Tìm bản vẽ phát triển bền vững cho Hòa Vang

Bài cuối: Hướng đến đô thị sinh thái, có bản sắc

Thứ tư, 30/10/2024 09:02

Để hướng tới mục tiêu là đô thị sinh thái, có bản sắc thì Hòa Vang cần giải quyết nhiều thách thức, nhất là yêu cầu tạo động lực phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Nông nghiệp công nghệ cao vẫn đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển Hòa Vang.
Quy hoạch phát triển Hòa Vang không được tác động làm thay đổi cảnh quan khu vực nhạy cảm.

TS Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cho biết, mục tiêu xây dựng Hòa Vang trở thành đô thị sinh thái, đô thị xanh hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, địa phương. Do vậy Hòa Vang cần có giải pháp hành động để bảo tồn, duy tu, khôi phục và phát triển các di sản, công trình văn hóa, làng nghề gắn với ngành nông nghiệp, các nghề tiểu, thủ công truyền thống. Đây chính là bản sắc văn hóa vùng nông thôn Hòa Vang để thu hút du lịch. Cũng theo TS Lê Đức Viên, trong quy hoạch phát triển Hòa Vang phải tôn trọng cảnh quan tự nhiên, đặc biệt là các trọng điểm cảnh quan như sông Nam, sông Bắc, sông Cu Đê, khe Răm, hồ Hòa Trung, Hóc Khế, Đồng Xanh Đồng Nghệ, khu vực chân núi Bà Nà -Núi Chúa… Cùng quan điểm, TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, với lợi thế đất đai, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, Hòa Vang có điều kiện xây dựng đô thị sinh thái, lá phổi xanh và vành đai xanh cho Đà Nẵng. Việc phát triển đô thị sinh thái kết hợp du lịch không chỉ tăng thêm điều kiện phát triển kinh tế cho địa phương mà là các điểm cộng tăng thêm khi đánh giá phân loại đô thị.

Du lịch sinh thái là mũi nhọn phát triển cho Hòa Vang.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn Sungroup Vùng miền Trung cho biết, hai mũi nhọn trụ cột để Hòa Vang phát triển bứt phá đó là kiến tạo đô thị hiện đại và phát triển du lịch. Ông Bình cho rằng, việc phát triển các mô hình khu đô thị sinh thái hiện đại tại Hòa Vang chính là bước "đi sau, đón đầu" bắt nhịp với xu thế quy hoạch của thế giới về mô hình đô thị đang được các quốc gia phát triển hướng tới. Sự ra đời của các đại đô thị sinh thái như Fujisawa (Nhật Bản), Dongtan (Trung Quốc)… là một minh chứng. Xu hướng phát triển đô thị sinh thái hiện nay đã mở rộng ra quy mô thành phố hay một quốc gia, điển hình là Singapore với 300 công viên và 9.000 ha cây xanh (xấp xỉ 50% lãnh thổ). Các đô thị sinh thái với sự đầu tư bài bản về quy mô, hạ tầng cơ sở và giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của địa phương, tạo diện mạo mới cho vùng đất , thu hút du khách, nhà đầu tư. Bên cạnh phát triển đô thị thì đa dạng hóa trải nghiệm, nâng tầm du lịch sẽ là giải pháp quan trọng để tạo sức bật cho Hòa Vang. Và để thực hiện được 2 mũi nhọn này, Hòa Vang cần có những chính sách thông thoáng hấp dẫn nhà đầu tư tiềm lực.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Đinh Thế Vinh cho biết, theo quy hoạch thành phố sẽ định hướng Hòa Vang thành đô thị phát triển hài hòa giữa bảo tồn không gian nông thôn truyền thống và đô thị mới hiện đại, được định hướng 4 vùng chức năng gồm vùng công nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng du lịch sinh thái và vùng phát triển dân cư. Ông Vinh cho rằng, các hành lang ven sông Cu Đê, Túy Loan… cần được nghiên cứu là những tuyến hạ tầng xanh vừa đảm nhiệm chức năng thoát lũ, là không gian sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thiên nhiên, hoặc ưu tiên phát triển thành các không gian công cộng, giao tiếp thiên nhiên cho người dân. Cũng theo ông Vinh, việc mở rộng không gian đô thị sẽ tác động đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp làm diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp, vì thế cần định hướng hình thành các khu, vùng phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp dịch vụ logistics nông sản, nông nghiệp hữu cơ, gia tăng giá trị sản xuất của đất.

Nông nghiệp công nghệ cao vẫn đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển Hòa Vang.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng Nguyễn Đăng Huy chia sẻ, dù định hướng tương lai Hòa Vang trở thành đô thị, tuy nhiên vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của Hòa Vang vẫn là vùng đệm của thành phố, là vùng sinh thái nông nghiệp, có nhiệm vụ điều hòa môi trường và thoát nước cho thành phố. Với tiềm năng diện tích rừng của Đà Nẵng tập trung chủ yếu trên địa bàn Hòa Vang vì vậy đây cũng là khu vực cần được bảo vệ bảo tồn để đảm bảo cân bằng sinh thái, môi trường. Do đó, nông nghiệp của Hòa Vang vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng là nông nghiệp hiện đại, đa giá trị, phục vụ du lịch…

Hòa Vang là dư địa để phát triển thành phố về phía Tây. Trong quá trình đô thị hóa đến nay đã có nhiều được, mất. Giai đoạn phát triển nóng của Đà Nẵng đã qua, giờ là giai đoạn phát triển tinh với nhiều cơ hội và thách thức trước mắt. Tìm mô hình, giải pháp phát triển bền vững cho tương lai Hòa Vang, cũng chính là tương lai của Đà Nẵng.

HẢI QUỲNH