Bài chòi nơi đầu sóng

Thứ tư, 21/10/2015 10:26

(Cadn.com.vn) - Xã đảo Nhơn Châu (Cù Lao Xanh) là đảo tiền tiêu của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 10 hải lý về phía Đông Nam. Từ hàng trăm năm nay, nhờ những khúc hát Bài chòi, hơn 2.000 người dân nơi đây đã tìm được niềm vui, động lực để vượt lên những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Khi bình minh lên, tiếng hô Bài chòi reo vui trong gió, cùng những đoàn thuyền trĩu cá trở về.

Vợ chồng bà Hoa-ông Phước tại Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ 2. Ảnh: Y.Lan

Từ cầu tàu đi ngược lên xóm, qua những con ngõ nhỏ chỉ vừa đủ người đi bộ, lũ trẻ con trong thôn dẫn chúng tôi tới "gia đình Bài chòi" nổi tiếng của đảo, đó là gia đình ông Trần Hữu Phước và bà Lê Thị Hoa. Sinh năm 1968 trên đảo, ông Trần Hữu Phước lớn lên cùng giai điệu Bài chòi trong các câu hát ru của bà nội. Khi 15 tuổi, ông mê mẩn Bài chòi nên quyết học hát và đi sưu tầm lại tất cả những câu hát mà người già trên đảo còn nhớ. Với chất giọng trầm ấm trời phú, lại thuộc nhiều câu hát cổ, ông sớm trở thành "ngôi sao" Bài chòi trong lòng bà con trên đảo.

Cầm bộ thẻ bài trên tay, ông Phước say sưa giới thiệu với chúng tôi về nghệ thuật Bài chòi. Từ xưa, hội Bài chòi thường được tổ chức vào dịp Tết, hiểu nôm na là ngồi trên chòi cao và chơi bằng các thẻ bài. Trong một cuộc chơi Bài chòi, "anh Hiệu" là người hô những câu hát ứng với từng con bài như: nhứt trò, nhì bí, tam quảng,... Kết thúc một hiệp chơi, các nghệ nhân hô bài chòi thường diễn từng đoạn tuồng cổ như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lang Châu - Lý Ân, Phạm Công - Cúc Hoa,... Bài chòi Bình Định thu hút khách bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù của mình trong hàng loạt làn điệu: xuân nữ, hò Quảng, xàng xê, cổ bản và các điệu dân ca như: lý thương nhau, vọng kim lang, hò tát nước... Ông Phước cho biết, để trở thành một "anh Hiệu" cần phải luyện tập rất công phu. Bản thân ông từ nhỏ đã tuyệt đối không uống bia rượu, cà-phê để giữ giọng. Là người chủ trì các hội Bài chòi, anh Hiệu phải nhớ và thuộc rất nhiều câu hát khác nhau, ứng với ý nghĩa của các thẻ bài. Ngoài ra một anh Hiệu giỏi phải biết ứng biến với từng người chơi, biết áp dụng các trích đoạn hát Bội cổ, ca dao lục bát vào những lúc hợp lý. Chơi Bài chòi là chơi hội, nên các anh Hiệu phải luôn tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho tất cả mọi người bằng các câu hát của mình. Nói xong ông Phước hô một câu làm ví dụ: "Rủ nhau đi đánh Bài chòi/ Để con nó khóc cho lòi rún (rốn) ra...".

Giống ông Phước, bà Hoa cũng được mẹ dạy ca Bài chòi từ nhỏ. Lớn lên, bà tham gia đội Ca khúc Cách mạng cùng ông Phước, tình yêu Bài chòi đã đưa hai người nên duyên vợ chồng. Sau một thời gian dài tham gia trong các đoàn Bài chòi, cải lương không chuyên khắp tỉnh, đến năm 2011, vợ chồng ông được mời tham gia lớp tập huấn hô hát Bài chòi dân gian do Sở VH-TT&DL Bình Định tổ chức. Từ đó đến nay, các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần hai vợ chồng ông Phước đều rời đảo đi tàu vào đất liền để biểu diễn trong hội Bài chòi do Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Quy Nhơn tổ chức cho nhân dân và khách du lịch. Cả hai người đã đạt được danh hiệu Nghệ nhân xuất sắc hô hát Bài chòi và chạy Hiệu tỉnh Bình Định năm 2012, đạt giải Nhì Liên hoan dân ca Bài chòi 2014 do Đài VTV Phú Yên tổ chức cùng nhiều giải thưởng khác...

Hiện nay ông bà đã tập hợp những người yêu Bài chòi trên đảo để lập thành Hội Bài chòi dân gian xã Nhơn Châu, thường xuyên tập trung để hát cùng nhau và truyền lại tình yêu nghệ thuật cổ cho những người khác. Điều đáng mừng là cả 4 người con của ông Phước, bà Hoa đã được ông bà truyền lại niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống đặc sắc này. Con trai cả Trần Huệ Thiện hiện đang là giáo viên dạy nhạc cho trường Tiểu học của đảo là Nghệ nhân Bài chòi trẻ triển vọng do Sở VH-TT&DL Bình Định phong tặng. Con trai thứ Trần Quang Nhơn hiện là sinh viên trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Bình Định cũng thường xuyên đi hát thế, hát phụ ba mẹ trong những hội Bài chòi tại Quy Nhơn. Hai cô con gái út cũng đang học về đàn nhị, trống để làm nhạc công đệm nhạc cho các hội diễn. Những lúc rảnh rỗi, cả gia đình lại cùng nhau quây quần, lấy hiên nhà làm sân khấu, cùng nhau chia sẻ, học hỏi những kiến thức của môn nghệ thuật truyền thống. Tiếng hô hát Bài chòi, nhịp gõ phách đều đều lại vang lên trên những mái nhà lụp xụp của xóm chài bên bờ biển đêm.

Hội Bài chòi dân gian xã Nhơn Châu do vợ chồng ông Phước thành lập đã từng hoạt động rất hiệu quả từ năm 2012 - 2013, thường xuyên tổ chức chơi Bài chòi vào dịp cuối tuần, thu hút đông đảo bà con tới chơi và nghe hát. Nhưng do không thu được lợi nhuận, chỉ biểu diễn theo đam mê là chính nên đến nay không còn duy trì được. Những ai mê lắm câu hát Bài chòi thì tập trung lại và hát cho nhau nghe vào những tối rảnh rỗi. Ông Phước hiện là Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Châu, thỉnh thoảng lại đi biển đánh bắt gần bờ để kiếm tiền nuôi các con đi học. Từ năm 2011 đến nay cứ cuối tuần hai vợ chồng đều vào Quy Nhơn làm anh Hiệu, chị Hiệu cho đoàn Bài chòi của Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố, biểu diễn ở quảng trường trung tâm cho đông đảo bà con tham dự, nhưng việc này cũng mới kết thúc.

Ông Phước buồn bã: Mới đầu diễn 3 tiếng đồng hồ mỗi tối, chúng tôi nhận được thù lao 300.000 đồng một người, sau đó giảm xuống 250.000 đồng, rồi kinh phí khó khăn nên giảm tiếp còn 200.000 đồng. Dù trừ chi phí đi lại, ăn ở thì chẳng còn bao nhiêu nhưng cuối tuần nào chúng tôi cũng đi, để thỏa mãn niềm đam mê và mong cho Bài chòi đến được với khán giả yêu nghệ thuật. Nhưng từ 2 tháng nay đoàn đã phải tạm nghỉ vì thiếu kinh phí hoạt động, chỉ biểu diễn khi có đơn vị đặt hàng. Nếu thế này thì đến các đời sau chắc không ai còn đi làm Hiệu, nghệ thuật Bài chòi sẽ chỉ còn trên sách vở, phim ảnh.

Hiện nay Bộ VH-TT&DL đang xây dựng hồ sơ văn hóa phi vật thể Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt, đệ trình UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho kỳ xét 2016. Không biết nếu được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì cuộc sống của các nghệ nhân Bài chòi có tốt lên không, nhưng trên chuyến tàu rời đảo Nhơn Châu, tôi được nghe một ngư dân hát câu mở đầu quen thuộc của các anh Hiệu: "Thân trách thân, thân sao lận đận/ Mình trách mình nè, số phận sao hẩm hiu...".

Quốc Dũng