mới được đọc nó” – bà Hoa nói trong nghẹn ngào.
Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số dành phần lớn để viết về những trận đánh mà ông và đơn vị tham gia, về lý tưởng của người lính, về nỗi nhớ cồn cào thường trực dành cho cha mẹ, vợ con.
Là người chồng, người cha thấu hiểu được sự thiếu thốn về mặt vật chất lẫn tình cảm của hai mẹ con nên trong nhật ký ông luôn động viên, dặn dò vợ và con gái bằng tình yêu thương vô bờ. Điều đó thể hiện rõ nét ở trang nhật ký viết ngày 19-9-1968: “Hoa con! Hôm nay ba thấy cần phải tâm sự cùng con! Nếu như mai này thống nhất, ba trở về sẽ mang theo quyển nhật ký này. Nó ở bên ba trong những ngày đánh Mỹ gian khổ, ác liệt. Về cho con xem và nếu như ba có hy sinh (cũng là lẽ đương nhiên trong lúc chiến đấu với quân thù) thì Ban Chính trị sẽ gửi về cho con xem. Qua đây, con sẽ hiểu biết phần nào về ba của con…”. Ở trang nhật ký này, ông đã kể cho con gái mình nghe về lý tưởng của người lính, về mong muốn, hoài bão và ước mơ của mình đã thành hiện thực: “Hoa con! 26 năm qua (kể từ ngày sinh), 15 năm qua (kể từ ngày ba đi học), ba đã sống rất mãnh liệt… Một điều ước mơ lớn nhất của ba là trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam và kiên quyết sống như người cộng sản chân chính. Chính vì vậy Đảng phân công cho ba làm quản lý Tiểu đoàn ở ngoài Bắc mà ba kiên quyết xin vào tuyến đầu miền Nam để thử thách với gian khổ và ác liệt”.
“Đọc đến đây, nước mắt tôi chực trào. 4 trang giấy, ba nói với tôi về chiến tranh, về truyền thống gia đình, về lý tưởng và hạnh phúc, những lời muốn gửi gắm vào con gái. Dường như ba đã dự báo được cái chết của mình. Thế nhưng phải mất 56 năm tôi mới đọc được những lời nói từ gan ruột của ba” - bà Hoa nghẹn lời.
Cũng tại trang viết ngày 19-9-1968, bằng tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc của người chồng dành cho người vợ ở hậu phương nuôi con trong vò võ đợi chờ, lại còn sống trong cảnh xa quê hương, xa người thân, lời lẽ ông viết rất tha thiết: “Lục em! Mấy hôm nay anh nghĩ về em rất nhiều. Càng nghĩ càng thương em tha thiết. Thương em 5 năm rồi sống xa biền biệt quê hương, xa cha mẹ chồng, mẹ đẻ, anh em làng xóm… Thương em người phụ nữ trung hậu, thủy chung, thùy mị. Ngay mai về anh sẽ vun đắp cho em, tạo mọi điều kiện cho em đỡ vất vả, gian khổ. Em sẽ được tự hào như bao người phụ nữ khác. Nếu như trong cuộc vật lộn với kẻ thù tàn ác, dã man mà anh có hy sinh thì đây là lời dặn dò trước lúc vĩnh biệt em. Anh xin lỗi em. Có thương anh thì đừng giữ chữ “thủy chung” mãi mà khổ. Em cứ mạnh dạn tìm một người để sớm tối đi về cùng em”.
Cũng ở trang nhật ký này, ông Số dành những lời lẽ đầy tâm can gửi đến thầy mẹ: “Thầy mẹ tuổi đã già, sức yếu mà vẫn phải lam lũ đầu tắt mặt tối. Đáng lẽ con để vợ con ở nhà thì thầy mẹ đỡ khổ… Sau này con về sẽ làm cho thầy mẹ hài lòng vì là con của thầy mẹ. Và nếu như con có hy sinh thì trước lúc vĩnh biệt thầy mẹ, con gửi lời nhắn thầy mẹ biết. Con của thầy mẹ rất xứng đáng”.
Hồi ức chiến tranh qua những trang viết
Ngoài tình cảm thiết tha dành cho cha mẹ, vợ con, ở cuốn nhật ký này, người lính Nguyễn Quang Số dành phần lớn để viết những trận đánh mà ông cùng đồng đội tham gia, về tình đồng chí, đồng đội cùng “vào sinh ra tử”, về những vùng đất mà ông cùng đồng đội đã đi qua.
Có thể nói, thông qua những trang nhật ký riêng tư nhưng mang cả tinh thần dân tộc và hơi thở thời đại của liệt sĩ Nguyễn Quang Số đã truyền cảm hứng sống mãnh liệt cho thế hệ trẻ hôm nay: “Chưa bao giờ anh em hành quân lại mang nặng như lần này… Thương anh em quá! Thương yêu đồng đội không chỉ nói bằng mồm hay chỉ ghi vào nhật ký được, mà phải thể hiện trên công tác phục vụ của mình. Thế thì từ nay lấy tinh thần của một chiến sĩ hậu cần, lấy tư cách của một đảng viên Cộng sản toàn tâm, toàn ý phục vụ anh em…” (trích nhật ký viết ngày 22-8-1968 ở núi rừng Tây Ninh). Ở một trang khác, ông viết: "... phân đội 1 chiến đấu ở thành Nguyễn Huệ. Tin đầu tiên đồng chí Tống Văn Cánh bị bắt.
Theo cơ sở cho biết, đồng chí Cánh rất hiên ngang trước quân thù. Một tên lính Ngụy hỏi "Mày có sợ chúng tao không?", thì đồng chí Cánh trả lời "Tao đã đánh Mỹ thì tao không sợ"; "Buồn thương, đau xót và căm hờn. Đêm 26-9 đã để lại cho đơn vị chúng tôi biết bao đau xót và căm hờn. Đêm 26-9, đánh cứ điểm biệt kích Thiện Ngôn... 25 đồng chí đã yên nghỉ tại cứ điểm biệt kích Thiện Ngôn. 25 đồng chí đã quên mình vì Tổ quốc!... Thương tiếc và căm thù. Thù này phải trả!" (trích nhật ký ở trang viết ngày 1-10-1968)…
Theo đánh giá của một cán bộ Bảo tàng Quân khu 4, cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số là một tư liệu rất quý giá. Ngoài nội dung thể hiện tình cảm về gia đình thì cuốn nhật ký chứa rất nhiều thông tin về các trận đánh, thông tin về một số liệt sĩ đã hy sinh… Đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng giúp những gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin về thân nhân của mình. “Hiện tại gia đình đã có những thông tin về đồng đội cũ của ba và cuốn Nhật ký tập 2 cũng đã được tìm thấy, sắp tới sẽ được trao ở Củ Chi, TP HCM. Niềm mong mỏi duy nhất của tôi là sớm tìm được hài cốt của ba. Đó cũng là ước nguyện của mẹ trước lúc “nhắm mắt xuôi tay”. Để ba an lòng yên nghỉ và những người ở lại thấy nhẹ nhõm…” – bà Nguyễn Thị Hoa nhìn về xa xăm.
Dương Hóa