Bài cuối: Sự hy sinh thầm lặng
Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, lực lượng của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) không giảm đi mà ngày càng lớn mạnh, được tôi luyện, nhất là khối kỹ thuật. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ ở miền Nam Việt Nam mà TTXGP còn nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động bằng việc năm 1968 cử báo vụ Vũ Hoàng sang làm việc tại Văn phòng đại diện TTXGP tại Thủ đô Phnom Penh để tăng cường công tác đối ngoại. Bản tin hàng ngày của Văn phòng tại Campuchia được giới báo chí Campuchia và quốc tế hoan nghênh vì tính thời sự và phong phú, phản ánh kịp thời, toàn diện cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam. Quán triệt khẩu hiệu "Làn sóng điện không bao giờ tắt" trong bất cứ tình huống nào cán bộ nhân viên TTXGP vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt. Trong những trận đánh lớn, ngay khi tiếng súng vừa dứt, bộ đội còn trên đường hành quân chưa về tới căn cứ, tin của TTXGP đã kịp được phát đi, cung cấp ngay lập tức cho Đài phát thanh Giải phóng loan tin chiến thắng, làm nức lòng quân dân cả nước.
Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V thăm Phòng Kỹ thuật TTXGP Trung Trung Bộ tại chiến khu. |
Trong chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 lịch sử, phóng viên TTXGP có mặt suốt từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau. Riêng tại Sài Gòn, phóng viên, nhân viên, kỹ thuật viên TTXGP (trong đó có cả Giám đốc TTXGP Võ Nhân Lý) đi theo 3 mũi tiến quân, bám sát chiến trường, thực hiện rất nhiều tin, bài, ảnh có giá trị thông tin cao, có giá trị lịch sử lớn, động viên quân dân cả nước nêu cao quyết tâm cách mạng. Đợt Tổng tiến công này đã có 14 phóng viên tin, ảnh và điện báo viên của TTXGP anh dũng hy sinh. Sự hy sinh, tổn thất lớn và đau lòng nhất là một số trường hợp hy sinh tập thể, cơ quan bị xóa sổ nhiều lần nhưng các phân xã vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ. Điển hình, Phân xã Kiến Tường, 3 lần bị địch hủy diệt, hàng chục đồng chí hy sinh vào năm 1968; Phân xã Rạch Giá có đến 5 lần bị địch tái lập lại hoàn toàn do có 5 lần bị địch giết hại toàn bộ phóng viên, kỹ thuật viên; có đến 16 đồng chí đã hy sinh; Phân xã Nam Tây Nguyên có 5 đồng chí đều hy sinh vào năm 1969.
Ở chiến trường, nếu chỉ nghĩ đến sự hy sinh vì đạn bom quân thù thì sẽ chưa thể hình dung hết về cuộc sống gian khổ mà phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP đã từng nếm trải và phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Không phải chỉ có Phạm Thị Đệ hy sinh vì bị lũ cuốn trôi trên đường đi làm nhiệm vụ qua sông Trà Nô mùa lũ dữ, những cơn sốt rét rừng ác tính, thiếu thốn mọi bề, bệnh tật cũng cướp đi sinh mạng không ít đồng chí. Đã có thời điểm Tổ chức định rút toàn bộ phân xã Quảng Đà ra Hà Nội không chỉ vì đồng chí Đinh Trọng Quyền bị thương mất một chân, còn cả nhiều phóng viên, điện báo viên khác chịu những trận sốt rét triền miên và thiếu đói làm cho họ không còn đủ sức trụ lại chiến trường. Trước tình thế đó, lãnh đạo VNTTX phải thay quân như đã từng thực hiện tại chiến trường Quảng Trị. Sự hy sinh như vậy, có thể nói những phóng viên của TTXGP thời chống Mỹ cứu nước thật sự là những chiến sĩ, họ đã phải có mặt tại những nơi nóng bỏng, tại mặt trận như những người lính và cũng chịu hy sinh như người lính.
Năm 1974 và đầu năm 1975, Tổng xã TTXGP đã liên tiếp cử hàng loạt tổ phóng viên tin, ảnh, điện báo viên ra chiến trường và tăng cường về các phân xã địa phương, như: Tăng cường cho các Phân xã Tây Nam bộ, phân xã miền Đông Nam bộ ở Mã Đà, chiến khu Đ; chiến trường Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cũng như các tổ phóng viên theo các đơn vị chủ lực tiến đánh và giải phóng tỉnh lỵ Phước Long... Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, TTXGP tung ra hai cánh quân lớn cùng với một số phóng viên VNTTX bám sát các đơn vị chủ lực, thông tin nhanh về các trận đánh, về tình hình chiến trường, về các bước tiến quân như vũ bão của bộ đội, tiếp quản các vùng giải phóng... Lực lượng được tổ chức thành từng nhóm có đủ phóng viên tin, phóng viên ảnh, kỹ thuật viên, điện báo viên để làm tin, phát tin kịp thời mọi lúc, mọi nơi. Nhờ vậy, phóng viên TTXGP là những nhà báo đầu tiên có mặt tại các "địa điểm đánh dấu mốc" ghi lại thắng lợi của cách mạng mùa Xuân năm 1975 ở các địa phương. Cùng với những bức ảnh nổi tiếng như: "Xe tăng chiếm dinh Độc Lập" của phóng viên Trần Mai Hưởng, "Ngày hội ngộ" của phóng viên Lâm Hồng Long... thì nhiều phóng viên khác của TTXGP cũng có nhiều tin bài, nhiều bức ảnh có giá trị thông tin, lịch sử cao; trong đó có những bức ảnh không chỉ có giá trị về báo chí mà còn làm lay động lòng người như bức ảnh "Cầu người" của phóng viên Phạm Văn Thính.
Ngay trong ngày đầu giải phóng Sài Gòn, TTXGP đã tiếp quản gần như nguyên vẹn toàn bộ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị của chính quyền cũ để lại. Trong những ngày lịch sử này, cùng với hàng loạt tin, bài chuyển theo đường morse, teletype, hàng ngàn tấm ảnh màu và đen trắng được chuyển thẳng về Tổng xã VNTTX ở Hà Nội theo đường máy bay, telephoto, không chỉ kịp thời báo cáo với Trung ương, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan thông tin đại chúng trong và nước ngoài, mà còn hoàn thành vẻ vang trách nhiệm của một hãng thông tấn trong chiến tranh cách mạng.
Lực lượng phóng viên tin, ảnh của TTXGP đã ở trên tuyến đầu của công tác thông tin, góp phần phản ánh một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài thông tin trên chiến trường, nhiều thông tin đặc biệt khác cũng đã được TTXGP phát đi một cách kịp thời, chính xác, trung thực đã có tác động rất lớn đến thời cuộc lúc bấy giờ. Nổi bật như tin về cái chết bất tử của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, tin về phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở các đô thị miền Nam, tin về Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu... Nhiều phóng viên của TTXGP đã hy sinh trong quá trình tác nghiệp như Nguyễn Thành Công, phóng viên phân xã Kiến Tường (nay là Long An) hy sinh khi về ấp chiến lược Nhơn Hòa Lập nắm tình hình viết tin diệt ác phá kềm năm 1973; phóng viên Bùi Văn Thưởng của phân xã Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), hy sinh lúc làm tin chiến sự tại xã Mỹ Đức Tây (Cái Bè) năm 1969; phóng viên ảnh Lương Nghĩa Dũng đã hy sinh trong lúc bám theo một đơn vị để chụp ảnh truy kích xe tăng địch tại mặt trận Quảng Trị trong chiến dịch "81 ngày đêm đỏ lửa"; phóng viên Dương Tấn Nhường hy sinh tại mặt trận Quảng Đà năm Mậu Thân 1968 khi đang trên đường xuống đồng bằng lấy tin; đồng chí Bùi Văn Tấn, điện báo viên phân xã Mỹ Tho, hy sinh tại xã Tân Phú, nơi xảy ra trận Ấp Bắc 1963. Trong số cán bộ, phóng viên... của TTXGP hy sinh còn có cả những đồng chí là lãnh đạo như Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy), Phó Giám đốc TTXGP.
Điểm qua những chiến công vang dội trên, chúng ta hiểu sâu sắc giá trị xương máu của bộ đội ta, càng không quên những "chiến sĩ" TTXGP ở tiền phương cũng như ở hậu cứ và khắp các địa phương miền Nam đã chịu bao gian khổ hy sinh, luôn vững vàng tư thế tiến công trên mũi nhọn của mặt trận chính trị tư tưởng. Nhiệm vụ chủ yếu là viết tin hay, chụp ảnh tốt, chuyển tin nhanh nhất tại trận địa phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng, phát huy hiệu quả, cổ vũ quân dân ta quyết chiến quyết thắng.
NGÔ ANH VĂN
(Bài viết sử dụng nguồn tư liệu của TTXVN)