Bài cuối: Thêm giờ, thêm việc vì nhân dân
Mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" Công an TP Đà Nẵng là một sáng kiến thể hiện rõ tinh thần tận tâm của lực lượng Công an. Đi vào hoạt động từ tháng 12-2021, mô hình này không chỉ thể hiện sự đổi mới trong phương thức hoạt động của lực lượng Công an mà còn khẳng định vai trò quan trọng của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Đà Nẵng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ với tinh thần vì nhân dân phục vụ.
Một mô hình hợp lòng dân
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Đà Nẵng là tinh thần "lấy dân làm gốc", lấy người dân làm trung tâm. Công an cơ sở không chỉ là những người thực thi pháp luật, mà còn là những người bạn đồng hành, người bảo vệ sát cánh cùng nhân dân trong mọi hoàn cảnh. Chính điều này đã thúc đẩy mô hình ra đời và được triển khai một cách quyết liệt.
Mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp trong việc giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính (TTHC) ngoài giờ ngay tại cơ sở. Cụ thể, thời gian làm việc ngoài giờ kéo dài từ 18 giờ đến 20 giờ các ngày thứ Hai đến thứ Sáu, và từ 8 giờ đến 11 giờ sáng thứ Bảy hàng tuần (bao gồm cả lễ, Tết). "Xương sống" của mô hình là 4 yêu cầu, gồm: Tăng cường thời gian làm việc ngoài giờ hành chính; chú trọng xuống địa bàn, tiếp cận người dân; xử lý nhanh chóng các TTHC và đảm bảo ANTT trong thời gian cao điểm.
Theo đó, lực lượng Công an phường, xã tập trung bảo đảm ANTT, an toàn giao thông, PCCC và quản lý cư trú tại địa bàn; tiếp nhận và giải quyết các TTHC, trao đổi với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại trụ sở hoặc khu dân cư; trực tiếp thăm gặp, làm việc với lực lượng nòng cốt là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố và nhân dân hàng tuần. Thực hiện mô hình, đòi hỏi những cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ phải chấp nhận bỏ qua những riêng tư, thời gian nghỉ ngơi và cả những giây phút sum họp gia đình. Ngược lại, từng cán bộ chiến sĩ phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 lần so với trước đây.
Từ việc thí điểm ở một số đơn vị, đến nay 100% Công an xã, phường tại Đà Nẵng đã thực hiện và triển khai các nhiệm vụ một cách trọng tâm, đi vào chiều sâu. Theo đánh giá từ Công an các đơn vị, địa phương, mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" là một chủ trương đúng đắn của Đảng ủy và Giám đốc Công an TP, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp, gần gũi và thân thiện của cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân. Mô hình cũng góp phần xây dựng thành công 100% Công an phường, xã trở thành đơn vị kiểu mẫu về ANTT, văn minh đô thị và phong trào Toàn dân BVANTQ theo chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP và Giám đốc Công an TP.
Với những kết quả ban đầu trong thực hiện mô hình, chỉ sau hơn 1 năm, vào ngày 29-4-2022, Cục Xây dựng phong trào BVANTQ Bộ Công an đã có Thông báo số 465/TB-V05-P4 về kết quả xây dựng mô hình trên địa bàn TP Đà Nẵng để Công an các tỉnh, TP trong cả nước biết, nghiên cứu, nhân rộng mô hình. Đồng thời căn cứ Quyết định của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tháng 2-2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP đã cấp Giấy chứng nhận mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" là sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với TP.
Như vậy, mô hình đã nhận được sự đánh giá cao từ các cấp chính quyền và đông đảo người dân, ghi nhận đây là một bước tiến đáng kể trong cải cách hành chính và xây dựng lực lượng Công an gần gũi hơn với nhân dân thông qua sự thay đổi trong phong cách phục vụ và sẵn sàng hỗ trợ của lực lượng Công an cơ sở.
Lãi niềm tin
Mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" không chỉ là một phương thức tổ chức công việc mới mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tụy của lực lượng Công an. Các vấn đề phát sinh tại cơ sở được giải quyết nhanh chóng, tình hình ANTT được giữ vững, và đặc biệt là lòng tin của người dân đối với lực lượng Công an ngày càng được củng cố.
Qua 2 năm thực hiện mô hình, Công an cơ sở tại TP Đà Nẵng đã tiến hành tiếp nhận, giải quyết ngoài giờ hành chính hơn 812.000 trường hợp liên quan đến TTHC; tiếp nhận và xử lý 9.228 tin báo, phản ánh ngoài giờ; phục vụ công tác xác minh và đấu tranh, làm rõ 9 vụ cướp giật tài sản, 55 vụ trộm cắp tài sản, 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, 2 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, 12 vụ cố ý gây thương tích, 6 vụ đánh bạc trái phép, 2 vụ hủy hoại tài sản… và nhiều vụ việc khác.
Lực lượng Công an cơ sở cũng đã thăm gặp hơn 420.000 hộ dân, làm việc với hơn 142.000 lượt Bí thư Chi bộ khu dân cư/thôn, Ban Điều hành Tổ dân phố/thôn qua đó nắm được 8.985 tin có giá trị liên quan đến ANTT tại cơ sở, vận động giao nộp nhiều vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ… Điều đáng quý hơn cả là tình cảm mà người dân dành cho lực lượng Công an ngày càng bền chặt. Sự gần gũi, tận tụy và sẵn sàng vì dân của các chiến sĩ Công an đã xây dựng niềm tin vững chắc trong lòng nhân dân.
Hình ảnh Đại úy Ngô Công Đông (CAP Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) hàng đêm gõ cửa từng nhà để trả thẻ Căn cước, trả lời các thắc mắc của người dân, hướng dẫn cài đặt VNeID, tích hợp giấy tờ lên App… trở nên quá quen thuộc với cộng đồng công nhân, người lao động trong khu vực. "Đa số người dân ở chung cư đều là công nhân ở các khu công nghiệp nên ban ngày đều đi làm, thậm chí tăng ca đêm. Nắm bắt được thực tiễn đó, tôi cùng anh em CAP tổ chức về cơ sở để hỗ trợ người dân, người cán bộ trẻ chia sẻ.
Làm sao không vất vả khi trải qua những ngày dài làm việc từ sáng đến tối?. Là có, nhưng nhiệt huyết, tinh thần vì dân và nhất là sự đồng thuận, yêu thương của người dân như nguồn động lực vô hạn để lực lượng Công an cơ sở thêm việc, thêm giờ trên tinh thần "dân cần Công an có, dân khó có Công an". "Chưa bao giờ tôi thấy Công an gần dân như hiện nay. Các anh Công an phường không chỉ làm việc theo giờ hành chính mà còn đến thăm gặp chúng tôi vào buổi tối, ngày nghỉ, lắng nghe mọi vấn đề của bà con", bà Nguyễn Thị Hiển, người dân phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ đồng thời cho biết người dân ai cũng phấn khởi vì không phải xin nghỉ làm một buổi để đi giải quyết TTHC như trước đây nữa.
Không chỉ cán bộ chiến sĩ bám cơ sở mà ngay cả chỉ huy Công an phường, xã cũng phải trực tiếp định kỳ về cơ sở để trao đổi với người dân, hoặc như Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP Đà Nẵng trực tiếp giao nhiệm vụ: "Mỗi chỉ huy Công an phường, xã phải trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế cho 1 người đã chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng hoặc có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ cao thực hiện tội phạm, vi phạm pháp luật tại địa bàn quản lý".
Trong 2 năm thực hiện, chỉ huy Công an xã, phường đã thực hiện 3.324 lượt thăm hỏi, động viên và nắm bắt tình hình của 162 người được kèm cặp, giúp đỡ. Qua đó, lực lượng kịp thời hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, cũng như khó khăn của từng người, từ đó giúp 77 người có việc làm phù hợp với thu nhập ổn định; hoàn thiện thủ tục, giải ngân vốn vay cho 10 người và đang hỗ trợ thủ tục cho 9 người khác...
Hiệu quả của mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân"không chỉ nằm ở những con số, mà còn là sự lan tỏa mạnh mẽ từ Đà Nẵng ra nhiều địa phương khác, mang lại kết quả thiết thực, tạo dựng lòng tin vững chắc trong nhân dân, trở thành hình mẫu cho Công an cả nước tham khảo và nhân rộng. Đây cũng là "bằng chứng nhận" quý giá cho những nỗ lực không ngừng của lực lượng Công an TP Đà Nẵng trên hành trình không có điểm cuối: "Vì nhân dân phục vụ".
Nhóm phóng viên