Bài học từ thỏa thuận hạt nhân Mỹ – Ấn

Thứ năm, 25/06/2015 10:02

(Cadn.com.vn) - Trong vòng đàm phán an ninh lần thứ 7 với Mỹ gần đây, Pakistan lại yêu cầu một thỏa thuận hạt nhân dân sự với Washington theo kiểu của Ấn Độ. Tuy nhiên, như trước đây, Mỹ vẫn thờ ơ và không hứa hẹn gì với Islamabad. Vì sao Pakistan lại thiết tha với thỏa thuận hạt nhân dân sự với Mỹ đến vậy?

Thực tế, Islamabad rất khó chịu với thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn, vốn được ký kết trong năm 2008, theo đó dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hạt nhân chống lại New Delhi và Ấn Độ được phép có hạt nhân thương mại dân sự cùng với chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Thỏa thuận này cũng công nhận tình trạng hạt nhân của Ấn Độ, trong khi tiếp tục loại trừ Pakistan khỏi câu lạc bộ hạt nhân.

Các quan chức Mỹ cho rằng, trường hợp của Ấn Độ là "độc nhất vô nhị" và Pakistan không đủ điều kiện để có đặc cách tương tự. Câu hỏi đặt ra là điều gì đã thúc đẩy Mỹ nỗ lực hết mình để dỡ bỏ trừng phạt hạt nhân, cả ở cấp trong nước và quốc tế, chống lại Ấn Độ và những bài học Pakistan nên học để đủ điều kiện xem xét tương tự?

Giới phân tích cho rằng, yếu tố quan trọng nhất đằng sau thỏa thuận với Ấn Độ là sự theo đuổi mục tiêu chiến lược liên quan đến Trung Quốc. Năm đó, chính quyền Tổng thống G.W.Bush muốn tăng cường khả năng quân sự và kinh tế của Ấn Độ để chống lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Giờ đây, Pakistan cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng chiến lược đối với Mỹ. Islamabad tiếp tục là nhà nước ở tuyến đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và hợp tác của Pakistan là vô cùng quan trọng đối với sự ổn định và hòa bình ở Afghanistan.

Các yếu tố kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng. Thị trường hạt nhân lớn của Ấn Độ tạo cơ hội cho các nhà cung cấp hạt nhân dỡ bỏ trừng phạt chống lại New Delhi. Nhưng Pakistan thì khác. Nền kinh tế còn nghèo khó của nước này không tạo ra các ưu đãi đối với các nhà cung cấp hạt nhân. Sự thiếu đoàn kết nội bộ, bạo lực sắc tộc, chủ nghĩa khủng bố, phân phối giàu nghèo không đồng đều và sự bất ổn chính trị đã hạn chế sự ổn định và thịnh vượng của Pakistan.

Ấn Độ được ca ngợi là nền dân chủ lớn nhất thế giới và một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm. New Delhi luôn luôn được tự hào về kỷ lục hoàn hảo về việc không chuyển giao công nghệ hạt nhân của mình. Pakistan, mặt khác, cố gắng để hàn gắn hình ảnh của mình sau khi tiết lộ về sự tham gia của Tiến sĩ AQ Khan - người được mệnh danh là "cha đẻ hạt nhân" của Pakistan - trong việc chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Iran, Libya, và Triều Tiên. Sau này, Pakistan mất đi các biện pháp để tăng cường tính bảo mật của chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Thanh Văn